Đứng trước đòi hỏi thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và đáng sống hơn, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, TPHCM phải xây dựng chiến lược tổng thể phát triển cây xanh, đặc biệt là giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Lãnh đạo TPHCM tham dự hội thảo. Ảnh: HCM CityWeb
Tại Hội thảo quốc tế về quy hoạch và phát triển công viên, cây xanh, chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019-2025 diễn ra vào trung tuần tháng 8-2019, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã đánh giá dân số thành phố hiện chiếm 10% cả nước, nhưng diện tích cây xanh đạt rất thấp so với chỉ tiêu quy hoạch trên đầu người; những năm qua, chưa giám sát chỉ tiêu cây xanh. Đứng trước đòi hỏi thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và đáng sống hơn, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, TPHCM phải xây dựng chiến lược tổng thể phát triển cây xanh, đặc biệt là giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Tiếp thu chỉ đạo, ngày 14-2-2020, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 529/QĐ-UBND về Kế hoạch xây dựng “Thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025”. TPHCM đặt ra chỉ tiêu trong giai đoạn trên, 100% tuyến đường có vỉa hè ổn định, quy mô từ 3m trở lên được trồng cây xanh; về mảng xanh, trung bình tăng 5ha/năm; đầu tư xây dựng 150ha đất công viên (bao gồm công viên công cộng và công viên trong khu dân cư); tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán đạt 41%; chỉ tiêu cây xanh đô thị đạt 0,65m²/người. Đồng thời, mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học trên địa bàn có công trình phát triển mảng xanh với hình thức phù hợp điều kiện từng địa phương, đơn vị. Riêng trong năm 2020, phấn đấu duy trì kết quả hoàn thành xử lý, chuyển hóa điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải thành các công viên, mảng xanh, công trình phục vụ cộng đồng; tăng tối thiểu 15ha đất công viên, mảng xanh công cộng trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM đặt ra giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng trong các ngành, các cấp, địa phương nhằm nâng cao nhận thức và vận động sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để bảo vệ môi trường, phát triển mảng xanh, xanh hóa sản xuất và tiêu dùng hướng tới xây dựng “Thành phố xanh - thân thiện môi trường”. Trong đó, tập trung vận động mỗi hộ gia đình tận dụng không gian trong nhà, sân, tường rào, tường nhà, mái nhà… để trồng cây, tăng mảng xanh nhằm cải thiện chất lượng không khí, điều kiện khí hậu, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại các khu dân cư.
Các sở ngành, địa phương rà soát quy hoạch và hiện trạng cây xanh, mảng xanh, công viên… thuộc phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch triển khai các dự án trồng rừng, trồng cây ven bờ sông, kênh rạch; kiểm tra việc đầu tư xây dựng, bàn giao tiếp nhận các công viên cây xanh, mảng xanh trong các khu dân cư, chung cư trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, xây dựng các dự án phủ xanh công viên, phát triển mảng xanh tại khu vực không gian sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư; phát triển các dự án trồng cây phân tán trong thành phố, đặc biệt tại các khu vực đất dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và khu vực đất trống. Kiểm tra việc đầu tư xây dựng, bàn giao tiếp nhận các công viên cây xanh, mảng xanh trong các khu dân cư, chung cư trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, phát động phong trào trồng cây, tăng mảng xanh, khuyến khích đa dạng hình thức tăng mảng xanh trên mặt đứng tại các công trình nhà cao tầng, công trình cầu, tại các cơ quan, công sở, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ… Đẩy mạnh triển khai, đánh giá và giới thiệu nhân rộng các mô hình về phát triển mảng xanh, “công trình xanh”, “văn phòng xanh”, “nhà xanh”, “khu dân cư xanh”… góp phần xây dựng thành phố xanh, thân thiện môi trường trên toàn địa bàn. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển mảng xanh, triển khai xây dựng các công trình xanh (sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo diện tích cây xanh trong công trình…), phát triển giao thông xanh, công nghệ xanh - thân thiện môi trường.