Sớm đưa Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ năm, 21/11/2024 11:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chiều 19/11, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 (lần 3), UBND tỉnh Hải Dương đã xem xét điều chỉnh chương trình phát triển đô thị đến năm 2030.

Huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đang từng ngày phát triển. Ảnh minh họa: Phương Hoa/TTXVN

Theo ông Vũ Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương, tỉnh dự kiến đến năm 2025 có 16 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%. Đến năm 2030, tỉnh sẽ có 28 đô thị; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 55%; phấn đấu đạt đô thị loại I và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên cơ sở thực trạng các đô thị và lộ trình nâng cấp đô thị, định hướng quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được phê duyệt, Hải Dương sẽ tập trung nguồn lực, đầu tư thực hiện lập quy hoạch, chương trình, đề án và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung trên toàn tỉnh. Đó là: các công trình hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối nội tỉnh; các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dự án khu đô thị, khu dân cư... theo quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo quy hoạch tỉnh, để thực hiện chương trình, nguồn vốn giai đoạn 2024 - 2025 là khoảng 65.500 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 319.000 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện tập trung vào nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Để thực hiện tốt, Sở Xây dựng Hải Dương kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hoàn thiện việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch phân khu đô thị; trong đó lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị xanh, hiện đại. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, để thu hút đầu tư, coi đây là động lực chính phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại.

Hải Dương dự kiến lập quy hoạch lồng ghép các tiêu chí, chỉ tiêu phát triển đô thị bền vững, xanh, hiện đại. Tỉnh chú trọng quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội, thể thao, giáo dục, y tế, hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung, đảm bảo đô thị có nhiều không gian công viên - cây xanh, diện tích mặt nước, công trình công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho nhân dân. Quy hoạch hệ thống giao thông đối ngoại với các tỉnh lân cận, hệ thống giao thông giữa các địa phương trong tỉnh, khu vực kinh tế trọng điểm, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đảm bảo tích hợp đồng bộ các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế.

Tỉnh cũng xây dựng, ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị, điểm dân cư nông thôn; xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy hoạch xây dựng; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch được duyệt…

Hải Dương tiếp tục phát triển khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút các dự sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, quản lý hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động tích cực tới sự phát triển của khu vực kinh tế… tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tỉnh đầu tư xây dựng các trung tâm logistic lớn theo quy hoạch để phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý. Tỉnh chủ động bố trí quỹ nhà ở tại các đô thị, nông thôn, các khu nhà ở, lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội… đáp ứng nhu cầu về nhà ở, đảm bảo công bằng, an sinh xã hội.

Hải Dương cũng tập trung cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tỉnh nghiên cứu, xây dựng một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2030…

Hải Dương tích cực triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh; xây dựng, triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đồng thời, phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đồng tình với việc điều chỉnh chương trình phát triển đô thị đến năm 2030. Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra. Các sở, ngành, địa phương cũng cần có kế hoạch cụ thể để làm tốt theo đúng lộ trình đã đề ra, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về tỷ lệ đô thị hóa, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, sớm đưa Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương. Đến năm 2050, Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)