Nghiệm thu Đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện thiết bị và công nghệ chế tạo cát nghiền từ đá cát kết"

Thứ ba, 07/05/2019 11:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 6/5/2019, tại Hà Nội, Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp nghiệm thu đề tài KHCN trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu hoàn thiện thiết bị và công nghệ chế tạo cát nghiền từ đá cát kết thu hồi tại các bãi thải khai thác than để sử dụng trong các công trình xây dựng”, do Viện Nghiên cứu và ứng dụng VLXD nhiệt đới thực hiện, với sự phối hợp của Công ty CP Thiên Nam và Công ty CP Công nghiệp ô tô - VINACOMIN. 

Toàn cảnh cuộc nghiệm thu

Chủ nhiệm đề tài, TS. Tống Tôn Kiên cho biết, việc khai thác và sử dụng quá mức trong nhiều năm đã làm suy kiệt nguồn cát tự nhiên, gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cát xây dựng ở nước ta hiện nay. Trong khi đó, chất thải đá cát kết thu hồi từ quá trình khai thác than ở tỉnh Quảng Ninh đang có lượng tồn dư rất lớn, tốn nhiều diện tích đất để chứa và gây ra những ảnh hưởng tới môi trường. Việc chế tạo cát nghiền từ đá cát kết đã được tiến hành ở nước ta trong những năm gần đây, chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Do đó, mục tiêu nghiên cứu của Đề tài nhằm cải tiến, nội địa hóa dây chuyền sản xuất cát nghiền từ đá cát kết nhằm chủ động được công nghệ sản xuất, mở ra hướng sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong xây dựng sẽ giải quyết được các vấn đề về kinh tế và môi trường, có tính cần thiết và ý nghĩa thực tiễn cao.

Theo TS. Tống Tôn Kiên, triển khai Đề tài này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá chất lượng và khả năng sử dụng đá cát kết phế thải từ khai thác than để sản xuất cát nghiền; cải tiến và nội địa hóa các thiết bị máy sàng rung, máy nghiền ly tâm và thiết bị sàng rửa cát trong dây chuyền sản xuất cát nghiền hiện có của Công ty Thiên Nam tại Quảng Ninh; so sánh hiệu quả trước và sau khi cải tiến thiết bị công nghệ; nghiên cứu, thiết kế thành phần cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền từ đá cát kết; so sánh giá thành và xây dựng định mức sử dụng; xây dựng hồ sơ kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng và phương án thương mại hóa sản phẩm. Riêng về hiệu quả cải tiến thiết bị, dây chuyền sản xuất cát nghiền sau cải tiến có thể nâng thêm từ 50-70% công suất thiết kế.

Đóng góp ý kiến cho nhóm đề tài hoàn thành Báo cáo nghiên cứu, các chuyên gia phản biện, các thành viên của Hội đồng đánh giá cao sự phối hợp của các bên và nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện Đề tài. Tuy nhiên, trong Báo cáo, nhóm nghiên cứu cần bổ sung thêm thông tin tổng quan về công nghệ sản xuất cát nghiền từ đá cát kết hiện nay, làm rõ hơn cơ sở khoa học của những sáng kiến cải tiến, nội địa hóa thiết bị trong dây chuyền sản xuất cát nghiền nhập khẩu của Trung Quốc.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), TS. Nguyễn Quang Hiệp tổng hợp các ý kiến đóng góp của Hội đồng và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo.

Theo TS. Nguyễn Quang Hiệp, đơn vị chủ trì nghiên cứu đã thực hiện nghiêm túc Hợp đồng đề tài đã ký kết với Bộ Xây dựng, sản phẩm của Đề tài đầy đủ và đảm bảo chất lượng. Đây là một trong những Đề tài nghiên cứu mẫu mực về sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước (Sở Xây dựng Quảng Ninh), các nhà khoa học và doanh nghiệp, để cùng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tối ưu về hoàn thiện thiết bị và công nghệ chế tạo cát nghiền từ đá cát kết thu hồi tại các bãi thải khai thác than để sử dụng trong các công trình xây dựng.

Hội đồng KHCN chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu đề tài với kết quả xếp loại Xuất sắc.


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)