Từ ngày 19 đến 23-6, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quândẫn đầu đoàn công tác Bộ Xây dựng có chuyến làm việc tại Cộng hòa Pháp.
Trong thời gian trên, đoàn làm việc với Phó Chủ tịch Hội đồng Vùng thủ đô Ile-de-France, ông Phillipe Kaltenbach; Thăm và làm việc tập đoàn Vinci, tập đoàn chuyên về xây dựng công trình ngầm hàng đầu của Pháp; Làm việc với Cơ quan quản lý xây dựng đô thị của Paris, Gặp gỡ các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp.
Cũng trong dịp này, đoàn công tác đã ký các Biên bản ghi nhớ xây dựng hầm Đèo Cả giữa các doanh nghiệp Việt Nam và tập đoàn Vinci của Pháp với sự chứng kiến của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Quốc vụ khanh phụ trách giao thông Dominique Bussereau của Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Lê Kinh Tài. Các biên bản ghi nhớ bao gồm Nghiên cứu khả thi xây dựng hầm Đèo Cả, Hợp đồng xây dựng chìa khóa trao tay, Biên bản ghi nhớ về Tư vấn quản lý và giám sát thi công, Hiệp định tài trợ vốn vay giữa Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả và hai ngân hàng Société Générale (SG) và Crédit Agricole (CA) của Pháp. Theo đó, tổng mức đầu tư cho công trình này khoảng 501 triệu USD.
Đèo Cả nằm trên địa phận giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có chiều dài 12 km, là một trong những đèo dài và nguy hiểm nhất ở miền Trung Việt Nam. Hầm chui Đèo Cả có chiều dài 5,7 km với hai hầm song song. Tổng chiều dài hai hầm là 11,5 km với kinh phí đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng (501 triệu USD). Dự kiến, hầm khởi công tháng 10-2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014 với bốn làn xe, tốc độ lưu thông 80 km/giờ. Sau khi hoàn thành, hầm sẽ rút ngắn thời gian giao thông qua Đèo Cả từ một giờ xuống còn 15 phút. Đây sẽ là hầm chui giao thông cuối cùng trên tuyến quốc lộ Bắc – Nam được xây dựng sau khi hoàn thành xây dựng hầm Hải Vân và hầm Đèo Ngang. Dự kiến đến năm 2042, hầm Đèo Cả sẽ hoàn vốn.
HUY THẮNG và KHẢI HOÀN
Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp