Dân cư nông thôn trong “hành lang xanh” Hà Nội

Thứ sáu, 19/03/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Định hướng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định, Thủ đô Hà Nội là đô thị “xanh- văn hiến- văn minh- hiện đại”, được phát triển theo mô hình chùm đô thị với cấu trúc gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh với hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên hệ với hệ giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.

Đô thị trung tâm được giới hạn từ vành đai 4 tới khu vực phía bắc sông Hồng (Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh), các đô thị vệ tinh gồm Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai và Phú Xuyên. “Hành lang xanh” từ vành đai 4 tới khu vực sông Đáy, sông Tích là khu vực “đệm” giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. “Vành đai xanh” sông Nhuệ là khu vực phân định giữa đô thị lõi trung tâm (đô thị lịch sử) với các khu vực mở rộng, phát triển mới của đô thị trung tâm. “Hành lang xanh” chiếm tỷ trọng từ 68%- 70% tổng diện tích đất Hà Nội mở rộng. Theo quan điểm của các nhà quy hoạch, “hành lang xanh” không đơn giản là “xanh” thuần tuý. Nó bao gồm đồi núi, mặt nước (hệ thống sông, hồ…), đất nông nghiệp, làng xóm, hệ thống di tích lịch sử, văn hoá, cảnh quan, thậm chí một số thị trấn thị tứ (gắn với phát triển nông nghiệp là chính). “Hành lang xanh” còn được xác định có khu vực bảo tồn và khu vực phát triển dựa trên bảo tồn. Trong đó, vùng bảo tồn bao gồm vùng nông nghiệp năng suất cao, vùng đa dạng sinh học, vùng di sản…chiếm khoảng 40% diện tích “hành lang xanh”. Diện tích “hành lang xanh” còn lại (28- 30%) là vùng phát triển dựa trên bảo tồn.

“Hành lang xanh” tập trung chủ yếu từ vành đai 4 tới khu vực sông Đáy, sông Tích, trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hoà và Phú Xuyên. Nơi đang lưu giữ hệ thống giá trị vùng văn hoá xứ Đoài (vùng phía Bắc Hà Tây cũ) và vùng văn hoá Sơn Nam Thượng (các huyện phía nam Hà Tây cũ), hệ thống làng, xóm, một số thị trấn, thị tứ… và hệ thống cảnh quan danh thắng có giá trị. Hiện  nay, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội có khoảng 192.000 ha (chiếm 57,4% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố), trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 160.000ha. Riêng khu vực Hà Tây cũ có tới trên 200 làng nghề với những sản phẩm đặc sắc được ưa chuộng như lụa Vạn Phúc, sơn mài Duyên Thái, tiện gỗ Nhị Khê, thêu Quất Động, nón Chuông, quạt Vác, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre đan Phú Vinh, đồ mộc Chàng Sơn, Sơn Đồng, may Trạch Xá, Đàn đào Xá.

Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn đã trình thủ tướng Chính phủ nội dung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, sẽ chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, ven đô, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá quanh các đô thị, các vành đai rau xanh an toàn, hoa, cây ăn quả sạch, phát triển rừng và cây xanh phục vụ cho các đô thị, khu công nghiệp (KCN), đảm bảo môi trường sinh thái cho Thủ đô. Với vị trí vai trò trung tâm của quốc gia, phát triển nông nghiệp Hà Nội phải trở thành mô hình mẫu cho cả nước về công nghệ cao, hiện đại, hiệu quả…Hiện Hà Nội có 401 xã, thị trấn nằm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020 Hà Nội đạt 70% số xã, thị trấn đạt chuẩn (bộ tiêu chí) nông thôn mới (cả nước là 50%). Đặc biệt trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã xây dựng một số chỉ tiêu cao hơn bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước. Xây dựng mô hình nông thôn mới không chỉ phát triển nông nghiệp truyền thống, thuần túy mà phải hướng đến phát triển nông thôn mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái; tiến hành tổ chức lại sản xuất, gắn nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị theo quy hoạch. Hiện nay, dù mới đang ở bước khởi động thực hiện mô hình nông thôn mới, nhưng trên thực tế đã hình thành nhiều vùng trồng rau hoa, quả sạch ở các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Oai, Từ Liêm, Thanh Trì… các khu du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử gắn với ẩm thực nổi tiếng ở Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức…

Theo các nhà quy hoạch đô thị, chiến lược phát triển khu vực nông thôn, nhất là khu vực “hành lang xanh” của Hà Nội là theo hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Đồng thời, họ cũng đề xuất một số  mô hình quy hoạch phát triển điểm dân cư nông thôn trong cấu trúc  “hành lang xanh” và tập trung chủ yếu tại vùng phát triển dựa trên bảo tồn:

- Mô hình điểm dân cư sản xuất lúa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản

- Mô hình điểm dân cư trồng rau an toàn

- Mô hình điểm dân cư trồng cây ăn trái

- Mô hình điểm dân cư trồng hoa

- Mô hình điểm dân cư làng nghề, tiểu thủ công nghiệp

- Mô hình điểm dân cư tự chủ về năng lượng, tự chủ rác thải, tự chủ về nước…

Các mô hình điểm dân cư tự chủ về năng lượng, tự chủ rác thải, tự chủ về nước… sẽ lồng ghép, kết nối với trung tâm đổi mới (hoặc cụm đổi mới), một hình thức trung tâm cụm xã nâng cao, tạo nên cấu trúc đặc thù cho một mô hình phát triển (cụm) điểm dân cư nông thôn dựa trên bảo tồn…

Về lý thuyết có thể lạc quan với các đề xuất này. Tuy nhiên, các mô hình trên cần phải được thử nghiệm và lồng ghép với  bộ tiêu chí về phát triển nông thôn mới trong chương trình “Tam nông” quốc gia và mô hình nông thôn mới của Hà Nội đang triển khai. Bởi thực tế khu vực “hành lang xanh”, nhất là vùng phát triển dựa trên bảo tồn đã, đang và sẽ phải đối mặt với các nguy cơ phát triển của Thủ đô Hà Nội trong quá trình CNH- HĐH và đô thị hoá. Cụ thể, phải đối mặt với:

- Tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế (nông nghiệp sang dịch vụ, sản xuất kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp…) dẫn đến suy giảm đất nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên.

- Gia tăng dân số và tốc độ đô thị hoá khu vực nông thôn (như dọc khu vực các trục hướng tâm, trục Bắc- Nam), biến động cấu trúc làng xóm (các làng cổ, làng nghề truyền thống), ảnh hưởng không nhỏ tới hệ di sản (di tích, lịch sử, văn hoá, cảnh quan danh thắng…).

- Chịu sức ép lớn từ các cực phát triển đô thị trung tâm (phía tây) và các đô thị vệ tinh (phía đông).

- Khả năng mất việc làm từ khu vực nông thôn (bình quân cứ 1000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng lại có thêm khoảng 20.000 lao động bị mất việc làm, trog đó 60% là lao động trẻ…)

- Ảnh hưởng và chịu tác động mạnh đến các giá trị văn hoá truyền thống.

- Ô nhiễm môi trường và giảm khả năng phát triển bền vững…

Như vậy, từ quan điểm phát triển và mô hình lý thuyết trên, rất cần các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách cụ thể hoá được các chiến lược, chương trình, các chỉ tiêu phát triển như mức tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, đất đai…ngưỡng giới hạn hoặc khả năng dung nạp tại khu vực “hành lang xanh”… theo các giai đoạn quy hoạch của Thủ đô. Thậm chí phải xây dựng được một quy chế cụ thể, rõ ràng, minh bạch, kiểm soát phát triển “hành lang xanh” nhằm phát triển hợp lý, bền vững các hợp phần trong cấu trúc hàng lang này, duy trì được ý tưởng mô hình cấu trúc Thủ đô Hà Nội giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 như các nhà quy hoạch đề xuất.

Để làm được việc này, cần thiết phải am hiểu sâu sắc thực trạng phát triển khu vực “hành lang xanh” về kinh tế, xã hội, dân cư, sử dụng đất, văn hoá, truyền thống cấu trúc làng xóm, kiến trúc cảnh quan môi trường, các dự án đầu tư… tiềm năng, cơ hội, thách thức cũng như xu hướng, nhu cầu phát triển gắn với tầm nhìn của Thủ đô. Từ đó nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đưa ra dự báo quy hoạch phát triển tổng thể. Sẽ là phiến diện, thậm chí duy lý nếu “hành lang xanh” chỉ dừng ở mức quy hoạch không gian mà thiếu đi các chiến lược, chương trình, các cơ chế quản lý, kiểm soát phát triển. Các nội dung này cần phải được chỉ đạo từ Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH đến các quy hoạch chuyên ngành khác của Thủ đô. Đồng thời phải cương quyết loại bỏ các dự án có nguy cơ cản trở hoặc làm tổn hại đến phát triển bền vững, tầm nhìn khu vực…Đây là cơ sở cho các hoạch định chính sách đối với công tác quản lý, kiểm soát phát triển và đây cũng là căn cứ để đề xuất các giải pháp cụ thể đối với “hành lang xanh” trong Định hướng quy hoạch chung giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Vấn đề nông thôn Thủ đô Hà Nội nói chung, trong “hành lang xanh” nói riêng không phải là một nội dung nhỏ. Nó liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đời sống trực tiếp của hàng vạn thậm chí hàng triệu người dân. Các giải pháp đề xuất phải đứng trên quan điểm quy hoạch tổng thể hợp nhất đa ngành, phải giải quyết được các vấn đề KT- XH, an sinh, các nguy cơ tiềm ẩn phải đối mặt. Riêng đối với công tác quy hoạch phát triển các điểm dân cư nông thôn của Thủ đô, cơ bản phải hướng tới mô hình nông thôn mới thời kỳ CNH- HĐH đất nước, phải đặt được bộ tiêu chí về phát triển nông thôn mới trong chương trình “tam nông” quốc gia.  Nói chính xác hơn, phải hướng tới một mô hình kiểu mẫu, đặc sắc riêng của Hà Nội có lồng ghép với bộ tiêu chí chung, tương xứng với tầm nhìn Thủ đô ““xanh- văn hiến- văn minh- hiện đại”.

 
Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 2/2010.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)