Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển miền Trung

Thứ hai, 08/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng biển đã trở thành loại hình phổ biến, hấp dẫn nhất, thu hút phần lớn khách du lịch và mang về nguồn thu chính cho ngành du lịch không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú, đa dạng với hơn 3260 km bờ biển cùng những bãi biển như: Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc... Hội đủ các điều kiện hết sức thuận lợi để tổ chức du lịch nghỉ ngơi, tắm biển, thể thao dưới nước, khám phá đại dương. Hơn nữa, còn phải kể đến giá trị văn hoá, cùng với tiềm năng thiên nhiên. Đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ - yếu tố tiên quyết để du lịch phát triển, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Sự đa dạng về sản phẩm và loại hình du lịch đều có khả năng kết hợp cùng du lịch biển tạo nên sản phẩm có tên gọi: Du lịch nghỉ dưỡng biển.

I. Đánh giá hiện trạng du lịch biển duyên hải miền Trung

Duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên Huế cho đến Bà Rịa Vũng Tàu) có những lợi thế khác biệt so với các vùng du lịch khác của cả nước như:

- Sở hữu nhiều bãi biển, nước trong, có nhiều bãi tắm thiên nhiên lý tưởng, đa dạng từ bãi lặng sóng nằm trong các vịnh nhỏ, đến những bãi dài trải rộng thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển quy mô lớn.

- Khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển.

- Thiên nhiên phong phú kỳ vĩ với nhiều dãy núi đâm ra biển, các rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn biển.

- Có các di sản văn hoá thế giới như nền văn hoá Chăm Pa và còn nhiều di tích khác trong toàn vùng... đậm đà bản sắc.

Trên nền tảng những thuận lợi đó trong thế kỷ 20 đã sớm hình thành các đô thị du lịch biển như Nha Trang, Vũng Tàu. Đây là các điểm đến truyền thống, những thương hiệu của du lịch Việt Nam trong những năm qua. Những điểm đến mới được hình thành gần đây như sự hồi sinh của Hội An, sự bùng nổ Resort tại Phan Thiết, sự hứa hẹn của chuỗi không gian nghỉ dưỡng biển Sơn Trà - Điện Ngọc - Cửa Đại đã làm tăng thêm các sản phẩm du lịch biển miền Trung Việt Nam.

Du lịch nghỉ dưỡng biển miền Trung đã phát triển nhanh chóng cả về lượng và chất trong một thời gian ngắn từ thập niên 90 đến nay. Tuy nhiên so với mục tiêu chiến lược phát triển du lịch thì còn nhiều việc phải làm, như lập các đồ án quy hoạch xây dựng vùng, tiểu vùng và các khu du lịch nghỉ dưỡng biển, vận động đầu tư...

Tóm lại, giai đoạn từ hiện nay đến 2010, khẳng định tầm nhìn vĩ mô với những mục tiêu quốc gia, quốc tế là cần thiết đồng thời với việc tạo ra những đòn bẩy cụ thể để phát triển cùng lộ trình hợp pháp.

1. Một số vấn đề cấp bách cần nghiên cứu

Trước mắt đối với việc phát triển du kịch nghỉ dưỡng biển cần giải quyết những vấn đề sau:

- Khảo sát toàn diện cấu trúc kinh tế vùng để xác định quy mô đất đai hợp lý cho phát triển du lịch. Tránh việc cấp đất du lịch theo cảm tính, giao đất ven biển rộng hàng trăm ha một cách tuỳ tiện.

- Nhanh chóng lập các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch tiểu vùng du lịch biển, quy hoạch tổng thể các khu du lịch nghỉ dưỡng biển làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

- Chú trọng đầu tư các đầu mối hạ tầng cơ sở, hạ tầng du lịch đặc biệt là đầu mối giao thông liên vùng và quốc tế như sân bay, cảng biển để kết nối thuận tiện thu hút khách du lịch.

- Rà soát danh mục đầu tư dang dở, chậm triển khai, để có giải pháp thậm trí thu hồi cho nhà đầu tư mới.

- Xây dựng các chương trình bảo vệ môi trường, hệ thống phòng ngừa các hiểm hoạ môi trường và thiên tai ảnh hưởng đến du lịch.

- Tổ chức nguồn nhân lực và bồi dưỡng nâng cao ý thức hiểu biết của người dân về sự cộng sinh hợp lý giữa phát triển kinh tế du lịch biển với môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.

2. Khai thác lợi thế cạnh tranh trong du lịch nghỉ dưỡng biển quốc tế

Dự báo về du lịch toàn cầu đến năm 2020 cho thấy sự lạc quan, trong đó Châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Các nước Đông Nam Á đều xây dựng các chương trình du lịch, đầy tính sáng tạo để thu hút khách du lịch quốc tế giàu có. Đó là bài toán khó cho du lịch Việt Nam còn non trẻ so với Thái Lan, Indonesia, Malaisia, Singapore, Philippin....

Khai thác lợi thế cạnh tranh cần chú ý những giá trị đặc trưng ưu việt nhất của Biển và Con người miền Trung để tạo giá trị gia tăng như:

- Tính mới lạ của điểm đến thông qua cách đặt tên điểm du lịch: Tính duy nhất của thương hiệu thông qua sản phẩm du lịch độc đáo;

- Bản sắc văn hoá địa phương tạo nên tính độc đáo của thương hiệu;

- Khai thác giá trị của một vùng du lịch nghỉ dưỡng biển quy mô lớn không dễ có được trên thế giới như: bãi biển lớn và đẹp trải dài 30 km từ Đà Nẵng - Hội An; Quần thể biển đảo - vịnh tại Khánh Hoà; con đường di sản Huế - Hội An - Mỹ Sơn.

II. Xác định các tiểu vùng du lịch nghỉ dưỡng biển miền Trung

Kết quả khảo sát chi tiết, và nghiên cứu tổng hợp hệ thống giá trị tài nguyên sinh thái tự nhiên và văn hoá của các tỉnh từ Thừa Thiên Huế cho đến Bà Rịa Vũng Tàu, cho thấy 4 tiểu vùng du lịch nghỉ dưỡng biển chính như sau:

1. Tiểu vùng Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Vùng này trùng khớp với vùng du lịch tổng hợp cấp quốc gia Cảnh Dương - Lăng Cô - Sơn Trà - Non Nước - Hội An với sự hội tụ mật độ cao các danh lam thắng cảnh, các di tích văn hoá lịch sử và một chuỗi những bãi tắm lý tưởng.

Ba đô thị quan trọng là Huế, Đà Nẵng và Hội An với Mỹ Sơn hợp thành không gian du lịch lý tưởng: biển, rừng, di sản văn hoá đa dạng cấp quốc tế.

Sự giàu có về các tài nguyên du lịch tạo điều kiện cho vùng này một triển vọng du lịch nghỉ dưỡng biển bậc nhất tại miền Trung, với các loại hình du lịch chất lượng cao: Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch MICE, du lịch lễ hội...

2. Tiểu vùng Nam Bình Định - Bắc Phú Yên

Trung tâm du lịch của tiểu vùng là TP Quy Nhơn tỉnh lỵ Bình Định, nằm sát không gian cực Nam của tỉnh, có sức ảnh hưởng quan trọng, chi phối đến sự phát triển du lịch khu vực Bắc Phú Yên liền kề. Đặc điểm du lịch nghỉ dưỡng biển đặc sắc nhất là bán đảo Phương Mai và vùng 2 vịnh Cù Mông - Xuân Đài. Các bãi biển ở đây đẹp hiếm có nhưng còn hoang sơ. Chất liệu sinh thái tự nhiên sẽ được khai thác mạnh với cảnh quan núi ven biển - đầm - vịnh - đường đèo; chất liệu sinh thái nhân văn rất phong phú với văn hoá Chăm Pa, truyền thống lịch sử thời kỳ Tây Sơn; chất liệu văn hoá nông thôn Việt truyền thống xóm làng khu vực sông Cầu - Vịnh Xuân Đài, Bắc Phú Yên.

Một không gian hợp lý - với bờ biển dài khoảng 150 km chưa được khai phá, được xem như tiểu vùng du lịch nghỉ dưỡng biển đầy tiềm năng, chắc chắn sẽ là viên ngọc quý cần được khai thác trong tương lai.

3. Tiểu vùng Nam Phú Yên - Khánh Hoà - Ninh Thuận - Cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng)

Tiềm năng vượt trội của Khánh Hoà với Nha Trang làm nên sự đột phá về du lịch biển của tiểu vùng với tư cách là một điểm đến tầm cỡ quốc tế.

Đây là địa phương duy nhất sở hữu 3 vịnh biển đẹp nhất Việt Nam: vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong, bãi tắm đẹp còn nguyên vẹn, phong phú, đó là chưa kể đến các tài nguyên du lịch của Ninh Thuận cận kề giao thông thuận tiện có sân bay quốc tế Cam Ranh, bán kính du lịch khoảng 50 -70 km đường bộ, 30 km đường biển.

Ngoài ra các không gian du lịch còn có thể được mở rộng hơn không chỉ trong địa bàn 2 tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận mà còn vươn xa với thắng cảnh Đèo Cả - Vũng Rô - Hòn Nưa, Vân Phong - Đại Lãnh - Vũng Rô hay xa hơn là cao nguyên Lâm Viên - Đà Lạt vẫn chỉ trong bán kính du lịch dưới 150 km.

4. Tiểu vùng Nam Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu - Cần Giờ

Đây là tiểu vùng du lịch nghỉ dưỡng biển đã hình thành nhu cầu du lịch vùng Nam Bộ và TP. HCM.

Định hướng chiến lược là tập trung khai thác tính liên kết cùng phát triển. Bởi nhiều lợi thế giống nhau về các điều kiện tự nhiên, bãi tắm, nên nếu cạnh tranh trực diện, thị phần phân khúc sẽ giảm, không khai thác sự liên thông nghỉ dưỡng các tuyến Hồ Tràm - Hồ Cốc - Bình Châu - Hàm Tân - Tà Cú - Mũ Kê Gà - Hàm Thuận Nam đang rất tiềm năng. Chuỗi không gian đủ lớn với các chất liệu tự nhiên nhân văn phong phú sẽ làm du lịch nghỉ dưỡng biển của tiểu vùng cất cánh cùng các điểm đến đã thành danh kề cận như Vũng Tàu, Long Hải, Mũi Né.

Vùng Đông Nam Bộ nếu lấy TP. HCM là tâm điểm thì loại hình du lịch ngắn ngày, cuối tuần có bán kính dưới 250 km (4 - 4,5h đi xe) là hợp lý. Do đó ở cực Bắc phát triển du lịch tại Bình Thuận đến vùng Hòn Rơm, Hoà Thắng - Bắc Bình là hợp lý, không nên phát triển xa hơn nữa.

Điểm bổ trợ trong tiểu vùng cần xét đến là Cần Giờ, với hệ sinh thái rất độc đáo, được chọn là một trong sáu khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam mà UNESCO công nhận. Tiếp cận Cần Giờ từ Vũng Tàu, thủ đô du lịch của tiểu vùng này, bằng các xuồng máy, canô cao tốc mất khoảng 30 phút qua cửa biển. Điều đó càng khẳng định vai trò của Vũng Tàu trong việc thu hút và điều phối khách du lịch đến nghỉ dưỡng dọc vùng duyên hải Đông Nam Bộ.

Tiểu vùng du lịch nghỉ dưỡng biển: Giá trị nổi bật - vai trò phát triển

Tiểu vùng Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Vùng du lịch tổng hợp cấp quốc gia - thể hiện đầy đủ bản sắc văn hoá miền Trung và Việt Nam. Du lịch nghỉ dưỡng biển kết hợp du lịch nhân văn (giá trị lịch sử - văn hoá truyền thống) du lịch sinh thái.

Tiểu vùng Nam Bình Định - Bắc Phú Yên

Vùng du lịch tiềm năng - dự trữ phát triển. Giá trị văn hoá và môi trường sinh thái bản địa, khai thác và bảo vệ các giá trị nguyên bản, đời sống nông thôn đương đại vùng duyên hải miền Trung.

Tiểu vùng Nam Phú Yên - Khánh Hoà - Ninh Thuận - cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng)

Vùng thuận lợi và phù hợp nhất để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, có điều kiện để phát triển và quảng bá như một điểm đến quốc tế - nổi tiếng Việt Nam.

Tiểu vùng Nam Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu - Cần Giờ

Vùng du lịch nghỉ dưỡng biển Đông Nam Bộ và Nam Bộ, kết hợp chặt chẽ với đô thị trung tâm du lịch và cũng là nguồn thị trường nội địa tối quan trọng đó là TP. HCM. Đây là vùng có sức tăng trưởng du lịch nghỉ dưỡng biển nhanh chóng, đáp ứng số lượng lớn du khách ngay từ giai đoạn hiện nay.

III. Nhận xét

Khai thác các tiềm năng, liên kết, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch là một cách làm đúng, tạo nên các giá trị độc đáo, hình thành các khu vực có sức cạnh tranh du lịch nghỉ dưỡng biển tốt nhất. Bốn tiểu vùng được lựa chọn có những ưu thế và giá trị khác nhau trong tổng thể không gian bờ biển phong phú của miền Trung. Có những khu vực đã sẵn nền tảng phát triển như Nha Trang, Vũng Tàu, Cửa Đạt - Hội An, Mũi Né - Phan Thiết... hoặc có những vùng biển nhiều tiềm năng như Quy Nhơn, Sông Cầu.

Nhận biết, khai thác và phối hợp tốt các nguồn tài nguyên du lịch sẽ đảm bảo cho dải đất miền Trung và Nam Trung Bộ một triển vọng phát triển tốt, thu hút đông đảo du khách nội địa và quốc tế và mục tiêu xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam hội nhập hiện đại và bản sắc mà miền Trung là một đại diện, sớm thành hiện thực.

 

Nguồn: TC Xây dựng, số 10 - 2008

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)