Sau hơn một năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, đã đem lại những hiệu quả bước đầu, trong đó, dễ nhận thấy nhất là bộ máy chính quyền trở nên gọn nhẹ, hoạt động nhanh, thông suốt hơn, từ đó đáp ứng tốt các yêu cầu của người dân hơn.
Người dân phấn khởi vì thủ tục hành chính ngày càng nhanh, thuận tiện hơn. Ảnh: VGP/TL
Nhiều chuyển biến tích cực
Thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định 32/2021/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, TP. Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Theo đó, không tổ chức HĐND phường nữa, mà chính quyền địa phương ở phường là UBND phường (cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã).
Sau hơn 1 năm triển khai cho thấy, việc thí điểm tổ chức quản lý theo mô hình này đã theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XII của Đảng, với tổ chức bộ máy chính quyền khu vực các quận gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cơ quan hành chính phường chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện, làm chủ của nhân dân.
Nhớ lại ngày đầu tiên khởi động mô hình mới, ông Trần Nhật Thái, Chủ tịch UBND phường Hàng Bột (quận Đống Đa) cho biết, phường đã triển khai vận hành chính quyền theo mô hình chính quyền đô thị trong không khí phấn khởi, kỳ vọng.
Phường đã được quận quan tâm chuẩn bị chu đáo từ nhân sự, hoàn thiện ngân sách tài chính, đến nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó là yêu cầu cán bộ, công chức phải đổi mới tư duy, năng động trong thực hiện công vụ, thực hiện công việc theo đúng trách nhiệm để tạo được sự thay đổi căn bản.
Là địa bàn có cư dân sinh sống lâu đời, rất nhiều các loại giấy tờ cần phải xác minh, xác nhận, quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu đội ngũ cán bộ phải nắm chắc hồ sơ lưu trữ; hiểu rõ trách nhiệm của mình; tinh thần, thái độ phục vụ người dân phải thay đổi theo tích cực hơn. Mặt khác, phải tuân thủ thời gian, đáp ứng yêu cầu của người dân.
Đặc biệt, sau khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị, quận đã sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ tại UBND các phường. Sau sắp xếp đã giảm 26 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phường (đạt 32%); giảm 16 công chức phường (đạt 10%). Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn; các văn bản, chỉ đạo trung gian được giảm bớt đã giúp giải quyết nhanh hơn, liền mạch hơn.
Đáng kể, công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân và doanh nghiệp được thực hiện nhanh gọn với mô hình "Các thủ tục hành chính không chờ". Theo thống kê, trong thời gian thực hiện "thủ tục hành chính không chờ", UBND quận Hoàn Kiếm đã tiếp nhận và giải quyết trên 7.200 hồ sơ, đồng thời nhận được kết quả đánh giá hài lòng của người dân. Một số phường như Chương Dương, Cửa Nam, Hàng Mã không chỉ đáp ứng được yêu cầu mà cán bộ ở các phường này còn phát huy tính sáng tạo, chủ động đề xuất thêm một số lĩnh vực "không chờ", như: Giải quyết thủ tục trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội…
Chị Nguyễn Thị Vân (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Mình thấy giờ việc giải quyết thủ tục hành chính ở phường rất nhanh chóng, thường chỉ mất 10-15 phút là xong. Không những mình hài lòng vì thời gian giải quyết công việc được nhanh mà hơn hết là cảm thấy được tôn trọng khi mình đúng là chủ thể thực sự bởi đội ngũ cán bộ ngày càng thân thiện, vui vẻ hơn".
Cần thực hiện tốt chức năng giám sát
PGS. TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá, nhờ thực hiện mô hình chính quyền đô thị, việc tổ chức bộ máy chính quyền tại cấp phường trở nên tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy và thông suốt hơn. Cơ quan hành chính phường chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện, làm chủ của nhân dân.
Điểm nổi bật nữa khi thực hiện chính quyền đô thị mà người dân được hưởng là khi người dân đến làm các thủ tục hành chính tại phường rút ngắn được thời gian đi lại. Nhiều thủ tục hành chính giải quyết được ngay vì chủ tịch phường đã ủy quyền cho đồng chí công chức tư pháp hộ tịch làm công tác ký chứng thực các giấy tờ, văn bản theo quy định.
Tuy nhiên, PGS. TS Bùi Thị An cũng cho rằng, khi mới đi vào thực hiện mô hình, nghị quyết nào đó thì đều sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn như việc sáp nhập một số phường với nhau, tạo ra phường quy mô lớn, trong khi số lượng công chức có hạn. Những vấn đề này có thể dần giải quyết được trên cơ sở thực tiễn.
Với việc bỏ HĐND cấp phường, điều này cũng thiếu vắng đi một kênh rất quan trọng đại diện cho ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân. Trong quá trình triển khai thực tế thí điểm bỏ HĐND cấp phường thì một số phường, một số nơi đã làm tốt nhưng một số nơi chưa làm tốt, nên nhân dân vẫn phản ánh. Do đó, tới đây vai trò giám sát của MTTQ cần được nâng lên thực sự, không chỉ bằng lý luận, văn bản mà phải bằng thực tiễn để MTTQ có đầy đủ quyền năng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
"Sau khi MTTQ giám sát, đưa ý kiến tới cấp chính quyền thì cấp chính quyền cần trả lời lại đến nơi đến chốn, như vậy việc bỏ HĐND cấp phường sẽ đạt hiệu quả như mong đợi", PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Để mô hình chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả hơn và đạt được mục tiêu tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, vấn đề tăng cường hoạt động giám sát, thanh kiểm tra là vô cùng quan trọng.
Để đánh giá địa phương nào, nơi nào, khâu nào làm tốt cần phải được giám sát thường xuyên, đặc biệt tăng cường vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội. Như vậy bộ máy hoạt động của các cấp chính quyền cơ sở sẽ hoạt động tốt theo đúng luật pháp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân…