Thảo luận tại tổ trong kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/Gia Huy
Sáng nay, 12/9, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã nghe tờ trình và xem xét Dự thảo Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP; Nghị quyết về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Đề xuất phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính
Hà Nội thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội giữa cấp Thành phố và cấp huyện (gọi tắt là phân cấp) bắt từ năm 2006. Hiện nay, Thành phố đang thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực.
Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, việc xây dựng Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn được chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu năm 2022. Đề án được triển khai với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, bài bản từ việc rà soát quy định phân cấp quản lý nhà nước của từng lĩnh vực chuyên ngành đến việc rà soát nguồn lực, tổ chức bộ máy, biên chế, thủ tục hành chính.
Nội dung trọng tâm của Đề án là xây dựng mục tiêu, nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền. Các mục tiêu, nguyên tắc đã được xây dựng rất kỹ lưỡng để đảm bảo đúng luật, khoa học, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.
Thành phố cũng xác định các nội dung trọng tâm về phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai. Tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ. Rà soát, bóc tách các nhiệm vụ quản lý nhà nước, thủ tục hành chính để đề xuất phân cấp, ủy quyền một cách triệt để.
Hiện nay, tổng số thủ tục hành chính của Hà Nội là 1.884 thủ tục hành chính, trong đó cấp TP là 1.534 thủ tục (gồm UBND và Chủ tịch UBND TP 384 thủ tục, sở, ngành có 1.150 thủ tục), cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục.
Qua rà soát, tổng hợp, đề xuất dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% TTHC cấp Thành phố và cấp huyện; 41,65% TTHC cấp TP. Hiện nay, Thành phố đang chỉ đạo Văn phòng UBND TP, các sở, ngành tiếp tục rà soát để đảm bảo việc phân cấp, ủy quyền theo đúng quy định, khả thi.
Về mục tiêu phân cấp, uỷ quyền TTHC, các Ban HĐND cũng cơ bản nhất trí với mục tiêu, nguyên tắc về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đề án.
Riêng việc phân cấp đầu tư, quản lý sau đầu tư 15 lĩnh vực là phân cấp lõi, sẽ tác động đến việc phân cấp trong ít nhất là 14 lĩnh vực/nhiệm vụ khác như: Giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định, phê duyệt dự án; thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt quyết toán; giám sát đầu tư, các nhiệm vụ liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, phân bổ ngân sách; như vậy ít nhất khoảng 210 nhiệm vụ chính được phân cấp theo.
Đánh giá lại tổng biên chế sau khi thực hiện phân cấp, uỷ quyền
Thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND đều có ý kiến thống nhất về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn TP. Hà Nội là nội dung đột phá của Thành phố và rất phù hợp với tình hình hiện nay, nhằm nâng cao trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã. Từ đó các địa phương sẽ chủ động công việc của mình. Tuy nhiên các đại biểu đều đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát sau phân cấp, uỷ quyền.
Bí thư thị uỷ Sơn Tây Trần Anh Tuấn nêu quá trình phối hợp giữa các sở, ban, ngành đôi khi chưa hiệu quả dẫn đến ách tắc công việc, vì vậy Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn Thành phố sẽ chủ động cho địa phương, thúc đẩy quản lý nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt ông Trần Anh Tuấn hoanh nghênh việc điều chỉnh phân cấp quản lý các chợ, tiêu biểu như thị xã Sơn Tây có chợ Nghệ nằm trong vùng lõi phố đi bộ, khi được phân cấp quản lý sẽ hiệu quả hơn; thứ hai là quản lý trường THPT, khi được phân cấp sẽ cải tạo sửa chữa đáp ứng yêu cầu giáo dục; về giao thông sẽ quản lý tốt hơn các tuyến đường, vệ sinh môi trường.
Đại biểu Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch huyện Quốc Oai đánh giá, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn TP. Hà Nội có tính phân cấp mạnh mẽ, đồng bộ, khoa học, có tính thực tiễn cao, trong đó đặc biệt là phân cấp cho các trường học để duy tu, duy trì các trường THPT. Đại biểu đề nghị chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi bởi tăng thẩm quyền cho quận, huyện thì phải chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, quan tâm đến nguồn nhân lực cho các địa phương.
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Thanh Oai đề nghị nâng cao năng lực thực hiện của cơ quan nhận uỷ quyền, đơn vị được phân cấp. Năng lực thực hiện cần được đẩy mạnh qua tăng cường CCHC, cụ thể cần xây dựng quy trình nội bộ ở các phòng ở cấp huyện. Như ở cấp huyện, quy trình nội bộ giữa các phòng ban cần được xây dựng cụ thể, áp dụng CNTT vào quá trình thực hiện thì sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các đơn vị.
Về các giải pháp, đại biểu cho rằng cần bổ sung đánh giá, việc thực hiện ở cấp huyện và đơn vị sau một thời gian nhất định có hiệu quả không, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục thực hiện. Như vậy sẽ giúp cho hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp cơ sở được kịp thời.
Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP. Hà Nội nêu phương án phân cấp của Đề án lần này gắn đồng bộ với rà soát, phân cấp, uỷ quyền về TTHC. Đây chính là "điểm nghẽn" còn tồn tại ở các quận, huyện. Vì vậy, với Đề án lần này khi thực hiện phân cấp, uỷ quyền sẽ khắc phục được những vấn đề cơ bản còn hạn chế.
Đại biểu Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ nhấn mạnh, Đề án là cuộc cách mạng về phân cấp, uỷ quyền của Thành phố. Hiện nay, Đề án là nguyên tắc chung, còn kết quả thực hiện là quan trọng nhất, vì vậy đại biểu đề nghị chú ý việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi trong tháng 12 sắp tới; thứ hai là các đề án về tổ chức thực hiện; thứ 3 là vấn đề định biên biên chế, hiện nay sẽ có nơi sẽ thiếu người khi phân cấp.
Ông Vũ Đức Bảo cho biết, Thành phố có chủ trương và đánh giá lại tổng biên chế toàn Thành phố liên quan đến vấn đề phân cấp, uỷ quyền.