Bộ Xây dựng ban hành Chỉ thị về việc bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình

Thứ tư, 04/11/2015 16:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 02/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Chỉ thị 01/CT-BXD về việc bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng công trình.

Trong thời gian vừa qua, các sự cố gây hư hại cho công trình và thiệt hại về người liên tiếp xảy ra với nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, nhiều tai nạn lao động xảy ra liên quan đến sập đổ giàn giáo như sự cố tại Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, Dự án Formosa - Hà Tĩnh, Khu phức hợp Nam Sài Gòn, Khách sạn Thiên Trường - Lạng Sơn; sập đổ kết cấu công trình khi tháo dỡ giàn giáo tại Trung tâm hội nghị, tiệc cưới Hoàng Tử - Cần Thơ; tai nạn lao động liên quan đến vận hành các thiết bị nâng hạ như cần cẩu bị gãy đổ tại Dự án cầu Hồng Ngự 2 - Đồng Tháp, Dự án xây dựng khách sạn Hữu Nghị - TP Đông Hà, Quảng Trị...

Nguyên nhân xảy ra mất an toàn là do các bên có liên quan trong thi công xây dựng công trình chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý có thẩm quyền còn chưa thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn trên công trường xây dựng.

Nhằm chấn chỉnh tình hình mất an toàn nêu trên và ngăn ngừa khả năng xảy ra sự cố trong quá trình thi công xây dựng, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 162 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ thể có liên quan trong thi công xây dựng nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Đối với nhà thầu thi công xây dựng: Tuyệt đối tuân thủ các quy định kỹ thuật và pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng. Trong đó, đặc biệt lưu ý:

Đảm bảo an toàn kết cấu giàn giáo: Rà soát, kiểm tra sự tuân thủ các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn trong việc tính toán thiết kế kết cấu giàn giáo, phê duyệt thiết kế và biện pháp lắp dựng giàn giáo; Vật liệu chế tạo và các bộ phận của giàn giáo phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với yêu cầu của hồ sơ kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng; Quá trình lắp dựng phải tuân thủ theo quy trình, chỉ dẫn kỹ thuật đã được phê duyệt; kiểm tra ổn định, khả năng chịu lực (thử tải đối với giàn giáo thép theo Tiêu chuẩn TCVN 6052:1995) và nghiệm thu theo quy định; Trong quá trình sử dụng, nếu xuất hiện tải trọng hoặc tác động bất thường lên kết cấu giàn giáo thì phải có phương án kiểm tra, đánh giá (dừng thi công nếu cần) và có biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn; Việc tháo dỡ giàn giáo phải tuân thủ quy trình, biện pháp tháo dỡ để đảm bảo an toàn cho người, công trình và môi trường xung quanh.

Đảm bảo an toàn đối với máy, thiết bị nâng hạ: Các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng; Trường hợp phạm vi hoạt động của các máy, thiết bị nâng hạ vượt khỏi mặt bằng công trường hoặc do điều kiện thi công phải đặt ở ngoài phạm vi công trường thì phải có biện pháp đảm bảo an toàn được Chủ đầu tư chấp thuận và phải tuân thủ các quy định của địa phương, của pháp luật về an toàn khác có liên quan; Bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác an toàn phù hợp với quy mô, mức độ rủi ro xảy ra tai nạn lao động của công trường theo quy định; Tổ chức huấn luyện và phổ biến các quy định về an toàn cho người lao động. Đối với các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thì người lao động phải được cấp Chứng chỉ huấn luyện an toàn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn lao động; Lập phương án xử lý, ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra sự cố mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.

2. Đối với chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; Kiên quyết dừng thi công và yêu cầu nhà thầu thi công khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn trong thi công xây dựng và có chế tài xử phạt trong hợp đồng nếu để xảy ra mất an toàn.

3. Đối với các cơ quan chuyên môn về xây dựng: Duy trì thường xuyên việc hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình; Kết hợp kiểm tra công tác an toàn lao động với kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng thuộc đối tượng cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra (khoản 8 Điều 34 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng); Tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm các chủ thể vi phạm quy định của pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng công trình; Rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn kỹ thuật an toàn theo phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để nâng cao hiệu quả việc phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro cho người lao động; Báo cáo về tình hình an toàn lao động trong thi công xây dựng theo quy định tại các Thông tư của Bộ Xây dựng: Thông tư số 06/2012/TT-BXD ngày 10/10/2012, Quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ngành Xây dựng và Thông tư số 22/2010/TT-BXD ngày 03/12/2010, Quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chỉ đạo các cơ quan quản lý có thẩm quyền về an toàn trong thi công xây dựng tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Chỉ thị 01/CT-BXD.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)