Khai thác lợi thế về lãnh thổ và biển đảo để phát triển cơ sở hạ tầng và mạng lưới dân cư đô thị - nông thôn ven biển miền Trung và Tây Nguyên

Thứ ba, 09/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đềMiền Trung nước ta, kể từ Thanh Hoá vào cho đến Bình Thuận, một dải đất vừa hẹp vừa dài, vừa đang đối mặt với một thực trạng là nền kinh tế chậm phát triển nhất so với cả nước. Đã thế, hơn bất cứ nơi nào ở nước ta, hàng năm miền Trung phải gánh chịu nhiều thiệt hại to lớn bởi thiên tai bão lũ, lụt lội. Có thể nói, những cố gắng khắc phục hậu quả thiệt hại do năm trước cùng với những thành tựu đạt được trong năm thì, không lâu, ngay năm sau lại bị những thiên tai tàn phá. Mặt khác, “sự gia tăng quá trình xâm thực, bóc mòn, phá huỷ vật chất và các hệ sinh thái theo dòng nước trôi ra biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngôi nhà Trường Sơn”, một “lâu đài vĩnh hằng của thiên nhiên ban tặng cho đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

Trước tình hình đó, Chính phủ và nhân dân cả nước đã có nhiều chủ trương, giành nhiều tình cảm, ngân sách, công sức, triển khai nhiều dự án nhằm khắc phục tình hình. Tuy nhiên, tình hình trên, thật không dễ dàng được khắc phục trong một sớm một chiều, tình hình vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, đôi khi bất khả kháng do thiên tai mang lại. Vì thế, đề cương nghiên cứu “Quy hoạch khai thác sử dụng, cải tạo, xây dựng và phát triển tài nguyên lãnh thổ, dự phòng thiên tai và bảo vệ môi trường vùng miền Trung Thanh Hoá - Bình Thuận” do Viện Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ Phát triển tài nguyên thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường (VITAM – STIRPECA) nghiên cứu đề xuất là một trong những công trình to lớn, đồ sộ và theo tôi, cũng rất mới mẻ. Thật ra, để khắc phục tình hình trên đối với miền Trung, không ít công trình nghiên cứu, các dự án Quy hoạch phát triển đô thị – nông thôn, các công trình ngăn đê chắn sóng có quy mô lớn, các dự án giao thông vận tải kết hợp ngăn và thoát lũ... đã được nghiên cứu triển khai. Tuy nhiên, thực trạng tình hình nghiêm trọng vẫn còn đó. Thiên tai và thiệt hại vẫn còn đó. Bởi lẽ, thiên tai vẫn là thiên tai.

Dù vậy, theo kết luận của đề tài, miền Trung vẫn được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên vô giá: “miền Trung với Thượng gia ngôi nhà Nếp lối Trường Sơn giàu có tài nguyên khoáng sản, với quàn cư đa dạng các hệ sinh thái động thực vật nhiệt đới hết sức phong phú và quý hiếm không đâu bằng”, miền Trung với Hạ điềnBiển Đảo Tiểu Lục địa Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giàu có tài nguyên năng lượng dầu khí, với quần cư đa dạng các hệ sinh thái động thực vật biển đại dương hết sức phong phú và quý hiếm của biển Đông, Thái Bình Dương. Tuy nhiên, lần này với đề tài nêu trên, theo tôi có nhiều nét mới, vừa mang tính kỹ thuật hiện đại, vừa chấp nhận sự tồn tại của thiên tai, gần như “sống chung với thiên tai” tại miền Trung nhưng không cam chịu mà đem lại những hiệu quả to lớn không những khắc phục thiên tai mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội cho khu vực miền Trung.

Đề tài nghiên cứu đã đưa ra nhiều luận chứng có cơ sở khoa học để việc “khai thác sử dụng, cải tạo xây dựng, phát triển tài nguyên lãnh thổ, dự phòng thiên tai và bảo vệ an toàn môi trường vùng miền Trung” và coi đây là “vị trí địa chiến lược – chính trị sống còn của sự toàn vẹn lãnh thổ vùng trời,  vùng biển của Tổ quốc chúng ta”.

2. Những nhiệm vụ đặt ra

Theo kết quả nghiên cứu và đề xuất, công trình nghiên cứu này đã đề xuất Giải pháp tổng thể phòng hộ thiên tai bão – lụt vùng miền Trung gồm các chương trình lớn như sau:

- Chương trình “Phòng hộ thiên tai lũ - lụt

- Chương trình “Phòng hộ thiên tai lũ Trường Sơn”

- Chương trình “Phòng hộ thiên tai bão lụt” miền Trung

- Chương trình “Ngôi nhà trái đất, hành tinh xanh của nhân loại”

- Chương trình “Quản lý các công trình phòng hộ thiên tai bão- lụt miền Trung”

3. Lồng ghép các Quy hoạch và Chương trình phát triển ở miền Trung

3.1 Vài nét về hệ thống đô thị nước ta, miền Trung, Tây nguyên

Hiện nay, hệ thống đô thị nước ta có 735 đô thị các loại, gồm có 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), 4 đô thị loại I (Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế và Cần Thơ), 12 đô thị loại II, 15 đô thị loại III, 42 đô thị loại IV và trên 600 đô thị loại V. Hệ thống đô thị nói chung được phân bố theo địa hình và tình hình thực trạng mang tính truyền thống. Theo đó, các nước, hệ thống đô thị và các điểm dân cư Nam (thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Bà Rịa Vũng Tàu), phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và miền Trung (Huế - Đà Nẵng - Dung Quất, Quảng Ngãi). Hệ thống điểm dân cư nông thôn tại khu vực miền Trung được phân bố không đều, có mật độ dân cư cao nhất tại các đồng bằng ven biển miền Trung và thưa nhất tại các khu vực Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ.

Mạng lưới cơ sở hạ tầng miền Trung, so với trước đây đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, so với cả nước thì cơ sở hạ tầng khu vực miền Trung là kém nhất nước. Do đó, công cuộc phát triển nói chung và hệ thống đô thị, nông thôn nói riêng vẫn còn xếp sau các vùng khác trong cả nước.

Đặc biệt, hệ thống đô thị, nông thôn miền Trung cũng là địa bàn gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất bởi thiên tai bão lũ thường xuyên hàng năm. Hệ thống đô thị miền Trung được xếp hàng thứ 3 trên cả nước sau vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nguyên, xếp hàng thứ 6, trước Đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 12.000 điểm dân cư làng, xã, thôn xóm trong đó, miền Trung và Tây Nguyên, có khoảng trên dưới 2500 điểm. Như vậy, việc phân bố dân cư đô thị và nông thôn tại khu vực miền Trung đã chứng minh, đó là một thực thể không gian to lớn không thể tách rời của cả nước. Do đó, không thể cam chịu mọi thiên tai, bão lụt ngày càng đem lại nhiều rủi ro, bất lợi và thiệt thòi cho mảnh đất miền Trung và Tây Nguyên.

Theo dự báo, mạng lưới đô thị miền Trung và Tây Nguyên sẽ được phát triển cùng với hệ thống đô thị quốc gia. Quy mô, tính chất, đặc thù của hệ thống đô thị này ngày càng đóng vai trò quan trọng không những đối với phát triển kinh tế xã hội mà còn có ý nghĩa rất to lớn về bảo vệ Tố quốc và an ninh quốc phòng.

3.2 Vài nét về định hướng Quy hoạch Tổng thể đô thị và nông thôn nước ta thời kỳ 2000 - 2020

Cho đến nay, quyết định số 10/1998/QĐ - TTg ngày 23/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ vẫn đã và đang được triển khai thực hiện. Một số chỉ tiêu chủ yếu theo quyết định này về đô thị Việt Nam thời kỳ 2010 và 2020 là:

a. Dân số đô thị và tỷ lệ đô thị hoá

Theo Định hướng Phát triển Đô thị Quốc gia, dân số đô thị nước ta đến năm 2010 sẽ là 33 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá đạt 33%, dân số khu vực nông thôn chiếm 67%, đến năm 2020 dân số đô thị đạt 45 triệu người và tỷ lệ đô thị hoá là 45%, dân số khu vực nông thôn là 55 triệu người. Tại miền Trung và Tây Nguyên, dân số tại các điểm dân cư đô thị, nông thôn có thấp hơn nhưng đều theo xu thế tăng dần ngày một cao hơn.

b. Tổ chức lãnh thổ và các trung tâm

Trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai và các nguồn lực phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhất là việc khai thác các vùng sinh thái tự nhiên, những đặc điểm kinh tế xã hội, tiến bộ khoa học và công nghệ của đất nước trong từng giai đoạn phát triển; tổ chức hệ thống các đô thị được phân bố hợp lý giữa các vùng lãnh thổ theo hệ thống tầng bậc các trung tâm đô thị:

- Trung tâm đô thị cấp quốc gia, trong đó thành phố Đà Nẵng là một trong 5 thành phố cấp quốc gia tại miền Trung Trung Bộ

- Trung tâm đô thị cấp Vùng, trong đó thành phố Huế, là thành phố trung tâm cấp Vùng tại Trung Trung Bộ và Buôn Ma Thuột là thành phố trung tâm cấp Vùng tại Tây Nguyên

- Trung tâm đô thị cấp tỉnh

Các trung tâm đô thị cấp thuộc tỉnh

c. Mạng lưới dân cư nông thôn

Cùng với việc nghiên cứu mạng lưới các điểm dân cư đô thị là hệ thống các điểm dân cư nông thôn. Theo tiến trình đô thị hoá, các điểm dân cư khu vực nông thôn sẽ được phát triển theo xu thế “đô thị hoá tại chỗ”. Tuỳ theo điều kiện mỗi nơi mà mức độ đô thị hoá tại chỗ sẽ khác nhau. Điều quan trọng là việc cải tạo và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn dần tiến lên chính quy, hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp với năng suất và sản lượng cao, áp dụng công nghệ sạch và bảo vệ môi trường.

Các điểm dân cư nông thôn sẽ được quy hoạch cải tạo theo hướng phù hợp với phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại nhưng vẫn phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo truyền thống, bản sắc văn hoá của nông thôn miền Trung, Tây Nguyên và của nông thôn nước ta.

3.3. Lồng ghép “Giải pháp tổng thể phòng hộ thiên tai bão lụt với hệ thống đô thị nông thôn vùng miền Trung”

Theo kết quả nghiên cứu của đề cương “Quy hoạch khai thác sử dụng, cải tạo, xây dựng và phát triển tài nguyên lãnh thổ, dự phòng thiên tai và bảo vệ môi trường vùng miền Trung Thanh Hoá - Bình Thuận” do Viện Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ Phát triển tài nguyên thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường (VITAM – STIRPECA) nghiên cứu đề xuất, là một giải pháp khá độc đáo, táo bạo và chắc chắn sẽ khả thi khi trình độ khoa học kỹ thuật và kinh tế nước ta phát triển. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ rất rõ ràng, mang hàm lượng chất xám cao. Và tất nhiên, đạt yêu cầu về “phòng hộ thiên tai bão – lũ và ngăn chặn những tác động xâm hại đến nếp lồi kiến tạo Trường Sơn, là nhiệm vụ cấp bách không thể trì hoãn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước cũng như bảo vệ “sự toàn vẹn chủ quyền phát triển tài nguyên lãnh thổ của Tổ quốc ta trường tồn cho muôn đời những thế hệ con cháu mai sau...”.

Tuy nhiên, nếu những kết quả ấy được lồng ghép hoặc kết hợp cùng nghiên cứu với nhiều chương trình, dự án lớn khác trên lãnh thổ miền Trung và Tây Nguyên thì hiệu quả và tính khả thi của nó sẽ cao hơn nhiều. Chẳng hạn như, “Chương trình phòng hộ thiên tai lũ lụt, đảm bảo giao thông Bắc – Nam” với các giải pháp “Kiên cố hoá Đê - Cống - Cửa - Cảng biển miền Trung, Hiện đại hoá Quốc lộ 1A và đường sắt Bình Thuận - Thanh Hoá” có nên lồng ghép với hệ thống giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, kênh mương thuỷ lợi, các điểm dân cư nông thôn, đô thị. Bởi lẽ, theo kết quả nghiên cứu, đây là kết quả nghiên cứu mang tính tổng thể và toàn diện nhất. Hoặc, “Chương trình phòng hộ thiên tai lũ Trường Sơn”, có các giải pháp phòng hộ rất hay về “Hồ - Hang - Động – Thuỷ điện tích năng”, sao không lồng ghép với các chương trình phát triển du lịch, nghỉ dưỡng? Hoặc “Chương trình phòng hộ thiên tai bão lụt miền Trung” có các giải pháp về “Đường giao thông phong điện và đường giao thông công viên Đại dương”, sao không kết hợp với mạng lưới có các cơ sở hạ tầng liên quan tại mỗi địa phương cần thiết? Đành rằng, đây là một giải pháp rất hay, độc đáo, hiện đại và khả thi trong điều kiện kinh tế kỹ thuật và công nghệ ngày càng phát triển vv...

Ngoài ra, còn có các chương trình khác như Chương trình hội nhập thế giới của Việt Nam trong ngôi nhà trái đất, hành tinh xanh của nhân loại mà các giải pháp nêu ra đều rất hoành tráng, rất hiện đại như “Trường đại lộ nối 2 đại dương: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”, “Chương trình quản lý các công trình phòng hộ thiên tai bão lụt vùng miền Trung” cùng với các giải pháp về “Xây dựng bộ luật bảo vệ nếp lồi kiến tạo Trường Sơn”.

4. Thay lời kết

Đề cương số 3, nghiên cứu về “Quy hoạch khai thác sử dụng, cải tạo, xây dựng và phát triển tài nguyên lãnh thổ, dự phòng thiên tai và bảo vệ môi trường vùng miền Trung Thanh Hoá - Bình Thuận” do Viện Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ Phát triển tài nguyên thiên nhiên và Bảo vệ Môi trường (VITAM – STIRPECA) nghiên cứu đề xuất là một công trình nghiên cứu đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả do thiên tai bão lụt miền Trung và các biến động của nếp lồi kiến tạo Trường Sơn gây ra. Sản phẩm nghiên cứu của đề cương đã đề xuất nhiều nội dung về các giải pháp khắc phục tình trạng mang hàm lượng khoa học kỹ thuật rất cao. Nếu được thực hiện, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ rất to lớn, góp phần giải quyết căn bản tình hình thiên tai bão lụt ở miền Trung và xa hơn, bảo vệ cả dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngôi nhà chung của chúng ta.

Tuy nhiên, nếu được lồng ghép với nhiều chương trình lớn liên quan khác trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên, chắc chắn hiệu quả của chương trình nghiên cứu sẽ toàn diện hơn, đồng bộ hơn và chắc chắn kết quả của nó sẽ còn cao hơn nhiều.


(Nguồn: Bài tham luận của PGS.TS. Lê Hồng Kế - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tại Hội thảo Khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Cơ hội và thách thức”, tháng 11/2008)

 
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)