Nghiệm thu Đề tài do Viện Khoa học và Công nghệ Xây dựng thực hiện

Thứ ba, 16/07/2019 17:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 16/7/2019, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Xác định hệ số khí động của một số dạng nhà cao tầng trong ống thổi khí động theo điều kiện Việt Nam” - mã số: RD 73-16, do Viện KHCN xây dựng thực hiện. Chủ tịch Hội đồng, Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ Xây dựng, PGS.TS Vũ Ngọc Anh chủ trì cuộc họp. 

Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu

Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài, TS. Vũ Thành Trung đã trình bày khái quát về dự án. Theo đó, các công trình xây dựng có xu hướng ngày càng cao tầng cũng như có đặc điểm hình khối kiến trúc đa dạng, đặt ra  nhiều vấn đề trong thiết kế và xây dựng, trong đó có vấn đề xác định tải trọng gió lên công trình nhà cao tầng có các hình dạng mặt bằng khác nhau. Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, việc tính toán và đánh giá tác động của gió lên công trình, việc sử dụng các hình khối cơ bản trình bày trong Bảng 6 của TCVN 2737:1995 đã quen thuộc với các kỹ sư thiết kế. Trong thực tế, một số dạng công trình có mặt bằng hình chữ H, T, L, U, và một số hình dạng đã được xây dựng là khá phổ biến mặc dù các dạng này không có trong Bảng 6 TCVN 2737:1995 và việc áp dụng hệ số khí động để tính toán cũng không rõ ràng (tại các nước khác trên thế giới, các công trình có dạng mặt bằng bất thường/không có sẵn trong tiêu chuẩn thực hành thường phải sử dụng thí nghiệm mô phỏng trong hầm gió để lấy số liệu phục vụ thiết kế).  Vì vậy đề tài nghiên cứu “Xác định hệ số khí động của một số dạng nhà cao tầng trong ống thối khí động theo điều kiện Việt Nam” là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Nội dung đề tài nhằm xác định hệ số khí động cho 6 dạng mặt bằng nhà với các hướng gió xác định (mặt bằng hình vuông - 2 hướng gió, chữ nhật và chữ H - 3 hướng gió, chữ T và U - 5 hướng gió, chữ L - 5 hướng gió); kiểm chứng độ chính xác của kết quả thí nghiệm thông qua việc so sánh kết quả hệ số khí động đối với dạng mặt bằng hình vuông và chữ nhật của mô hình thí nghiệm do Viện KHCN Xây dựng (IBST) và Tokyo Polytechnic University (TPU) thực hiện với hướng gió 0° và 45°;  

Đề tài cũng đã thực hiện thí nghiệm cho 6 mô hình với các hướng gió thổi khác nhau (mặt bằng hình vuông - 5 hướng gió, chữ nhật và chữ H - 11 hướng gió, chữ T, U và L - 21 hướng gió). 

Báo cáo tổng kết đề tài, gồm Phần 1- Mở đầu:  giới thiệu về dự án và sự cần thiết, tác động gió lên công trình và các thông tin chung của đề tài;  Phần 2 - Kết quả thực hiện: các thông tin về công tác thí nghiệm và kết quả đạt được;  Phần 3 - Kết luận, Tài liệu tham khảo và 06 Phụ lục - Hình minh họa kết quả thí nghiệm các mô hình.

Ý kiến của các thành viên Hội đồng và hai ủy viên phản biện là PGS.TS Nguyễn Quang Viên - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và TS. Lê Trường Giang - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đều thống nhất đánh giá cao kết quả thực hiện đề tài của nhóm nghiên cứu. Đề tài đã hoàn thành và đạt kết quả tốt cho các nội dung và sản phẩm nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu của đề tài khoa học và hợp lý với việc thông qua nghiên cứu thực nghiệm, phân tích, so sánh với kết quả nghiên cứu đã công bố của nước ngoài, từ đó đưa ra các kiến nghị. Bên cạnh đó, một số góp ý của Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, sửa chữa, bổ sung để hoàn thiện báo cáo tổng kết đề tài được tốt hơn.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu, với kết quả đạt loại Xuất sắc.


Ninh Hoàng Hạnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)