Hội nghị thẩm định Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Thứ bẩy, 28/09/2013 10:53
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 27/9/2013 tại Trụ sở Cơ quan Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của các thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện của Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và các Hội, Hiệp hội chuyên ngành.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định - Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội (CTR) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập là một đồ án quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật, nhằm cụ thể hóa nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi nhận được hồ sơ và tờ trình của UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Đồ án, Bộ Xây dựng đã gửi hồ sơ xin ý kiến các Bộ, ngành và thành lập Hội đồng để thẩm định Đồ án.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội - đơn vị tư vấn lập Đồ án - đã trình bày tóm tắt các nội dung cụ thể của Đồ án. Theo đó, Đồ án quy hoạch xử lý CTR thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm có các nội dung chính: Tổng quan quy hoạch xử lý CTR; Hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế xã hội; Thực trạng quản lý, xử lý CTR; Chiến lược, định hướng quy hoạch và kinh nghiệm quản lý CTR; Tiêu chuẩn thiết kế và công nghệ xử lý CTR; Quy hoạch xử lý CTR đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Các chương trình, dự án, nguồn vốn và phân kỳ đầu tư; Đánh giá môi trường chiến lược; Các đề xuất và kiến nghị.

Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được lập với quan điểm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và các chiến lược phát triển và các quy hoạch chuyên ngành; coi CTR là tài nguyên; hoạt động quản lý chất thải rắn đồng bộ, hiện đại từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý; công nghệ xử lý tiên tiến, phù hợp; khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR.

Toàn cảnh Hội nghị

Từ những nghiên cứu về hiện trạng quản lý, xử lý CTR của Hà Nội đối với 6 loại CTR (CTR sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng, phân bùn bể phốt và bùn thải thoát nước), các dự án xử lý CTR trên địa bàn và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, đơn vị tư vấn đã đề xuất Quy hoạch xử lý CTR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo việc phân loại CTR tại nguồn, cự ly vận chuyển phù hợp, bán kính phục vụ phù hợp với quy mô và quỹ đất của các khu xử lý CTR tập trung, hạn chế vận tải CTR qua các khu vực tập trung dân cư và đô thị, phù hợp với các giai đoạn phát triển trước mắt và lâu dài. Đơn vị tư vấn đã căn cứ vào Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội và trên cơ sở hiện trạng quản lý, xử lý CTR đã phân ra 03 vùng thu gom và xử lý các loại CTR, dự báo nhu cầu thu gom. xử lý CTR đến năm 2020, 2030 và 2050 và tỷ lệ xử lý theo công nghệ trong từng giai đoạn; đề xuất việc quy hoạch xây dựng 05 trạm trung chuyển CTR với quy mô tổng cộng 5,5 ha và quy hoạch các khu liên hợp xử lý CTR của mỗi vùng.

Đóng góp ý kiến cho Đồ án quy hoạch xử lý CTR thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các thành viên Hội đồng thẩm định đều cho rằng đây là một đồ án khó, phức tạp và mang tính nhạy cảm, đồng thời đánh giá cao những cố gắng và kinh nghiệm của đơn vị tư vấn trong việc nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch hết sức công phu, khoa học và cơ bản bám sát nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung một số vấn đề để Đồ án được hoàn thiện hơn, trong đó có việc đánh giá về những ưu, nhược điểm của các mô hình quản lý CTR của Hà Nội hiện nay; phân tích kỹ hơn về hiện trạng thu gom, vận chuyển và xử lý CTR cũng như về công nghệ xử lý CTR đang áp dụng để có căn cứ thuyết phục hơn trong việc đề xuất định hướng về công nghệ, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, các cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đồng tình với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định, đồng thời đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội - đơn vị chủ đầu tư - tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, hoàn thiện báo cáo thuyết minh Đồ án trước khi trình Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Minh Tuấn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)