Chất lượng sản phẩm: Gắn liền với thương hiệu

Thứ năm, 12/11/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cty CP Lắp máy Điện nước và Xây dựng, DN hạng 1 thuộc TCty Xây dựng Hà Nội, gồm 9 Cty con, nhiều chi nhánh và các Cty liên kết nằm trong tổ hợp Cty mẹ - Cty con, một loại hình tổ chức kinh doanh đang tỏ ra có nhiều thuận lợi và hiệu quả. Để tồn tại, phát triển vững mạnh như hôm nay, Cty đã trải qua những bước đi dài khó khăn từ khi còn là một xí nghiệp nhỏ được hình thành năm 1975, thuộc Cty Kiến trúc Khu Nam Hà Nội. Năm 2000, Cty là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực xây lắp mạnh dạn chấp nhận hình thức quản trị DN mới - Cty CP.

Năm 2005, sau 30 năm trưởng thành phát triển và 5 năm CPH DNNN với những kết quả đạt được trong kinh doanh, sự đoàn kết nhất trí của CBCNV và phong trào thi đua lao động sản xuất, Cty đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đến nay, sau gần 10 năm CPH, sự phát triển bền vững của DN đã khẳng định quyết định đúng đắn của Bộ Xây dựng khi quyết tâm CPH toàn bộ DN xây lắp. Kết quả doanh thu và lợi tức hàng năm tăng bình quân từ 10 - 20%; năm 2000 giá trị SXKD đạt 112 tỷ, cổ tức 11%/năm, năm 2009 giá trị SXKD ước đạt gấp 14,3 lần, năm 2000 xấp xỉ 1.600 tỷ; cổ tức: 25%/năm; từ năm 2005 - 2008 Cty đã được Chính phủ tặng thưởng 4 Cờ thi đua xuất sắc.

Là DN sản xuất hàng hoá (mà hàng hoá lại có thể do rất nhiều nhà sản xuất cùng cung ứng) với mong muốn phát triển bền vững, không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, Cty đã thường xuyên tìm hiểu nhu cầu thị trường, xác định đối tượng khách hàng để từ đó biết được mình phải sản xuất cái gì, chất lượng như thế nào, số lượng bao nhiêu, thời gian giao đơn hàng ngắn nhất... nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu của khách hàng và cơ bản là vòng luân chuyển vốn  luôn là bài toán được đặt lên hàng đầu của DN.

Để trả lời được những vấn đề này, Cty đã xây dựng định hướng chiến lược phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của DN và thị trường cho các giai đoạn (2006 - 2010) và (2011 - 2015). Giai đoạn (2006 - 2010) là các hoạt động nhằm nâng cao năng lực  cạnh tranh tạo điều kiện và tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo (2011 - 2015). Với mục tiêu phát triển Cty thành tổ hợp các nhà thầu, nhà đầu tư kinh doanh năng động, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, góp phần xây dựng TCty Xây dựng Hà Nội thành một trong những Tập đoàn kinh tế mạnh; xác định phải tập trung giải quyết những trọng tâm: Thứ nhất tập trung đầu tư với mục tiêu khai thác thêm giá trị từ các hoạt động kinh doanh xây lắp hiện tại; đầu tư nâng cấp sản phẩm xây dựng do ứng dụng công nghệ mới và có thể tìm được lợi nhuận khi phát triển công nghệ. Sản phẩm chính từ việc ứng dụng công nghệ xây dựng mới với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, bao gồm nhà ở tái định cư, năm 2010 phấn đấu đạt 55.000m2; năm 2015 phấn đấu đạt 140.000m2; tiếp đến là nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên, phấn đấu năm 2010 đạt 50.000m2; năm 2015 đạt 125.000m2 và các loại nhà, công trình xây dựng khác: Phấn đấu năm 2010 đạt 20.000m2, năm 2015 đạt 50.000m2. Thứ ba, đầu tư kinh doanh bất động sản theo hướng tạo ra sản phẩm chất lượng cao theo nhu cầu của các nhà đầu tư; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN hiện có, đẩy mạnh thu hút đầu tư để lấp đầy KCN; xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số KCN mới ở các địa phương đang phát triển; Thứ tư, phát triển và nâng cao chất lượng tư vấn thiết kế công trình, quản lý dự án, phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng doanh thu tư vấn chiếm 3% tổng doanh thu; Thứ năm, phát triển công nghiệp sản xuất VLXD phục vụ ứng dụng công nghệ xây dựng mới: Đầu tư đổi mới thiết bị và nâng công suất các  nhà máy, cơ sở sản xuất VLXD hiện có; đầu tư xây dựng mới Nhà máy chế tạo kết cấu thép quy mô giai đoạn I - 10.000 tấn/năm, giai đoạn II - 15.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông và sản phẩm nội thất cao cấp: quy mô 30.000m3/năm; Thứ sáu, nâng cao năng lực hoạt động của sàn giao dịch BĐS; phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng dịch vụ kinh doanh BĐS, dịch vụ quản lý sau đầu tư theo nhu cầu của đối tượng sử dụng dịch vụ, tạo điều kiện nâng cao giá trị sản phẩm đầu tư, thương hiệu Cty và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội; Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ đầu tư kinh doanh xây lắp và các dịch vụ khác...


Khu tái định cư P.11, Q.6, TP.HCM.

Cty CP Lắp máy Điện nước và Xây dựng luôn tâm niệm “Một đơn vị sẽ tăng trưởng bền vững, nếu tiếp tục duy trì tinh thần sáng tạo và tạo nên được sự khác biệt”. Sự khác biệt nằm trong chiến lược được hiểu là sự tìm kiếm thận trọng một kế hoạch hành động để phát triển lợi thế cạnh tranh. Thực hiện lộ trình đó, trong hai năm 2008 - 2009, DN đã từng bước tiếp cận nghiên cứu để ứng dụng khoa học và công nghệ mới trong chế tạo kết cấu thép xây dựng nhà cao tầng. Đây cũng chính là bước đường thực hiện giấc mơ gia nhập DN Khoa học - công nghệ để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH đất nước như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đề ra.

Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực KH - CN có thể sẽ gặp rủi ro  nhưng với quyết tâm và được sự đồng tình ủng hộ khuyến khích của Lãnh đạo TCty  Xây dựng Hà Nội, Bộ Xây dựng và các tỉnh,  thành, địa phương có các dự án đầu tư xây dựng nhà xã hội, ký túc xá sinh viên... Cty đã mạnh dạn bắt tay vào công việc. Bắt đầu từ việc thăm quan học hỏi các DN  trong nước và nhiều chuyến đi của lãnh đạo Cty tới Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, những chuyến đi này đã mở đường cho DN trong quá trình hiện thực hoá sản phẩm của mình; thành lập đơn vị nghiên cứu KHCN; thành lập Quỹ phát triển KHCN; cử cán bộ kỹ sư, chuyên viên đi thực tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc, mời chuyên gia cố vấn là người nước ngoài trong hoạt động tư vấn thiết kế; và đầu tư mọi nguồn lực để kế hoạch đến năm 2015, cơ bản các sản phẩm xây lắp do Cty thực hiện được ứng dụng công nghệ sản xuất mới.

Chủ động xác định, trong xu thế hội nhập hôm nay, muốn tăng trưởng và phát triển bền vững các DN  phải biết áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào quá trình SXKD mà Cty CP Lắp máy Điện nước và Xây dựng đã cố gắng thực hiện điều này. Trước hết là áp dụng công nghệ bê tông cốt thép liên hợp.

Thực tế, nhà cao tầng dùng kết cấu liên hợp thép - bê tông là loại nhà mà cốt chịu lực của các cấu kiện là thép hình cán nóng hoặc tổ hợp được sơn hoặc bọc bê tông. Việc sử dụng kết cấu liên hợp thép - bê tông đã được ứng dụng từ lâu tại các nước phát triển và các nước quanh khu vực. Với yêu cầu phát triển xây dựng hiện nay loại kết cấu này chắc chắn sẽ được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam do có một số ưu nhược điểm như sau: Khả năng chống ăn mòn của thép được tăng cường khi được bọc bê tông; Cấu kiện thép được bọc bê tông có khả năng chịu lửa tốt, khả năng chịu lực của vật liệu tăng (do thép chịu lực là chính) làm giảm kích thước của các cấu kiện, kết cấu sẽ thanh mảnh hơn kết cấu thông thường, không gian sử dụng và hiệu quả kiến trúc tăng; Giảm trọng lượng tĩnh tải của công trình xuống móng so với kết cấu bê tông truyền thống. Giảm chi phí cho phần móng của công trình; Tăng độ cứng của kết cấu. Điều này thấy rõ đối với các cột liên hợp thép - bê tông đều làm giảm độ mảnh của cốt thép làm tăng khả năng ổn định cục bộ cũng như tổng thể của thép; Khả năng chịu biến dạng lớn hơn kết cấu bê tông cốt thép, đó là ưu điểm lớn khi chịu tải động đất. Nhận định này được khảo sát kỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc; dễ dàng thi công do được chế tạo đồng bộ tại nhà máy; kết cấu liên hợp thép - bê tông có thể đạt hiệu quả kinh tế cao. So với kết cấu bê tông cốt thép truyền thống thì lượng thép dùng trong kết cấu không lớn hơn.

Nếu đánh giá hiệu quả kinh tế một cách toàn diện, có thể giá thành vật liệu cao hơn nhưng bù lại bởi tốc độ thi công nhanh hơn, hiệu quả sử dụng vật liệu cao hơn, quay vòng vốn nhanh hơn và giá thành tổng thể của công trình sẽ rẻ hơn, bởi quy trình sản xuất, lắp ráp gồm: Toàn bộ các cấu kiện cột, dầm, dàn được sản xuất gia công tại nhà xưởng. Sau đó được bọc bê tông theo thiết kế và vận chuyển đến công trình để thi công lắp dựng; Các tấm sàn panen cũng được gia công tại nhà xưởng sau đó được chuyển ra công trường để lắp đặt; Tại công trường các dầm, cột, giàn, tấm sàn sẽ được tổ hợp và được dùng cần cẩu để lắp đặt.

Như vậy, để ứng dụng hiệu quả công nghệ, Cty CP Lắp máy Điện nước  và Xây dựng đã từng bước quy hoạch và đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp nhằm hoàn hiện mô hình sản xuất nhà ở được hình thành trong tương lai tại một số khu vực ở miền Bắc và miền Nam và tại xã Cao An, huyện Cẩm Giàng và P.Việt Hoà, TP Hải Dương gồm: Nhà máy sản xuất VLXD; nhà máy chế tạo kết cấu thép nhà cao tầng; nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông và các sản phẩm nội thất. Xin được nhấn mạnh, tại cụm công nghiệp này từ năm 2004, đơn vị đã thành lập Cty CP Đầu tư và Sản xuất VLXD Hà Hải và đầu tư xây dựng Nhà máy  sản xuất gạch tuynel Hà Hải công suất 20 triệu viên/ năm. Đến nay, sau một thời gian đầu tư xây dựng Cty đã hoàn thành nhà máy thứ hai mang tên Nhà máy chế tạo kết cấu thép nhà cao tầng với công suất thiết kế giai đoạn I là 10.000 tấn/ năm. Từ  mục tiêu định hướng này, hy vọng Cty CP Lắp máy Điện nước và Xây dựng sẽ có những bước phát triển vững vàng hơn trong thời gian tới.

Vũ Hoàng Minh - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Cty CP Lắp máy Điện nước và Xây dựng.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)