Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết: giai đonạ 2019-2021, cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã - Ảnh: VGP/ĐH
Sáng 12/9, tại phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét Báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".
Báo cáo của Đoàn giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tại phiên họp nhấn mạnh những kết quả nổi bật đạt được trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Giảm 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã
Cụ thể, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời thể chế hóa trong các luật, nghị quyết, nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp ĐVHC.
Trên cơ sở đó, Chính phủ, chính quyền địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc rà soát tiêu chuẩn của ĐVHC để xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC trình UBTVQH ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Việc xây dựng Đề án bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Các phương án sắp xếp đều được lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao của cử tri và HĐND ở các ĐVHC liên quan trực tiếp.
Tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở các ĐVHC hình thành sau sắp xếp đều được kiện toàn theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 653 và các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp ĐVHC của mỗi địa phương.
Chính phủ và các địa phương đều xây dựng phương án, lộ trình và cam kết, quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) dôi dư do thực hiện sắp xếp ĐVHC trong thời hạn quy định.
Theo đó, tổng số CBCCVC cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số CBCC cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.
Việc giải quyết chế độ, chính sách cho CBCC dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đã được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần hỗ trợ các đối tượng dôi dư bước đầu ổn định cuộc sống.
Góp phần tinh gọn bộ máy, mở rộng không gian phát triển
"Có thể nói, việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các ĐVHC cấp huyện trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019 - 2021 vừa qua. Kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững", ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở những địa phương thực hiện sắp xếp đều được kiện toàn và bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân ổn định, không phát sinh khiếu nại, tố cáo do việc sắp xếp ĐVHC.
Quá trình triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC thể hiện tinh thần quyết tâm, trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu nên công tác triển khai cơ bản thuận lợi, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Cần xác định đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp
Để việc tổ chức sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai 2022 - 2030 đạt hiệu quả, Báo cáo của Đoàn Giám sát cho rằng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; kế thừa những kết quả đã đạt được, khắc phục vướng mắc và bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật đối với những vấn đề mới đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm phù hợp để làm tốt hơn nữa việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022 - 2030.
Việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030 cần xác định đối tượng, lộ trình thực hiện phù hợp, gắn với yêu cầu tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Việc sắp xếp phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Khuyến khích các địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp để mở rộng không gian phát triển, tăng quy mô của ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.