Nghiệm thu Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị

Thứ sáu, 03/05/2019 15:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 3/5/2019, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp nghiệm thu Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN): Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị, do Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) biên soạn. Chủ tịch Hội đồng, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, PGS.TS Mai Thị Liên Hương chủ trì cuộc họp.

Cục trưởng Mai Thị Liên Hương - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp

Trình bày tóm tắt Báo cáo thuyết minh Dự thảo TCVN: Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị, thay mặt nhóm biên soạn, PGS.TS Trần Đức Hạ cho biết, ở Việt Nam hiện nay, quản lý bùn thải phát sinh từ hệ thống thoát nước còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cả về chế tài lẫn phương diện kỹ thuật. Ước tính mỗi ngày, các thành phố lớn của Việt Nam thải ra hơn 600 tấn bùn thải được nạo vét từ hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, nhiều đô thị chưa có hệ thống xử lý bùn thải đảm bảo yêu cầu, phần lớn được ủ đống hoặc chôn lấp. Việc xử lý bùn thải chưa/không đảm bảo vệ sinh gây nguy cơ ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, việc xây dựng TCVN: Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị là đặc biệt là cần thiết.

Tiêu chuẩn này hướng dẫn việc quản lý bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị, như: Cống, kênh, mương, hồ điều hòa, nhà máy xử lý nước thải… từ giai đoạn lập kế hoạch đến quá trình thực hiện nạo vét, thu gom, vận chuyển, xử lý và tái sử dụng theo phương thức hợp vệ sinh, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe người dân. Tiêu chuẩn áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các công trình thoát nước mưa, nước thải, các công trình xử lý nước thải; không áp dụng cho các loại bùn thải của các trạm xử lý nước thải công nghiệp.

Theo Dự thảo TCVN, bùn thải phải được phân loại để quản lý và lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp, góp phần làm giảm chi phí vận chuyển và xử lý, thuận tiện trong quản lý vận hành bãi chôn lấp. Bùn thải được thu gom, lưu trữ và vận chuyển đến các địa điểm xử lý theo quy hoạch hoặc các địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; không được xả thải bùn thải chưa qua xử lý ra môi trường. Việc xử lý và tái sử dụng bùn thải phải tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng bùn thải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và các quy định về bảo vệ môi trường. Khi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải phải có các giải pháp thu gom và xử lý bùn thải phù hợp.

Các cá nhân, tập thể có hoạt động tạo ra các loại bùn thải phải đăng ký kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý và đổ thải định kỳ với cơ quan quản lý môi trường ngay từ khi xin cấp phép xây dựng công trình. Trường hợp bùn nạo vét từ cống, kênh, mương và hồ thoát nước có chứa những thành phần nguy hại theo QCVN 50:2013/BTNMT, chủ công trình phải đăng ký chủ nguồn thải theo quy định đối với chất thải nguy hại.

Phương pháp xử lý và tái sử dụng các loại bùn thải phải dựa trên thành phần hóa học, vi sinh vật học của loại bùn thải đó. Bùn thải từ hệ thống thoát nước và trạm xử lý nước thải bệnh viện và các cơ sở y tế phải được khử khuẩn bằng clo hoạt tính trước khi vận chuyển đi xử lý hoặc tái sử dụng cùng với các loại bùn thải khác. Bùn thải nếu có tối thiểu 1 giá trị thành phần nguy hại vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 50:2013/BTNMT thì phải được quản lý như chất thải nguy hại.

Địa điểm xử lý tập trung các loại bùn thải có thể bố trí riêng rẽ hoặc kết hợp tại khu liên hợp xửi lý chất thải rắn đô thị. Bãi đổ bùn thải tập trung được thiết kế theo yêu cầu ổn định và xử lý phù hợp với các loại bùn thải vận chuyển đến. Tại khu xử lý tập trung bùn thải phải có hệ thống xử lý nước rỉ bùn đảm bảo QCVN 25:2009/BTNMT. Các yêu cầu vệ sinh và môi trường của khu xử lý tập trùng bùn thải tuân thủ theo QCVN 07-03:2016/BXD.
 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đưa ra các quy định về các hoạt động liên quan đến quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị, như: Tách nước sơ bộ bùn thải; ổn định bùn thải thoát nước; làm khô bùn thải thoát nước; ổn định và làm khô bùn thải trên bãi ủ; ổn định và làm khô bùn thải trên bãi lọc trồng cậy; xử lý nước thải bãi ủ bùn thải; các công trình xử lý bùn thải tại các nhà máy xử lý nước thải. Về tái sử dụng bùn thải, Dự thảo quy định, sau khi xử lý, loại bỏ các yếu tố kim loại nặng hoặc vi sinh vật gây bệnh đạt mức theo các quy định của QCVN 50:2013/BTNMT có thể sử dụng làm nguyên liệu để chế biến phân bón hoặc làm đất nông nghiệp.

Nhằm nâng cao chất lượng Dự thảo TCVN: Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã đóng góp các ý kiến để nhóm biên soạn tiếp thu, chính sửa, như: Cập nhật thông tin liên quan đến công nghệ xử lý bùn thải, chú ý đến yếu tố môi trường, thành phần bùn thải trong quá trình xử lý, biên tập một số lỗi sử dụng thuật ngữ chuyên ngành.

Kết luận cuộc họp, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương đồng ý với ý kiến nhận xét của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng về tính cấp thiết phải biên soạn TCVN: Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị, đồng thời đánh giá nhóm tác giả đã thực hiện nghiêm túc theo nội dung Hợp đồng, sản phẩm của đề tài gồm Báo cáo thuyết minh tổng hợp và Dự thảo TCVN: Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị, đều đảm bảo chất lượng.

Chủ tịch Hội đồng Mai Thị Liên Hương đề nghị nhóm biên soạn rà soát lại toàn bộ Báo cáo thuyết minh, Dự thảo tiêu chuẩn, chỉnh sửa những lỗi đánh máy, lược bỏ những nội dung không phù hợp đã được các chuyên gia chỉ rõ, đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của Hội đồng để hoàn thiện Dự thảo TCVN, sớm trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, gửi Bộ Khoa học và công nghệ công bố.

Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu Dự thảo TCVN Quản lý bùn thải hệ thống thoát nước đô thị, với kết quả đạt loại Khá.


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)