Chuẩn hóa, hiện đại hóa phương thức phục vụ tại bộ phận “một cửa”, song song với đổi mới cách thức tiếp nhận phản ánh, góp ý của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu UBND thành phố Hà Nội hướng tới để cải cách hành chính thực chất. Từ đó, thành phố sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Nguyễn Quang
Chuẩn hóa, hiện đại hóa bộ phận “một cửa”
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện tổng số bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận “một cửa”) các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã là 648 đơn vị. 3 năm qua, bộ phận “một cửa” của thành phố đã tiếp nhận từ hơn 3,5 triệu đến gần 4,5 triệu thủ tục hành chính/năm. Tuy nhiên, lĩnh vực “Hiện đại hóa hành chính” năm 2021 của thành phố được 12,39/15 điểm (82,6%), thấp hơn so với giá trị trung bình của cả nước (89,19%), xếp thứ 10/11 khu vực Đồng bằng sông Hồng và 58/63 địa phương của cả nước.
Do điều kiện, hoàn cảnh thực tế nên vẫn còn hơn 70 đơn vị có diện tích tối thiểu bố trí cho bộ phận “một cửa” ở dưới mức khuyến khích của thành phố, thậm chí còn dưới mức cơ bản cần thiết (dưới 15m2). Những đơn vị này thường tập trung ở quận Hoàn Kiếm, với 7/18 phường có diện tích dưới 20m2. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, việc diện tích bộ phận “một cửa” quá nhỏ ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động khi không thể bố trí các không gian tiện ích cơ bản dành cho cán bộ và công dân khi thực hiện giao dịch, giải quyết yêu cầu về thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, có 39 đơn vị còn tình trạng 2 cán bộ, công chức dùng chung 1 máy tính; 135 đơn vị chưa bố trí máy in kết nối hoặc có nhưng đã hư hỏng, không còn khả năng sử dụng. Chỉ một số ít đơn vị đã có trang phục riêng đồng bộ cho cán bộ, công chức bộ phận “một cửa”.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố đang triển khai xây dựng Đề án “Mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Dự kiến, đề án sẽ quy định thống nhất thực hiện trên toàn thành phố việc sử dụng bộ nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn chung về màu sắc, kích cỡ, tên gọi trên các ứng dụng điện tử, ứng dụng văn phòng, ứng dụng nội, ngoại thất. Về hạ tầng, cơ sở vật chất, bộ phận “một cửa” các cấp và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính sẽ có đủ 5 khu vực, bảo đảm thuận tiện, liên thông. Bộ phận “một cửa” các cấp và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính các cấp được trang bị thiết bị phục vụ công tác. Đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định…
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang, việc thống nhất chung, xây dựng một quy chuẩn bộ phận “một cửa” hiện đại là yêu cầu cần thiết và đã được Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Đỗ Tâm
Đổi mới cách thức tiếp nhận phản ánh, góp ý
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-VP về triển khai xây dựng kênh thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của người dân, doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo. Thông qua đó, người dân, doanh nghiệp có thể gửi phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc, khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn Thủ đô hoặc phản ánh, kiến nghị về hành vi, thái độ của cán bộ, công chức khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Trước thông tin trên, chị Dương Thị Trâm (phường Văn Quán, quận Hà Đông) đánh giá, việc tiếp nhận phản ánh qua Zalo tạo thêm kênh tương tác hữu ích giữa người dân với chính quyền… Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh nhận định, nhờ nền tảng công nghệ, thông tin, hoạt động của các cơ quan hành chính huyện tiếp cận người dân nhanh hơn. Những tiện ích được tích hợp sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Bên cạnh nền tảng công nghệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng sẽ trực tiếp đối thoại với tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, dự kiến diễn ra ngày 28-10-2022 với điểm cầu chính tại trụ sở UBND thành phố và trực tuyến đến điểm cầu UBND các quận, huyện, thị xã.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, hội nghị nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, kịp thời tháo gỡ, giải quyết và kiến nghị cấp trên giải quyết đối với trường hợp vượt thẩm quyền.
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, bên cạnh nâng cao chỉ số cải cách hành chính của thành phố, hội nghị đối thoại cũng sẽ giúp Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bất cập để đóng góp thiết thực vào sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới).
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền, những cách làm của thành phố Hà Nội sẽ góp phần tiếp tục cải thiện, nâng cao công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn.