Đô thị đại học trên thế giới – Những vấn đề cần tiếp thu cho việc xây dựng đô thị đại học tại Việt Nam

Thứ tư, 17/03/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đô thị đại học là một hiện tượng giáo dục cao cấp, xuất hiện trước tiên tại một số nước có nền giáo dục phát triển cao như Mỹ, Anh. Đến nay có trường đại học đã hình thành được gần 800 năm, từ hình thức đơn giản nhất là nơi truyền đạt trí thức bồi dưỡng cho giáo sỹ, phát triển thành những trung tâm nghiên cứu, giảng dạy tập trung phục vụ xã hội. Trong quá trình phát triển, các trường đại học ngày càng lớn thì khu vực xung quanh trường hay chính khuôn viên trường đại học trở thành một khu vực hay thị trán với quy mô ngày càng lớn hơn, thông thường được coi là đô thị đại học (University Town). Dân cư của khu vực này thường từ 50.000 - 100.000 người (chủ yếu bao gồm sinh viên, giáo viên, người làm việc), cung cấp cho sinh viên một môi trường sinh hoạt với điều kiện học tập, giao thông, ký túc xá, nhà ăn...tốt, thuận tiện.

Những khu đô thị đại học xuất hiện sớm nhất như Harvard, Stanford (Mỹ), Cambridge và Oxford (Anh) đã có hàng trăm năm lịch sử. Đô thị đại học lấy giáo viên và sinh viên làm chủ thể, lấy hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học làm nội dung chính, rất nhiều người tập trung tại đây để làm việc phục vụ cho đô thị đại học.

Cách thức hình thành đô thị đại học nước ngoài chủ yếu chia làm hai loại: thứ nhất là hình thành tự nhiên như đô thị đại học tại Boston của Harvard và MIT (Mỹ), Oxford và Cambridge (Anh). Những khu vực này đều có quá trình phát triển hình thành tự nhiên qua hàng trăm năm.

Harvard lúc đầu chỉ là một khu vực trường nhỏ, với những ngôi nhà độc lập được xây dựng trong từng khu vực nhỏ phân chia rõ ràng. Mỗi ngôi nhà phần lớn đều là những giảng đường, ký túc xá và khu văn phòng, mỗi toà nhà đều có một khuôn viên riêng. Càng ngày khuôn viên trường càng được mở rộng ra phía bờ sông và lên phía Bắc. Đồng thời họ cũng lấp nhánh sông nhỏ để có thêm diện tích xây dựng trường học. Do được phát triển dần theo thời gian nên mỗi khu vực của trường Harvard đều hoàn thiện dần các công năng cần có như giảng đường, thí nghiệm, ký túc xá. Hệ thống các khoa được thiết kế độc lập trong những khuôn viên nhỏ. Trường cứ tiếp tục mở rộng vượt sông bằng các cây cầu đã làm, thêm khu vực thể thao tổng hợp bờ sông Charles. Đến lúc này trường Harvard đã có bố cục rất rõ ràng theo chức năng giảng dạy: khu trường luật, kinh doanh, khoa học và kỹ thuật, giáo dục, thiết kế, thần học, trường Kenedy... Hiện nay khuôn viên trường Harvard không chỉ tập trung vào một khu mà mở rộng thêm ra trên phạm vi lớn với bốn khu chính.

Tại Mỹ sự phát triển của đô thị đại học bắt đầu từ sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, vào lúc này nước Mỹ đã thông qua “Luật giải ngũ” cho phép quân nhân giải ngũ được học đại học miễn phí. Thành phố Boston phía Đông nước Mỹ có diện tích không quá lớn, nhưng tại đây tập trung hơn 50 trường đại học như Harvard, MIT, Boston, Wellesley College... tại khu vực Cambridge. Harvard được thành lập năm 1636, lúc đầu chỉ có một giáo viên và 9 học sinh. Khu vực của đại học Harvard và MIT có hơn 100.000 nghìn người. Trong đó đại học Harvard có 6.794 nhân viên làm việc, 1.334 giáo viên, 15.343 sinh viên có học vị và 5.186 sinh viên theo học các chương trình ngắn hạn. MIT có 6.184 nhân viên, 918 giáo viên, 9.878 sinh viên. Tập trung xây dựng rất nhiều những trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành và các công ty, đơn vị kỹ thuật.

Bản thân hai trường đại học Oxford và Cambridge không có tường bao ngăn cách với thành phố, không có cổng trường, hai thành phố có hai trường này cũng đồng thời là khuôn viên đại học. Các khoa hay viện chuyên ngành được phân bố trên khắp các con đường trên toàn thành phố. Giao thông công cộng vừa là của trường đại học vừa là của thành phố.

Đại học Cambridge nằm tại thị trấn Cambridge, dân số đầu thế kỷ 20 là 50.000 người, đến những năm 50 của thế kỷ 20 là 90.000 người. Khu vực xung quanh đại học Cambridge hiện nay trở thành khu vực sản nghiệp khoa học kỹ thuật cao, thu hút nhiều nhà đầu tư và nhân tài trên thế giới. Oxford có 15.500 sinh viên, 7.000 nhân viên.

Trường đại học Stanford (Mỹ) được xây dựng từ năm  1876, do cá nhân đầu tư xây dựng (gia đình Stanford). Stanford có diện tích 8.800 ha, với mật độ dày đặc các công ty, trung tâm điện tử. Đại học Stanford (Mỹ) sau khi cho thuê khu vực khuôn viên đại học bỏ trống đã dần dần hình thành một thung lũng sillicon năng động. Hàng loạt những công ty lớn tập trung tại đây như HP, Intel, Hitachi, Yahoo... Thung lũng Sillicon còn trở thành nơi thực tập và giảng dạy trực tiếp của giáo viên và sinh viên Stanford, sinh viên có thể mở công ty hoặc làm việc trực tiếp tại công ty từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ở Nhật Bản đô thị đại học Tsukuba được hình thành với sự quản lý chặt chẽ về mặt quy hoạch từ ban đầu. Tại đây sau thế chiến thế giới thứ hai với sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục đã thúc đẩy chính quyền địa phương, các trường đại học, cao đẳng và đào tạo chuyên ngành, xí nghiệp cùng hợp tác để xây dựng nên những đô thị đại học kiểu mới.

Những năm 60 của thế kỷ XX, Nhật Bản đưa ra kế hoạch tăng cường phát triển kinh tế, dự tính xây dựng những khu đô thị khoa học. Đến năm 1973 xây dựng Đại học Tsukuba, đồng bộ với những đơn vị nghiên cứu khác. Do vị trí địa lý cách Tokyo khoảng 1 giờ xe chạy, ban đầu nơi đây chỉ là một khu vực rừng nên Tsukuba chú trọng đến việc xây dựng các tuyến đường giao thông nối khu đại học với các đô thị quan trọng như Tokyo, Chiba.

Tsukuba hoàn toàn không xây dựng hệ thống tường bao ngoài, chỉ sử dụng những không gian cây xanh và hồ nhân tạo để ngăn cách. Khuôn viên chính dọc theo trục Bắc - Nam chia thành bốn khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây. Trong đó khu vực Trung là khu giảng dạy, phía Nam là khu vực nghiên cứu gồm rất nhiều trung tâm nghiên cứu, phía Tây là khu vực trường Y và bệnh viện, phía Bắc là khu ký túc xá của sinh viên và giáo viên. Diện tích cả khu vực là 246,5 km2. Trong khu vực này còn có 10 trường tiểu học, trung học phục vụ cho dân cư sinh sống tại đây.

Cũng giống như Tsukuba đại học Quốc lập Singapore (NUS) cũng được xây dựng chủ động theo ý muốn của Chính phủ. NUS cách khu trung tâm 12 km xây về phía Nam, được thành lập từ năm 1905. NUS là một đô thị đại học vẫn đang được mở rộng, với các khu trường: 150 ha tại Kent Ridge, 5 ha tại Bukit Timah, 19 ha tại khu vực gần đường cao tốc tại Kent Ridge. Đồng thời hiện nay cũng đang xúc tiến kế hoạch xây dựng trường y NUS – Duke tại Outram Campus.

Khu trường chính tại Kent Ridge được chia thành 3 phần chính: từ trên xuống dưới: phần đầu là khu thể thao và vui chơi giải trí, phần giữa là khu vực giảng dạy, hành chính, phần sau là trung tâm nghiên cứu và ký túc xá. Liền kề là khu công nghiệp kỹ thuật cao Singapore và bệnh viện NUS, điều kiện nghiên cứu khoa học rất thuận lợi. Nơi đây gồm khu học tập và giảng dạy, ký túc xá 6000 sinh viên, sẽ hoàn thành vào 2010.

Hiện tượng đô thị đại học được xây dựng ào ạt có thể giảm bớt áp lực chiêu sinh cho các trường đại học, cao đẳng. Do phần lớn những đô thị đại học đều lựa chọn địa điểm xây dựng tại khu vực ngoại ô nên cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực ngoại vi thành phố.

Tại những nước đang phát triển như Trung Quốc đô thị đại học bắt đầu xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX. Chỉ riêng tại Thượng Hải, từ năm 2001 đến nay đã có 5 dự án xây dựng đô thị đại học là đô thị đại học Nam Hội, Tùng Giang, Thượng Hải, Đông Phương và Trung Khoa. Chỉ trong vòng hai năm trên toàn Trung Quốc đã xây dựng được hơn 50 đô thị đại học, trải rộng trên 21 tỉnh và thành  phố. Năm 2002 tổng số vốn đầu tư lên tới 325,89 tỷ nhân dân tệ, tổng diện tích xây dựng là 1.436,97 vạn m2, bao gồm 134 trường, số lượng sinh viên lên tới 59,7 vạn. Đến nay, tốc độ xây dựng đô thị đại học tại Trung Quốc vẫn không giảm và phần lớn đều chiếm dụng đất nông nghiệp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sự cân bằng xã hội.

Đất nông nghiệp chiếm một tỷ lệ cao trong đất xây dựng đô thị đại học trên toàn Trung Quốc, nông dân chỉ được đền bù rất thấp. Mà Trung Quốc cũng giống như Việt Nam là một nước nông nghiệp, đất đai là căn cơ của nông dân, hành vi chiếm dụng một lượng lớn đất nông nghiệp như vậy là hành vi phát triển không bền vững, có hại cho xã hội.

Do quy mô xây dựng ngày càng lớn, lại thiếu quy hoạch với tầm nhìn xa, dẫn đến hiện tượng xây dựng “vỏ” đô thị đại học, xây dựng xong hoàn toàn không sử dụng được do khó chiêu sinh nhưng lại thừa nguồn cung cấp giáo dục. Năm 2004, tỉnh Giang Tô có tổng cộng bảy đô thị đại học xây dựng xong, căn cứ theo quy hoạch có hơn 800 vạn m2 ký túc xá, đầu tư hơn 180 tỷ nhân dân tệ, sẽ thu hút hơn 600.000 sinh viên. Nhưng trên thực tế số lượng học sinh tham gia thi đại học mỗi năm tại tỉnh Giang Tô chỉ có khoảng 200.000, trong đó có 25% học sinh sẽ đi học tại các tỉnh khác.

Kinh phí đầu tư xây dựng đô thị đại học phần lớn đến từ chính quyền, trường và xã hội. Có thể do chính quyền đầu tư là chính như đô thị đại học Thâm Quyến, Chu Hải; một số khác do các nguồn lực của xã hội như Tùng Giang (Thượng Hải); hoặc do đầu tư tổng hợp như Ninh Ba (Triết Giang). Mặc dù phương thức đầu tư khác nhau, nhưng vẫn thường được áp dụng phương thức nguồn tiền sử dụng từ vay thế chấp ngân hàng.

Sau khi đô thị đại học được xây dựng xong việc hoàn trả tiền vay chủ yếu dựa vào kinh doanh phục vụ, phục vụ hậu cần, hoán đổi tài sản đất đai khu vực trường cũ, bán và cho thuê ký túc xá sinh viên và giáo viên, thu nhập từ học phí... Học phí và tiền cho thuê ký túc xá là nguồn thu chính, tuy nhiên nếu nguồn thu này bị đứt đoạn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Như nhà đầu tư đô thị đại học Đông Phương - Công ty TNHH phát triển đầu tư đô thị đại học Đông Phương đã gặp phải nguy cơ nghiêm trọng. Giai đoạn hai sau khi xây dựng xong sẽ dùng hết 50 tỷ nhân dân tệ, theo tính toán tổng nợ mà công ty phải trả lên đến 22 tỷ nhân dân tệ.

Quản lý quy hoạch là đảm bảo quan trọng cho việc phát triển lành mạnh đô thị đại học, nhưng trước mắt tại nhiều nơi trên thế giới công tác này còn tồn tại với ít hoặc nhiều khiếm khuyết mà luôn phải tìm phương cách để khắc phục.

Nhiều nơi lúng túng, đã xảy ra hiện trạng hỗn loạn trong quản lý đất sử dụng. Theo các quy định thông thường, đất sử dụng mang tính chất kinh doanh phải thông qua tổ chức mua bán thương lượng đấu giá, nhưng dựa vào danh nghĩa “giáo dục” mọi thủ tục lại có thể dễ dàng hơn nhiều. Các công ty bất động sản dùng giá mua rất thấp để đổi lấy đất từ chính quyền, bắt đầu xây dựng trên quy mô lớn. Đây là con đường tắt mới để các công ty bất động sản mua được nhiều đất hơn vơi giá rẻ, dùng danh nghĩa đô thị đại học để mua đất, còn khi thực hiện lại là xây dựng và buôn bán chung cư với lợi ích khác. Một số ví dụ như ở đô thị đại học Đông Phương (Trung Quốc) giai đoạn 1 sử dụng 10.000 mẫu đất, nhưng trên thực tế có đến 6.640 mẫu đất là sân golf. Ngoài ra, chỗ nào cũng thấy có biệt thự, khu nghỉ dưỡng, phố ẩm thực...

Đô thị đại học trước tiên cần chú trọng đến yếu tố “con người”, nhưng hiện nay các đô thị đại học tại các nước đang phát triển đều chạy theo việc xây dựng những toà nhà cao và siêu cao tầng, cảnh quan môi trường thiết kế với kích thước quá lớn. Vấn đề này đại học Johns Hopkins (Maryland, Mỹ) có những thành công đáng  để chúng ta học hỏi. Đặc điểm của khu đại học này là tiền đầu tư được ưu tiên  nhu cầu tối đa cho con người chứ không phải cho nhà cửa, chú trọng đến chất lượng của giáo viên và sinh viên chứ không chú trọng kiến trúc. Trong giai đoạn xây dựng đầu tiên gần như không xây dựng khuôn viên trường học, thậm chí còn không có sân bóng đá và sân bóng rổ, nhưng lại đầu tư rất nhiều tiền vào thiết bị và nghiên cứu.

Những đô thị đại học nổi tiếng và thành công thông thường đều có từ một hoặc vài trường đại học danh tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn, như trường đại học Havard, Stanford, MIT, Oxford, Cambridge đều là những trường đại học hàng đầu trên thế giới. Bản thân những trường đại học này thu hút rất nhiều sinh viên ưu tú, những học giả uyên bác và một lượng lớn công ty nghiên cứu khoa học kỹ thuật cao.

So sánh với mô hình trường truyền thống thì đô thị đại học có đầy đủ hơn những đặc điểm như quản lý khu vực được chính quyền hoá, nguồn tài nguyên giáo dục được công cộng hoá, hạ tầng cơ sở được đô thị hoá, sinh hoạt giáo viên sinh viên được xã hội hoá, cơ chế vận chuyển được thị trường hoá. Việc xây dựng đô thị đại học có lợi cho việc cung cấp giáo dục sau đại học, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên đằng sau những lợi ích rõ ràng này vẫn tồn tại những vấn đề nhất định hay những mối đe doạ lớn đến phát triển toàn xã hội.

Đô thị đại học có điều kiện giao thông, thông tin liên lạc nhanh chóng, thuận lợi. Sinh viên hiện nay ngoài việc học tập còn triển khai nghiên cứu phục vụ xã hội, bởi vậy phần lớn những khu đô thị đại học đều tập trung xây dựng tại những thành phố lớn, thuận tiện liên lạc. Như Đại học California (Mỹ) xây dựng phân khu tại Los Angeles, Chicago; Harvard xây dựng tại Boston; Oxford và Cambridge cách London chỉ 45 phút xe chạy; Tsukuba cách Tokyo 60 km.

Tính chất công cộng của những khu trường đại học nổi tiếng là một điểm đáng để chúng ta học tập. Đô thị đại học một mặt thu hút học giả và sinh viên khắp nơi trên thế giới, một mặt dung hoà với khu vực được xây dựng, trở thành một thị trấn, đô thị trộn lẫn với dân cư, xí nghiệp địa phương. Thư viện, bảo tàng, bệnh viện của đại học Oxford dân cư quanh vùng đều có thể sử dụng công cộng.

Công tác xây dựng đô thị đại học trước tiên phải tuân theo nguyên tắc quy hoạch đi trước. Nội dung quy hoạch chủ yếu bao gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vốn đầu tư, quy hoạch quản lý và quy hoạch khoa học.

Về vấn đề quy hoạch sử dụng đất phải thực hiện chế độ kiểm duyệt chặt chẽ, tránh chiếm dụng đất nông nghiệp, không phá hoại môi trường sinh thái, định vị hợp lý, không mở rộng quá lớn phạm vi xây dựng.

Vấn đề nguồn vốn đầu tư phải mở rộng những nguồn thu hút vốn. Tại những địa phương có khả năng, chính quyền có thể tăng thêm đầu tư, lợi dụng triệt để cơ chế thị trường, cân bằng vốn đầu tư.

Về vấn đề quản lý quy hoạch, Bộ Giáo dục, Bộ Xây dựng và các ban ngành liên quan cần đưa ra chỉ tiêu xây dựng chung cho đô thị đại học trên toàn quốc.

Quy hoạch xây dựng đô thị đại học thông thường từ 5 – 10 năm, đều thuộc vào quy hoạch ngắn hạn, nhưng khi chúng ta tính toán đến hiệu quả của giáo dục và tính chất phát triển bền vững của đại học thì bắt buộc phải lập quy hoạch từ 10 năm trở lên. Thông qua quy hoạch khoa học đạt được mục tiêu phát triển bền vững là tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng thành công đô thị đại học.

Duy trì tác dụng chủ đạo của chính phủ, xây dựng cơ chế khống chế cân bằng trên phạm vi toàn quốc, phát huy hết tác dụng chỉ đạo, hỗ trợ, giám sát và điều hoà của chính quyền. Thúc đẩy nguồn vốn đầu tư đa phương diện, địa phương nào có điều kiện nên tích cực thu hút vốn từ công ty, tổ chức hay cá nhân nước ngoài. Nên tránh chạy theo việc xây dựng đô thị đại học thành khu thương nghiệp nhà cao, đất rộng, nên lấy con người làm nhân tố chính, tuân theo quy luật giáo dục.

Hình tượng đô thị đại học cũng cần chú trọng thể hiện bản sắc văn hoá, tính thương hiệu của mỗi đô thị đại học. Những nơi này không chỉ là nơi đào tạo nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn cho sinh viên, nghiên cứu sinh mà còn là môi trường giao lưu học hỏi về văn hoá, tập quán của những người khác nhau về ngôn ngữ, trình độ, giới tính,thế hệ... Đô thị đại học không phải là thành phố vui chơi giả trí, không phải là khu thương mại tổng hợp, càng không phải là một thành phố chỉ có trên danh nghĩa. Đô thị đại học vừa phải phục vụ xã hội, tức vừa có công năng và lợi ích lại phải dẫn dắt sự phát triển xã hội, khai thác tốt hơn hết chức năng truyền thống của mình là giáo dục và đào tạo nguồn lực cho xã hội.

 

   Nguồn: Sài gòn đầu tư & xây dựng, 12/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)