UBND tỉnh ban hành Kế hoạch lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 3511/KH-UBND ngày 23/7/2020 của UBND tỉnh về lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch dựa vào "quy trình lập quy hoạch tỉnh" được quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch. Các nội dung công việc, nhiệm vụ phân công cho các cơ quan, đơn vị dựa vào các quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan khác.
Theo đó, tỉnh đã hoàn thành giai đoạn I: Lập Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và dự toán lập quy hoạch tỉnh.
Giai đoạn II: Lập Quy hoạch tỉnh theo các bước.
Cụ thể, bước 1: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng khung định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh (đã hoàn thành).
Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) và một số đơn vị có liên quan để tham mưu Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh tỉnh (đã hoàn thành).
Tổ chức Hội thảo đóng góp ý tưởng, tầm nhìn, quan điểm phát triển cho Quy hoạch tỉnh (đã hoàn thành).
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện căn cứ các nội dung được giao trong kế hoạch để nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung cần thiết để phối hợp cùng đơn vị tư vấn xây dựng nội dung tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Bước 2: Triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh; phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch.
Triển khai lập các nội dung đề xuất cấp sở, nội dung đề xuất cấp huyện và các nội dung quy hoạch khác để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch tỉnh.
Triển khai lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của quy hoạch tỉnh.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách và gửi cơ quan lập quy hoạch tỉnh.
Cơ quan lập quy hoạch tỉnh chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch do các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung đề xuất (nội dung quy hoạch) gửi cơ quan lập quy hoạch tỉnh.
Hoàn thiện dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh trước khi tổ chức lấy ý kiến theo quy định
Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến về hồ sơ quy hoạch tỉnh. Cơ quan lập quy hoạch tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện quy hoạch trước khi trình thẩm định quy hoạch.
Bước 4: Trình và hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC).
Bước 5: Trình hồ sơ thẩm định quy hoạch tỉnh đến Hội đồng thẩm định quy hoạch và trình hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Bước 6: Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định quy hoạch trình UBND tỉnh.
Bước 7: UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua quy hoạch tỉnh.
Bước 8: UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Bước 9: Công bố quy hoạch.