Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Luật Xây dựng (2003) và hệ thống các quy định pháp luật về xây dựng đã tạo lập hành lang pháp lý cần thiết và môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, từng bước hình thành và vận hành thị trường xây dựng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, có sự quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Xây dựng (2003) cũng bộc lộ những mặt hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta giai đoạn hiện nay, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng còn bất cập, yếu kém.
Do đó, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ khắc phục được những hạn chế của Luật Xây dựng 2003, trong đó đáng chú là được bổ sung một số điểm mới, như: Điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo cho các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch, và được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đối với toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng; kết hợp với việc xác lập quan hệ bình đẳng, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng…
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) còn tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; Thống nhất quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng và công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng; Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư từ nguồn vốn nhà nước.
Đặc biệt, Dự thảo Luật xác định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở quy định rõ nội dung quản lý nhà nước và phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành địa phương…
Bộ trưởng cho biết, các ý kiến đóng góp xây dựng Luật, Ban Soạn thảo đã tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng Luật.
Tại cuộc họp, báo cáo thẩm tra sơ bộ của UB KH,CN&MT cơ bản đồng tình với những điểm mới trong dự thảo Luật, đồng thời đánh giá, Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. Về cơ bản, nội dung Dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, UB KH,CN&MT tán thành với phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật bao gồm “hoạt động đầu tư xây dựng” và đề nghị cần phân định rõ hơn hoạt động đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng; đồng thời, xem xét bổ sung phạm vi điều chỉnh bao gồm cả quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng và công trình xây dựng để phù hợp với các nội dung đã được quy định trong Dự thảo Luật.
Về quy hoạch xây dựng (Chương II), ý kiến UB KH,CN&MT cơ bản tán thành. Quy định như vậy là kế thừa Luật Xây dựng hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước. Nếu không được quy định trong Dự thảo Luật thì sẽ thiếu cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý trong lúc luật mới về quy hoạch chưa được ban hành.
Về quy hoạch vùng dọc tuyến cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh: UB KH,CN&MT đánh giá, thực tế trong nhiều năm qua, việc quản lý phát triển trên các tuyến đường cao tốc, các hành lang kinh tế có nhiều bất cập. Do thiếu định hướng chung của Chính phủ, nên các địa phương đã tự quyết định khai thác đất đai dọc tuyến vào việc đầu tư phát triển các dự án KCNp, khu dân cư, thương mại dịch vụ... đồng thời người dân cũng tự phát xây dựng bám dọc theo các tuyến đường, hành lang kinh tế.
Sự “phát triển nóng” trên đã gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cũng như cảnh quan, không gian, môi trường trên toàn tuyến. Do đó, để có công cụ quản lý và khai thác hiệu quả đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường dọc các tuyến đường, hành lang kinh tế, Dự thảo Luật đã bổ sung và quy định rõ yêu cầu lập quy hoạch xây dựng với đối tượng này (quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 18).
Về đảm bảo tính kết nối, đồng bộ, tránh chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng với các loại quy hoạch khác, UB KH,CN&MT nhận định: Để nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ và nội dung quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành khác, Dự thảo Luật đã làm rõ khái nhiệm quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… và được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch bao gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh (tại Khoản 32, Điều 3).
Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ căn cứ lập quy hoạch xây dựng là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành đã được phê duyệt (Điều 13). Đồng thời, cũng bổ sung, làm rõ quy định về yêu cầu chung đối với quy hoạch xây dựng (tại Khoản 1, Điều 14), cũng như đã quy định rõ nội dung cơ bản đối với từng loại đồ án quy hoạch theo cấp độ từ quy hoạch vùng đến quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật Xây dựng (sửa đổi) và những nội dung đưa ra trong Dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho biết: Cử tri rất mong muốn Luật Xây dựng (sửa đổi) được ban hành bởi thực tế trong cuộc sống, rất nhiều những bất cập trong lĩnh vực xây dựng đã xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân mà chưa được xử lý.
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) thì cho rằng, các bộ, ngành không có bộ phận chuyên trách về xây dựng thì khi triển khai xây dựng sẽ khó tránh được thất thoát lãng phí. Vừa qua, chúng ta quá tự do trong việc cấp phép xây dựng, để các chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, gây thất thoát, lãng phí, chất lượng công trình kém. Do đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần khắc phục được những hạn chế này...
Ngoài ra, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến cụ thể khác để Ban Soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế xây dựng Việt Nam.
Thay mặt Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã giải trình, tiếp thu những ý kiến đóng góp, xây dựng Luật của UB KH,CN&MT của Quốc hội. Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật trong thời gian tới.
Theo : Báo Xây dựng điện tử