Chiều 03/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn làm Trưởng đoàn về trao đổi, học tập kinh nghiệm với tỉnh Bắc Giang trong thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, công tác tổ chức thực hiện giao đất, cho thuê đất và công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khu công nghiệp. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo sở, ngành, đơn vị của 02 tỉnh Bắc Giang và Tuyên Quang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích bày tỏ vui mừng được đón Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang đến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong phát KT-XH trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang đã huy động sức mạnh đoàn kết, tận dụng thời cơ, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi phát triển KT-XH, giải quyết linh hoạt, kịp thời những vấn đề cấp bách, khắc phục những hạn chế, yếu kém. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, Bắc Giang đã nỗ lực bứt phá, vươn lên tận dụng tốt các cơ hội, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương… Do đó, KT-XH của tỉnh đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, duy trì đà phục hồi và bứt phá mạnh mẽ.
Trong 9 tháng năm 2022, KT-XH của tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, duy trì đà phục hồi và bứt phá mạnh mẽ; tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đạt 23,9%; tổng thu nội địa 9 tháng năm 2022 đạt trên 12.160 tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ, bằng 96,9% dự toán. Sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi mạnh, làm động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Dù đối mặt với nhiều thách thức, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp vẫn đạt kết quả khả quan, toàn tỉnh đã thu thu hút được gần 1.080 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Bắc Giang đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố về giá trị xuất khẩu và là một trong 8 địa phương có giá trị xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.
Cùng với đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển toàn diện; các chỉ tiêu cơ bản đảm bảo tiến độ; một số chỉ tiêu đã thực hiện đạt, vượt kế hoạch năm. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, công tác y tế, phòng chống dịch bệnh được tập trung cao. Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì kiểm soát tốt; kết quả tiêm phòng vắc xin Covid-19 nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm tại buổi làm việc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại, khu công nghiệp, khu đô thị; vấn đề tổ chức thực hiện giao đất, cho thuê đất, xác định giá cho thuê đất; công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng của dự án đầu tư ngoài ngân sách, quy hoạch khu công nghiệp.
Theo đó, để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị, dân cư không sử dụng vốn nhà nước thông qua hình thức đấu thầu, trong thời gian từ năm 2021-2022, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư 97 dự án đầu tư hạ tầng khu đô thị, dân cư; đã lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 86 dự án, trong đó có 83 dự án lựa chọn theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và 03 dự án lựa chọn theo hình thức đấu giá.
UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND ngày 15/7/2021 về ban hành Quy định một số nội dung về quản lý và trình tự thực hiện đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư không sử dụng vốn nhà nước thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Về công tác lập quy hoạch, quản lý sau đầu tư, nhất là đối với các dự án chậm đầu tư kéo dài, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đào Xuân Cường cho biết, sẽ lập biên bản vi phạm hành chính về đầu tư và đề nghị Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đồng thời yêu cầu Nhà đầu tư phải có kế hoạch và triển khai dự án theo cam kết. Đối với các Dự án trong KCN của Bắc Giang, hầu hết là các dự án sau khi xử phạt vi phạm hành chính đều triển khai dự án ngay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích cho biết thêm, để phát triển đồng bộ, tỉnh Bắc Giang đặc biệt coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng khung và coi đây là động lực cho sự phát triển KT- XH của các địa phương trong tỉnh. Trong đó, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề then chốt để kết nối với các địa phương và các vùng kinh tế trong phát triển. Dự kiến trong nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Bắc Giang sẽ đầu tư trên 3 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng giao thông nhằm tiếp tục hình thành các vành đai giao thông, tạo ra không gian đất đai, hạ tầng phát triển các khu, cụm công nghiệp, từ đó tạo điều kiện cho các địa phương trước đây là “vùng lõm” của tỉnh có điều kiện phát triển KT-XH. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển công nghiệp, phấn đấu vào năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với 29 KCN theo quy hoạch...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, tỉnh Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc với diện tích hơn 5.800 km² gồm 6 huyện và 1 thành phố với dân số gần 800 nghìn người với 22 dân tộc anh em, trong đó có nhiều dân tộc ít người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 5,67%; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,08%; dự kiến đến hết năm 2022 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tuyên Quảng đạt khoảng 8,8%. So với tỉnh Bắc Giang, quy mô kinh tế của tỉnh còn rất nhỏ, thu ngân sách của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhiệm vụ chi, còn lại thu phụ thuộc ngân sách nhà nước.
Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ và Chính quyền, Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đặt quyết tâm cao trong phát triển kinh tế nhằm tạo bước đột phá mới trong phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa đi đôi phát triển công nghiệp, du lịch và dich vụ. Đồng thời, Tuyên Quang dành nhiều kinh phí cho phát triển hạ tầng giao thông nông thôn; quan tâm đầu tư các tuyến đường huyết mạch giao thông của tỉnh. Tỉnh đã đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông đối ngoại, liên tỉnh. Khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được hình thành sẽ tạo không gian phát triển, khắc phục những tồn tại, hạn chế “vùng lõm” của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích tặng quà lưu niệm cho Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang.
Đối với xây dựng quy hoạch chung của tỉnh, Tuyên Quang cũng quan tâm rất sớm, song hiện nay do quy định về đất khu công nghiệp nên việc xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp, thu hút nhà đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Do đó sự chia sẻ những kinh nghiệm của Bắc Giang trong quá trình xây dựng và phê duyệt quy hoạch sẽ là những kinh nghiệm quý, bổ ích để tỉnh Tuyên Quang áp dụng trong thực tiễn phát triển.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn cảm ơn sự quan tâm, đón tiếp trọng thị của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng như những ý kiến trao đổi, góp ý, chia sẻ thiết thực, cụ thể của lãnh đạo sở, ngành tỉnh Bắc Giang, góp phần giúp tỉnh Tuyên Quang có những định hướng cụ thể hơn trong phát triển đô thị, hạ tầng giao thông và rất nhiều nội dung liên quan đến phát triển đô thị, công nghiệp, phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực để xuất khẩu...
Tiếp đó, Đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang đi thăm quan KCN Quang Châu (huyện Việt Yên) và một số dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.