Hà Nội: Nhiều chuyển biến tích cực từ Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị

Thứ tư, 05/10/2022 14:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việc thực hiện Đề án thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện, thị xã giúp cho số lượng các vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội đã giảm rõ rệt, cho thấy sự chuyển biến tích cực từ mô hình này.

Nhờ việc thực hiện mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tình trạng vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn giảm rõ rệt. Ảnh: Thùy Chi

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các chủ đầu tư có vi phạm

Thủ đô Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, trung bình trên địa bàn thành phố có khoảng 15.000 công trình xây dựng được khởi công hằng năm. Khối lượng công trình lớn đòi hỏi công tác quản lý trật tự xây dựng phải thực hiện thường xuyên, liên tục, do đó việc thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là việc làm rất cần thiết.

Cho biết về kết quả thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước đây, vi phạm trật tự xây dựng chiếm tới 13%-15% số công trình xây dựng mới, thì 5 năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Việc thực hiện mô hình này đã giúp cho các công trình xây dựng cơ bản đã được kiểm tra, kiểm soát, vi phạm được phát hiện, xử lý kịp thời. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng giảm về số lượng và quy mô vi phạm. Đáng lưu ý, những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận dần được hạn chế.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tỉ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn Thành phố tăng 01% (từ 97,77% lên 98,77%). Tỉ lệ công trình vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 1,46% (tương ứng tỉ lệ 25,35%), từ 5,76% xuống 4,30%. Bên cạnh đó, số lượng công trình có vi phạm giảm 651 trường hợp (tương ứng giảm 35,55% so với 18 tháng trước khi thực hiện thí điểm mô hình), từ 1,831 trường hợp còn 1.180 trường hợp.

Mới đây, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 đối với công tác thanh tra, kiểm tra, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng đã đánh giá rất cao những kết quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt là mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Việc thực hiện mô hình thí điểm này đã tạo sự thống nhất, tập trung xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Mô hình thí điểm này cũng giúp tăng sự chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của cấp quận, phường trong quá trình triển khai nhiệm vụ nên nhiều vi phạm được ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh. Tình trạng vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn giảm rõ rệt.

Hơn 11 nghìn công trình xây dựng được kiểm tra trong 9 tháng

Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho thấy, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 11.427 công trình có hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Qua đó, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 218 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 1,9%).

Đến nay, các địa phương đã xử lý dứt điểm 156/218 trường hợp vi phạm và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 81/179 trường hợp. UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã ban hành 614 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền gần 4,6 tỷ đồng.

Trong 9 tháng, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã thực hiện 77 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung vào các lĩnh vực: Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và công sở... Qua đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các chủ đầu tư có vi phạm; ban hành 31 quyết định xử phạt với tổng số tiền 920 triệu đồng. Sở Xây dựng cũng đã tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành 5 quyết định xử phạt với số tiền 1,1 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, không để tiếp tục xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục giải quyết dứt điểm các tồn tại về vi phạm trật tự xây dựng.

Nâng cao hiệu quả quản lý thực hiện mô hình

Nhìn chung việc thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã phát huy hiệu quả, nhất là việc ràng buộc trách nhiệm đối với UBND cấp huyện, cấp xã, giúp giảm đáng kể tỉ lệ vi phạm trật tự xây dựng. Điều đó cho thấy mô hình đã chứng minh được vai trò nòng cốt của mình trong việc giúp các địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã chỉ ra một số hạn chế, đó là công tác kiểm tra, ngăn chặn thiếu quyết liệt để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị tại một số phường, xã còn yếu, chủ yếu dựa nhiều vào kinh nghiệm, không cập nhật, nghiên cứu văn bản mới trong lĩnh vực xây dựng.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, chức năng của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị không còn như Thanh tra trước đây, nay chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc cho cấp quận, huyện. Các Đội không có thẩm quyền xử phạt, không trực tiếp xử lý vi phạm mà chỉ lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý, kiểm tra vi phạm.

Đại diện lãnh đạo của một Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cho biết: Trước đây khi còn là mô hình Thanh tra xây dựng, cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn được cấp trang phục để thực thi công vụ, được thi, bổ nhiệm các ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính... và được hưởng phụ cấp thanh tra viên, phụ cấp thâm niên nghề thanh tra. Tuy nhiên, với mô hình hiện nay, các chính sách trên không còn được áp dụng nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tinh thần, nguyện vọng của cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Điều này cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình thực thi công vụ.

Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình áp dụng thí điểm, UBND TP. Hà Nội cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện tính hiệu quả, khả thi của mô hình này, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật hiện hành để bảo đảm tính pháp lý của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã, vì những văn bản quy phạm pháp luật hiện nay không quy định mô hình này.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 cho phép thí điểm thành lập Đội QLTTXDĐT trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội trong thời gian 24 tháng (kể từ ngày 10/8/2018) và tiếp tục được gia hạn đến hết ngày 10/8/2023 (theo Quyết định số 35/2020/QĐ-TTg ngày 09/12/2020).

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.

Với nhiều chuyển biến tích cực, TP. Hà Nội đã đề xuất được tiếp tục thí điểm để có thêm dữ liệu, tính thực tiễn đánh giá cụ thể đối với mô hình này và đã được Thủ tướng đồng ý tại gia hạn đến hết ngày 10/8/2023.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)