Nhà ở cao tầng thích ứng với khí hậu nhiệt đới tại Hà Nội

Thứ ba, 30/03/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhà ở cao tầng là một bộ phận đáng kể của kiến trúc cao tầng trong không gian đô thị. Xu hướng Thành phố “Compact city” đang được phổ biến trong quy hoạch hiện đại không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng không gian trung tâm của đô thị, mà còn có tác dụng giải phóng không gian mặt đất cho cây xanh, mặt nước và không gian trống. Nhà ở cao tầng càng trở nên quan trọng trong các dự án phát triển đô thị và đầu tư có hiệu quả.

Các thành phố lớn của Việt Nam bước vào thế giới kiến trúc cao tầng muộn hơn so với thế giới hàng trăm năm, nhưng lại có cơ hội thăng tiến nhanh hơn, nhờ các dự án đầu tư và những kinh nghiệm có được từ các dự án đầu tư đó.

Giải pháp thiết kế nhà ở cao tầng hiện nay ở Việt Nam đã có những biến đổi nhất định trong cả Quy hoạch và kiến trúc:

- Về quy hoạch

Nhà ở cao tầng trong không gian đô thị, hoặc nằm trong tổng thể của Quy hoạch một khu đô thị mới, hoặc được xây chen trong một khu ở cũ, đã định hình. Trong cả hai trường hợp, việc sắp xếp vị trí và xác định kiểu dáng kiến trúc đã có những cải thiện nhất định, đặc biệt về mặt hình thức, và sự tạo dựng hình ảnh đô thị. Tuy nhiên, sự quan tâm tới yếu tố thích ứng khí hậu trong tổ chức quy hoạch  và kiến trúc cao tầng nhìn chung vẫn chưa được chú trọng.

 - Về kiến trúc

Nhà ở cao tầng chủ yêu tập trung ở 2 kiểu hình thái: Dạng tầm, dài hoặc dạng điểm – tháp. Do một số lý do, nhưng chủ yếu là do đầu tư, nhà Điểm – tháp được quan tâm nhiều hơn. Những khối nhà vuông vức vươn cao này đã có những cải tiến về mặt kỹ thuật và công nghệ, những cải tiến về mặt công năng và hình thức. Nhưng sự thích ứng với khí hậu nhiệt đới thì chưa được quan tâm là bao.

Trong thơi gian gần đây, thông qua một số cuộc thi tuyển kiến trúc chung cư cao tầng, chúng ta nhận thấy đã có sự lưu ý khi xét tới mối quan hệ giữa giải pháp thiết kế nhà ở cao tầng và khả năng thích ứng với khí hậu nhiệt đới tại Hà Nội. Về cơ bản, có thể tóm lược một số ý đồ chính của các giải pháp về vấn đề này như sau:

1. Chủ động điều chỉnh tác động của khí hậu vào ngôi nhà thông qua các yếu tố Gió, Nắng, Mưa – là các yếu tố tác động vào Ngôi nhà; liên quan tới nhiệt độ, độ ẩm, là các yếu tố tác động trực tiếp lên cơ thể con người, gây cảm giác sảng khoái hay khó chịu. Trong các yếu tố này, Gió là yếu tố cần phải đặc biệt quan tâm, bởi lẽ nó sẽ làm giảm cả nhiệt độ và độ ẩm.

Các yếu tố Mưa, Nắng, Gió, Ánh sáng, Khí trời rất gần gũi với kiến trúc thấp tầng, nhưng có vẻ như lại rất xa lạ với kiến trúc cao tầng.

Các toà nhà cao tầng ở các nước chủ yếu chỉ sử dụng các thiết bị hiện đại để tạo điều kiện vi khí hậu nhân tạo và tiện nghi. Khi đưa con người vào trong lồng kính an toàn, thì sự tách biệt với các yếu tố thiên nhiên là điều không tránh khỏi. Bởi lẽ trong phép ứng xử với các yếu tố trên, hệ thống kính sẽ ngăn chặn tích cực gió và khí trời, chủ yếu thu nhận  Nắng và Ánh sáng. Các yếu tố còn lại là yếu tố bên ngoài, tách biệt với không gian bên trong.

Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa đòi hỏi cần phải được che nắng tốt. Tuy nhiên, vấn đề tăng cường thông gió tự nhiên còn quan trọng hơn. Việc tạo thông gió thoáng mát không chỉ làm giảm nhiệt độ trong phòng mà còn làm giảm độ ẩm. Vì vậy sự ưu tiên thông gió là quan trọng nhất. Công ty TTAs luôn đứng đầu trong số các nhà thầu tư vấn thiết kế nhà ở cao tầng, bởi sự quan tâm tới điều kiện sinh khí hậu bằng cách tổ chức các hành lang gió, được thể hiện rõ nét trong đồ án thiết kế Hastone Tower đoạt giải nhất.

2. Tăng cường khả năng thích ứng và biến đổi linh hoạt của Ngôi nhà trước tác động của các yếu tố bên ngoài sẽ thông qua các bộ phận tường mái, cửa sổ, cửa đi. Nếu như tường, mái, hệ thống rèm che chắn nắng có tác động chắn nắng, thì các lỗ cửa có tác động lưu thông gió. Sự thích ứng khí hậu của các bộ phận cấu tạo này có thể tạo nên các kiểu hình thức khác nhau, các mặt đứng phong phú và sinh động.

Khả năng thích ứng của ngôi nhà đối với môi trường thiên nhiên trước hết thông qua vỏ bao che chắn bên ngoài. Điều này liên quan tới giải pháp kiến trúc mặt ngoài. Cũng là kiến trúc cao tầng nhưng tổ hợp mặt đứng nhà ở khó khăn hơn việc làm tương tự đối với các cao ốc văn phòng. Nhà ở thiết kế theo mô hình sinh khí hậu, lẽ dĩ nhiên sẽ có nhiều cơ hội để tạo ra các kiểu mặt đứng như những cảnh quan đặc biệt, làm cải thiện hình ảnh đô thị.

Có thể lấy ví dụ về một vài công trình kiến trúc cao tầng theo đuổi mô hình sinh khí hậu, và yếu tố đó đã thể hiện rất rõ ràng trên tổ hợp Mặt đứng. Phương án dự thi thiết kế toà nhà Vimeco của Tập đoàn Dong II và Vinaconsult với thủ pháp sử dụng một bức tường kính tách biệt tạo một khe thoáng, không chỉ tạo các dòng đối lưu giữa hai lớp tường, mà còn tạo ra một kiểu tổ hợp kiến trúc mặt đứng rất sinh động.

3. Trong các loại vật liệu che chắn nắng và làm mát nhà, cây xanh là quan trọng nhất, nhưng cũng khó sử dụng nhất. KTS vĩ đại Tadao Ando đã từng nói rằng, KTS nào cũng biết sử dụng vật liệu xây dựng, nhưng không phải ai trong số họ cũng biết sử dụng vật liệu thiên nhiên (ánh sáng, mặt nước, và cây xanh) có hiệu quả. Một số chung cư cao tầng đã tạo nên những khoảng trống thông tầng, hoặc những ô rỗng xen kẽ để trồng cây. Đó là những thí dụ tốt, cần được quan tâm.

Một phương án kiến trúc được giải nhất trong đợt thi tuyển toà nhà cao ốc Văn phòng   VINAFCO của Công ty 36 đã thể hiện sự quan tâm tới thích ứng khí hậu thông qua phần mái tạo độ dốc, với các ô trồng cây trên mái, mặt tường, đồng thời sử dụng các thanh đứng dày mỏng khác nhau, Mặt bằng với lõi giao thông bố trí ở hướng tây, cũng được đánh giá là rất chú trọng tới sự thích ứng về mặt vi khí hậu, đồng thời đã chuyển hoá những ràng buộc kỹ thuật đó thành những giải pháp tạo hình kiến trúc hết sức độc đáo.

4. Các giải pháp tổ chức mặt bằng chung cư cao tầng ngày nay rất đa dạng. Người ta chú trọng tới việc tạo các điểm nhìn, những trường nhìn không bị che khuất bởi các căn hộ khác, đồng thời không bị các tác động về bức xạ nhiệt, phản xạ nhiệt do các mặt tường nhà bố trí khá gần nhau. Các yếu tố bên trong như cầu thang, giếng trời, hành lang... một mặt sẽ đóng vai trò như những hành lang hút và lan toả gió, tạo sự thông thoáng cho từng ngóc ngách của không gian bên trong ngôi nhà, mặt khác sẽ tạo nên các phân vị đứng, tạo cho công trình sự thanh thoát, vươn cao... Phương án kiến trúc dự thi đoạt giải Nhì trong cuộc thi tuyển Chung cư Bồ Đề Gia Lâm của Trung tâm 1, VNCC.

Về nguyên tắc, khi tạo ra sự chênh lệch áp lực gió ở hai đầu với một đường dẫn (có thể đơn tuyến hoặc đa tuyến) thì sẽ có hiện tượng lưu thông không khí xảy ra trong ngôi nhà. Việc lưu thông không khí theo chiều ngang liên quan tới hệ thống cửa đón gió và thoát gió theo chiều đứng liên quan tới cầu thang, giếng trời.

Trong thực tế đã có nhiều công trình rất chú trọng tới việc mở cửa đón gió nhưng không lưu ý tới việc tạo lối thoát gió vì vậy sự lưu thông gió đã không xảy ra. Chính vì vậy, mặt đứng của nhà ở cao tầng cần phải lưu ý để tạo ra các hành lang gió bổ sung vào không gian bên trong, đặc biệt tới bếp, khu vực phơi phóng... thường không được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên.

Kiến trúc sư KenYang cho rằng Nhà cao tầng như một thành phố theo thẳng đứng, trong đó cũng có đủ đường ngang, ngõ dọc, ngã tư, vườn cây. Chính cấu trúc đa tuyến này sẽ cho phép lưu thông các tuyến gió trong tổ chức mặt bằng và làm mất toàn bộ các bộ phận không gian bên trong.

Vị trí của lõi nhà (core) – nơi tập trung thang máy, thang thường,  đường ống kỹ thuật... xét về mặt công năng và kết cấu nên bố trí ở giữa các trục trung tâm. Tuy nhiên, nếu xét về mặt sinh khí hậu thì chúng nên nằm ở hướng có bức xạ cao nhất. Đó là hướng Tây, hoặc Tây - Nam. Ở Hà Nội, đây là hướng hứng chịu nắng nóng. Cần phải nhường các hướng gió mát cho các bộ phận chức năng quan trọng hơn, như phòng ngủ, phòng sinh hoạt...

5. Sự sắp xếp công trình kiến trúc hài hoà và phù hợp trong tổng thể quy hoạch, nếu biết tận dụng tối đa các yếu tố có lợi và giảm thiểu các rủi ro của môi trường thiên nhiên trong cảnh quan bao quanh có thể tạo nên giải pháp thích ứng khí hậu dưới góc độ quy hoạch đô thị.

Nhà ở có thể được cải thiện chất lượng nhờ vào các giải pháp tổ chức quy hoạch tổng mặt bằng. Thực tế của các khu đô thị mới hiện nay đã cho thấy những vấn đề liên quan tới nhà ở cao tầng trong không gian đô thị như sau:

Vị trí giữa các toà nhà cao tầng có thể làm ảnh hưởng lẫn nhau trong mối quan hệ với thiên nhiên (cản hướng gió, cản tầm nhìn, phản bức xạ nhiệt...)

- Khoảng cách giữa các toà nhà trong quy hoạch đã quá tận dụng không gian mặt bằng, không lưu ý tới chiều cao giữa chúng gây hiệu quả ức chế giữa các khối nhà cao tầng. Ngoài ra, có thể gây ảnh hưởng về mật điểm nhìn bất tiện giữa chúng với nhau.

- Một số mặt mái của các toà nhà nhiều tầng và thấp tầng đã chưa trở thành các không gian xanh, tạo nên một hệ sinh thái tự nhiên ở tầng trung gian. Điều đó sẽ không chỉ cải tạo điều kiện khí hậu của khu vực mà còn tạo nên những điểm nhìn có lợi cho những người ở tầng cao, đẩy không gian xanh tới gần hơn các căn hộ trên cao. Đó là một kinh nghiệm mà ở các nước đã làm.

Nói tóm lại, chung cư cao tầng ở nước ta đã có nhiều chuyển biến trong tầm nhìn, cách tiếp cận các yếu tố kinh tế, văn hoá xã hội để tiến gần tới thế giới văn minh. Các ý tưởng thiết kế nhằm tạo nên một hình ảnh, một ấn tượng, một thương hiệu luôn được các chủ đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, người ta càng ngày càng hiểu ra rằng, ngay cả những nhà thiết kế nhà trọc trời giỏi nhất thế giới, nếu không hiểu được điều kiện khí hậu của Việt Nam, thì cũng sẽ không thành công trong những mẫu nhà lộng lẫy của mình.

 

  Nguồn: TC Xây dựng, số 1/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)