Đây là một cải cách nổi bật trong số những phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng vừa được Chính phủ chính thức thông qua tại Nghị quyết 55/NQ-CP.
Bên cạnh đó, thủ tục này còn được cải tiến ở rất nhiều khâu khác, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Quy định cụ thể trình tự thực hiện
Trình tự thực hiện thủ tục được quy định cụ thể như sau: Chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án khu đô thị mới (KĐTM) tới Ban quản lý phát triển KĐTM thuộc UBND cấp tỉnh hoặc Sở Xây dựng (trường hợp tỉnh không thành lập Ban quản lý phát triển KĐTM).
Đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 200 ha trở lên, Ban quản lý phát triển KĐTM hoặc Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tổ chức thẩm định dự án có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của chính quyền đô thị nơi có dự án và ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan. Sau khi thẩm định, Ban quản lý hoặc Sở xây dựng báo cáo UBND cấp tỉnh tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép đầu tư.
Đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 200 ha, Ban quản lý hoặc Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tổ chức thẩm định dự án có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của chính quyền đô thị nơi có dự án và ý kiến của các Sở, ngành liên quan. Sau khi thẩm định, Ban quản lý hoặc Sở Xây dựng trình UBND cấp tỉnh xem xét quyết định cho phép đầu tư.
Như vậy, việc quy định cụ thể, rõ ràng cách thức, trình tự thực hiện như trên sẽ tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức dễ tiếp cận, nhanh chóng thực hiện thủ tục, giảm thời gian, chi phí tuân thủ.
Chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ
Quy định mới nêu rõ đối với thủ tục này, số lượng hồ sơ phải nộp là 1 bộ. Và thành phần hồ sơ cũng được quy định cụ thể, gồm: Tờ trình đề nghị chấp thuận đầu tư dự án KĐTM (theo mẫu); Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn chủ đầu tư dự án KĐTM của UBND cấp tỉnh; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt; Dự án đầu tư KĐTM gồm: Thuyết minh và thiết kế cơ sở.
Việc đơn giản, minh bạch thành phần, số lượng hồ sơ như trên sẽ giúp cá nhân dễ thực hiện thủ tục.