Ngày 9/12/2016, tại Hà Nội, Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị nghiệm thu Dự thảo TCVN 5868:2016 “Thử nghiệm không phá hủy - yêu cầu năng lực và cấp chứng chỉ cho cá nhân NDT” và Dự thảo TCVN “Thử nghiệm không phá hủy - hướng dẫn tổ chức đào tạo nhân viên NDT”. Hai Dự thảo TCVN trên do Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) thực hiện. Ông Hoàng Quang Nhu - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) là Chủ tịch Hội đồng.
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, ThS. Trương Thị Hồng Thúy thay mặt nhóm tác giả trình bày báo cáo tóm tắt Dự thảo TCVN 5868:2016. Theo đó, TCVN 5868:2016 được biên soạn để thay thế TCVN 5868:2009. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về nguyên tắc đánh giá năng lực chuyên môn và cấp chứng chỉ cho người thực hiện thử nghiệm không phá hủy dùng trong công nghiệp. Những quy định trong Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho các phương pháp NDT khác hoặc cho các kỹ thuật mới trong phương pháp NDT đã có, khi các kỹ thuật đó có một chương trình đánh giá toàn diện cho việc chứng nhận và phương pháp hay kỹ thuật này đã có trong tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hay quốc gia hoặc được chứng minh là hiệu quả đối với yêu cầu của tổ chức cấp chứng chỉ.
ThS. Trương Thị Hồng Thúy cho biết: Hệ thống cấp chứng chỉ để chứng nhận năng lực do tổ chức cấp chứng chỉ điều hành và kiểm soát (khi cần thiết có thể có thêm sự trợ giúp của tổ chức chuyên môn được ủy quyền) bao gồm mọi thủ tục cần thiết để chứng tỏ năng lực chuyên môn của cá nhân thực hiện nhiệm vụ đối với một phương pháp và sản phẩm hoặc lĩnh vực công nghiệp NDT cụ thể. Tổ chức cấp chứng chỉ phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu đưa ra trong TCVN ISO/IEC 17024. Trong khi đó, tổ chức sử dụng lao động phải giới thiệu thí sinh với tổ chức cấp chứng chỉ (hoặc tổ chức chuyên môn được ủy quyền) và cung cấp các giấy tờ hợp lệ về thông tin cá nhân của thí sinh. Nếu thí sinh là người làm việc tự do, kê khai về học tập, đào tạo, kinh nghiệm phải được ít nhất một bên độc lập chứng thực.
Sau khi trình bày tóm tắt Dự thảo TCVN 5868:2016 “Thử nghiệm không phá hủy - yêu cầu năng lực và cấp chứng chỉ cho cá nhân NDT”, ThS. Trương Thị Hồng Thúy cũng trình bày những nội dung tóm tắt Dự thảo TCVN “Thử nghiệm không phá hủy - hướng dẫn tổ chức đào tạo nhân viên NDT”. Trong đó, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải biên soạn tiêu chuẩn này, phạm vi áp dụng cũng như phương pháp mà nhóm tác giả áp dụng trong quá trình biên dịch (Từ Tiêu chuẩn ISO).
Sau khi nghe đại diện nhóm tác giả báo cáo tóm tắt 2 Dự thảo TCVN nêu trên, các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng đã đưa ra những ý kiến góp ý để nhóm tác giả sớm hoàn chỉnh các 2 Dự thảo. PGS.TS Hoàng Như Tầng - trường Đại học Xây dựng Hà Nội, chuyên gia phản biện cho biết: Thử nghiệm không phá hủy ngày càng trở nên quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc soát xét và biên soạn 2 TCVN nêu trên là đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với ngành Xây dựng. Hai TCVN này có giá trị đối với cả cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi người học. Nếu như TCVN 5868:2016 được thực hiện để thay thế TCVN 5868:2009, thì TCVN “Thử nghiệm không phá hủy - hướng dẫn tổ chức đào tạo nhân viên NDT” có vai trò quan trọng đối với hoạt động đào tạo nhân lực, đồng thời góp phần đồng bộ hóa hệ thống TCVN trong Thử nghiệm không phá hủy.
PGS.TS Hoàng Như Tầng nhận xét: Cả 2 Dự thảo TCVN nêu trên đã được nhóm tác giả sắp xếp bố cục chặt chẽ, xác định được những nội dung trọng tâm và đề cập đầy đủ những lý thuyết chuyên ngành và cả yếu tố thực hành có liên quan đến thử nghiệm không phá hủy - yêu cầu năng lực và cấp chứng chỉ cho cá nhân NDT cũng như thử nghiệm không phá hủy - hướng dẫn tổ chức đào tạo nhân viên NDT. Tuy nhiên, nhóm tác giả cần chú ý đối chiếu, sử dụng các thuật ngữ sao cho đồng nhất với tên gọi được sử dụng phổ biến trong hệ thống TCVN.
Kết luận Hội nghị, ông Hoàng Quang Nhu - Chủ tịch Hội đồng đánh giá: Nhóm tác giả đã thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ được giao. Dự thảo TCVN 5868:2016 được soát xét kỹ lưỡng, có đối chiếu, tham khảo từ nhiều tài liệu có liên quan, đồng thời biên dịch TCVN “Thử nghiệm không phá hủy - hướng dẫn tổ chức đào tạo nhân viên NDT” sát thực với tài liệu gốc, trình bày có khoa học, hợp logic. Tuy nhiên, 2 Dự thảo TCVN trên vẫn còn một số tồn tại trong việc sử dụng từ ngữ, lỗi văn bản. Các lỗi này đã được các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng góp ý, chỉ rõ.
Ông Hoàng Quang Nhu yêu cầu nhóm tác giả tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các chuyên gia phản biện, các thành viên Hội đồng để sớm hoàn thiện Dự thảo TCVN 5868:2016 “Thử nghiệm không phá hủy - yêu cầu năng lực và cấp chứng chỉ cho cá nhân NDT” và Dự thảo TCVN “Thử nghiệm không phá hủy - hướng dẫn tổ chức đào tạo nhân viên NDT” trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hội đồng KHCN Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu 2 Dự thảo TCVN nêu trên với kết quả đều đạt loại Xuất sắc.
Trần Đình Hà