1. Mục đích, yêu cầu
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị, qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở tất cả các cấp.
- Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em. Cung cấp thông tin, nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh đối với phụ nữ và trẻ em.
- Chú trọng công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
- Việc xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động của Tháng hành động phải được tiến hành đồng bộ, bảo đảm hiệu quả thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.
2. Chủ đề Tháng hành động năm 2024
“Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.
3. Thời gian: Từ ngày 15/11/2024 đến ngày 15/12/2024.
4. Bộ nhận diện và các thông điệp truyền thông
- Đối với hình ảnh của các sản phẩm truyền thông: các cơ quan, đơn vị sử dụng hình ảnh theo mẫu cho các hoạt động truyền thông nhằm đảm bảo tính thống nhất về nhận diện hình ảnh của Tháng hành động (Phụ lục I kèm theo).
- Đối với thông điệp truyền thông: các cơ quan, đơn vị linh hoạt trong việc sử dụng thông điệp hoặc sáng tạo thông điệp phù hợp với mục tiêu truyền thông và lĩnh vực triển khai (một số thông điệp tham khảo tại Phụ lục II kèm theo).
5. Những hoạt động chính
- Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động tại cơ quan, đơn vị với hình thức phù hợp; tăng cường tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động trên các phương tiện thông tin truyền thông của Bộ và của cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tiễn (truyền thông trực tiếp; trên trang thông tin điện tử, báo điện tử và các mạng xã hội; treo băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở cơ quan, đơn vị).
- Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn về các nội dung liên quan đến chủ đề của Tháng hành động năm 2024; tuyên truyền về các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vai trò của việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, giao lưu văn hóa, thể thao; tổ chức các hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và công tác triển khai Tháng hành động năm 2024 nói riêng.
- Các cơ quan thông tin, báo chí của Bộ tăng cường các tuyến bài viết, chuyên trang, chuyên mục bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới nhằm tuyên truyền rộng rãi về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái.
- Phát hành các sản phẩm truyền thông về các chính sách an sinh xã hội, vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh.
- Đẩy mạnh huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
- Tăng cường các hình thức kiểm tra về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị trong Tháng hành động. Xử lý nghiêm các vụ vi phạm về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội.
- Gửi các tin, bài về hoạt động triển khai Tháng hành động tại cơ quan, đơn vị, địa phương để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và các phương tiện truyền thông của Bộ.
Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Tháng hành động theo nội dung hướng dẫn trên và gửi Báo cáo kết quả hoạt động (theo nội dung Đề cương tại Phụ lục III) về Bộ Xây dựng (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 31/12/2024 để tổng hợp. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị thông tin kịp thời về Bộ Xây dựng để phối hợp giải quyết.
Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_6139-BXD-TCCB_01112024.pdf
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 6139/BXD-TCCB.