Để khởi động lại dự án, cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn 2016-2020. Dù được quan tâm nhưng tiến độ vẫn chưa được như mong muốn do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho các hộ dân.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Chiều ngày 18/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng để bàn về việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng.
Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vào năm 1997. Giai đoạn 1997-2017, tổng vốn đầu tư của Bộ GD&ĐT cho dự án khoảng 300 tỷ đồng, đạt 5% so với tổng mức đầu tư dự kiến lúc đó là 7.000 tỷ đồng.
Đại học Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng được 25,4 ha, nếu tính cả 13,5 ha của Trường Cao đẳng CNTT Việt-Hàn sáp nhập vào Đại học Đà Nẵng thì tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án cho đến nay là 38,95 ha (13%). Hiện nay, đã xây dựng được một số công trình, nhà học; có khoảng 2.500 sinh viên đang học tập.
Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đây là dự án đã kéo dài, nằm trên 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng nên thủ tục đầu tư còn phức tạp. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là giải phóng mặt bằng, giải quyết tái định cư cho người dân vùng dự án.
Theo đó, Đại học Đà Nẵng đã đề xuất 2 phương án để bố trí tái định cư nhằm kịp thời triển khai công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, phương án 1, Đà Nẵng sẽ xây dựng khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án từ nguồn kinh phí của địa phương và thành phố sẽ thu lại khoản kinh phí đã đầu tư khu tái định cư này.
Phương án 2, Đà Nẵng sẽ sử dụng các khu tái định cư mà thành phố đã xây dựng để thực hiện tái định cư chung cho các dự án khác nhau nhằm bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi dự án từ nguồn kinh phí của thành phố.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Trong quy hoạch chung đang được điều chỉnh của Đà Nẵng, Làng Đại học Đà Nẵng là một trong những hạt nhân của khu đô thị sáng tạo của thành phố. Cả Bộ GD&ĐT, Đại học Đà Nẵng và thành phố sẽ cùng nhau phối hợp để đẩy nhanh các thủ tục từ Trung ương đến địa phương. Còn rất nhiều việc phải làm nhưng nếu bỏ lỡ cơ hội này thì dự án sẽ lại dậm chân tại chỗ.
"Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ tối đa nhanh, kịp thời xử lý các đề xuất của Đại học Đà Nẵng trong công tác giải phóng mặt bằng, thành lập hội đồng, chuẩn bị thủ tục đầu tư, đánh giá tác động môi trường... Thành phố thống nhất phương án xây dựng khu tái định cư mới để bố trí cho các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng, phục vụ dự án", ông Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Đại học Đà Nẵng là một trong những đại học lớn của Việt Nam với quy mô đào tạo hơn 50.000 sinh viên, phục vụ cho sự phát triển của xã hội, trước mắt là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, khu vực Tây Nguyên.
Sau 23 năm trì hoãn, dự án Làng Đại học Đà Nẵng mới có cơ hội tái khởi động. Khó khăn lớn nhất của chúng ta trước nay là nguồn vốn thì cuối năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn 2016-2020 để triển khai.
Các công việc liên quan đến xây dựng, Bộ đã chỉ đạo Đại học Đà Nẵng làm việc tích cực; về vốn sẽ có khoảng 400-500 tỷ đồng để dành cho giải phóng mặt bằng, sau đó các hạng mục kỹ thuật. Một trong những khó khăn đó là công tác tái định cư, phải khơi thông vấn đề này thì các bước sau mới hoàn thành được.
Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT đề nghị lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng như tỉnh Quảng Nam cần tạo điều kiện tối đa cho dự án, cùng nhau hỗ trợ, thực hiện, trước mắt là công tác giải phóng mặt bằng.
“Chúng tôi mong TP. Đà Nẵng sẽ hỗ trợ hết mình để có thể gỡ nút thắt tiếp theo là công tác giải phóng mắt bằng, giải ngân số vốn được bố trí. Nếu không làm ngay lúc này thì chưa biết đến khi nào mới có cơ hội tiếp theo, trong khi Đại học Đà Nẵng có có xu hướng phát triển rất lớn trong tương lai”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.