Xây dựng phát triển đô thị, nguồn lực và giải pháp

Thứ năm, 04/12/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế bao cấp tập trung sang nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế cũng đóng góp đáng kể cho sự phát triển đô thị đặc biệt nhất là hai thành phố lớn Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên cùng với  tốc độ gia tăng dân số nói chung và dân số đô thị nói riêng, tốc độ phát triển kinh tế xã hội trong xu thế hội nhập quốc tế đòi hỏi cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị càng ngày càng tăng về số lượng và cao về chất lượng. Qua đánh giá tình hình phát triển hiện nay hầu như các đô thị chưa đáp ứng về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với yêu cầu thực tế đề ra. Việc đầu tư còn manh mún thiếu kiểm soát, bị động về nguồn lực phát triển, sự điều tiết của cơ chế thị trường trong xu thế cạnh tranh cao, năng lực quản lý và huy động tài chính cho phát triển đô thị còn yếu kém...

Hầu hết các đô thị trong cả nước đã được lập quy hoạch chung và phần lớn các khu vực phát triển tập trung đều có quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên khoảng cách của đồ án quy hoạch và các dự án đầu tư theo quy hoạch còn rất xa. Các cấp chính quyền địa phương được giao quyền phê duyệt nội dung đồ án quy hoạch với những ý tưởng rất hay, song nguồn lực đầu tư ở đâu lại chưa xác định được. Đây là điều bất cập rất lớn trong quá trình phát triển đô thị. Từ quy hoạch đô thị đến các dự án đầu tư xây dựng cải tạo và phát triển đô thị rất cần có một kế hoạch hành động cụ thể xác định nhu cầu phát triển và các nguồn lực khả thi cho đô thị, bước chuyển tiếp này chưa được thể chế hoá hoặc chưa được nghiên cứu đầy đủ trong quá trình phát triển đô thị để hỗ trợ các nhà quản lý đô thị.

Ngoài các chương trình đầu tư hệ thống hạ tầng khung quốc gia, việc nghiên cứu xây dựng phát triển đô thị cần tập trung 3 phần trọng tâm như xác định nhu cầu xây dựng cải tạo đô thị theo xu hướng đô thị hoá Việt Nam, xác định nguồn lực và các giải pháp thực hiện:

1. Xác định nhu cầu vốn đầu tư xây dựng phát triển đô thị

Việc xác định vốn đầu tư phát triển đô thị có thể phân thành hai thành phần, cải tạo nâng cấp khu vực hiện hữu và đầu tư xây dựng khu phát triển mới.

Để ước tính về nhu cầu phát triển về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội và nhà ở đô thị, ta có thể căn cứ vào một số cơ sở như sau:

- Các chỉ tiêu dân số đô thị.

- Như cầu về đất đô thị (đất đã được đầu tư đầy đủ đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị).

- Các chỉ tiêu văn hoá xã hội và kinh tế khác.

Theo dự thảo về điều chỉnh định hướng phát triển đô thị Việt Nam đang trình Chính phủ phê chuẩn dự báo:

Các chỉ tiêu phát triển đô thị 

TT
Chỉ tiêu
Đơn vị
2005
2015
2020
2025
1
Dân số đô thị
Triệu người
22,42
35,0
44,0
52,0
2
Tỷ lệ đô thị hoá
% tổng dân số
26,97
38,0
45
50
3
Tỷ lệ tăng dân số đô thị
TB %/năm
3,4
4,5
4,5
3,5
 
- Trong đó tỷ lệ tăng cơ học
TB %/năm
2,0
3,5
3,5
2,5
4
Đất xây dựng đô thị
Km2
TB m2/người
3.252
145
3.325
95
4.000
90
4.400
85
5
Nhà ở đô thị
m2/người
12,1
14
15
20
6
Giảm nghèo đô thị
Tỷ lệ hộ nghèo
19,5
 
 
 
7
Chỉ tiêu hạ tầng (cụ thể tại chương sau)
Theo quy chuẩn hiện hành

Yêu cầu vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị đến năm 2020, tỷ USD

 
Năm 2000
Năm 2010
Năm 2020
Dự báo tổng dân số đô thị, triệu người
19
32
46
1. Cấp nước (100% dân số đô thị)
1.6
3.8
6.1
2. Thoát và xử lý nước thải (100%), trong đó:
Chi phí xây mạng thu gom
Chi phí xây các công trình xử lý
1.7
0.6
1.1
2.8
1.0
1.8
4.0
1.4
2.6
3. Thoát nước mưa (40%), trong đó:
Xây dựng mạng thoát nước
Bảo dưỡng, nạo vét kênh mương
1.4
1.0
0.4
2.4
1.7
0.7
3.5
2.5
1.0

4. Thu gom xử lý rác, chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp (chôn lấp và xử lý)

-
1.0
2.0
5. Nhà ở chính sách xã hội (15% dân số đô thị)
5.0
8.3
12.0

6. Giao thông công cộng (chỉ tính tầu điện ngầm và đường sắt nhẹ ở Hà Nội và TP Hồ chí Minh

-
-
18.5
7. Điện (chiếu sáng đô thị)
-
-
-

Tổng nhu cầu vốn xây dựng hạ tầng cơ sở đô thị không gồm nhà ở chính sách xã hội, tỷ USD

4.7
9.0
34.1

Tổng nhu cầu vốn xây dựng hạ tầng cơ sở đô thị kể cả nhà ở chính sách xã hội, tỷ USD

9.7
17.3
46.1
Ghi chú: - Chưa có nghiên cứu.

Nguồn: WB 2006: “Vượt qua thách thức hạ tầng ở Việt Nam"


Chi phí đầu tư phát triển đô thị


Do nhu cầu vốn đầu tư phát triển đô thị có thể ước tính theo nhu cầu vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cơ bản trung bình, ví dụ tạm tính theo suất đầu tư hiện nay 2.000.000 đ/m2 thì trung bình nhu cầu tăng từ năm 2005 đến 2015 là 10.000 ha đất đô thị nghĩa là trong khoảng 10 năm tới cần đầu tư khoảng 200.000 tỷ đồng, từ năm 2015 đến 2020 cần tăng 65.000 ha đất đô thị tức cần đầu tư khoảng 1.300.000 tỷ đồng. Nếu các dự báo trên không tính logic với các nhu cầu đầu tư sẽ dẫn đến là các định hướng chỉ có tính lý thuyết.


Về cải tạo nâng cấp đô thị, hiện nay Bộ Xây dựng đã phối hợp với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nghiên cứu Chương trình nâng cấp đô thị Quốc gia, tập trung nghiên cứu cho gần 100 đô thị từ đô thị loại 4 trở lên và chỉ quan tâm đến khu nghèo đô thị hiện hữu. Tóm tắt nhu cầu cải tạo đô thị như sau:


Chi phí đầu tư cho nâng cấp đô thị


Nâng cấp hạ tầng cấp III đô thị gồm cả cấp nước, vệ sinh, thoát nước, tiếp cận hè đường, và quản lý chất thải rắn được bao gồm trong một gói đơn công việc là nâng cấp hạ tầng cấp III. Riêng do sự thiếu hụt hạ tầng của các khu vực thu nhập thấp (LIA), việc nâng cấp còn liên hệ với cả việc cung cấp hạ tầng cấp I và II. Chính vì thế nhu cầu về cấp nước, thoát nước và các hạ tầng khác của các khu vực tuy vẫn thuộc diện tích của đô thị nhưng ở ngoài phạm vi các khu LIA đã được xác định, vẫn còn đang được cân nhắc xem xét trong đánh giá về nhu cầu nâng cấp đô thị. Cũng cần phải lưu ý rằng, dự toán chi phí đầu tư cho nâng cấp không bao gồm chi phí đầu tư để nâng cấp các diện tích xã và khu vực nông thôn của các đô thị, do đó chi phí đầu tư này không phải là chi phí đầu tư để phát triển cho toàn bộ diện tích của thành phố và cho toàn bộ dân cư thành phố.


Chi phí đầu tư dự toán ở mức khái quát dựa trên nhu cầu, mức độ thiếu hụt đã xác định và không bị những hạn chế bó buộc, chẳng hạn như không bị các hạn hẹp khó khăn về tài chính, nguồn lực khác hay hạn chế về năng lực. Mỗi dự án thuộc NUUP được lập kế hoạch trong thời gian 8 năm qua các giai đoạn từ xác định, đến chuẩn bị rồi đến thực hiện dự án. Dự kiến thời gian cần thiết cho giai đoạn xác định dự án là 1 năm, cho giai đoạn chuẩn bị cũng là 1 năm và 6 năm cho thực hiện dự án.


Dự toán chi phí và Kế hoạch đầu tư tổng thể đến 2020


Tổng chi phí dự toán cho nâng cấp 95 đô thị từ loại IV trở lên là khoảng 174.143 tỷ VNĐ (11,031 triệu USD). Trong đó, chi phí cho nâng cấp phần hạ tầng đô thị cấp I và II là 38.804 tỷ VNĐ. Chi phí nâng cấp cho hạ tầng cấp III tại các khu LIAs là 23.856 tỷ đồng, cho hạ tầng cấp III khu vực khác của đô thị là 18.651 tỷ đồng, cho hạ tầng cấp III khu vực mở rộng đô thị là 71.417 tỷ VNĐ. Chi phí tái định cư dự toán là 7.005 tỷ đồng, chi phí hợp phần chương trình cho vay cải tạo nhà là 6.119 tỷ và chi phí dự toán cho hợp phần nâng cao năng lực là 8.293 tỷ đồng.


Dự toán chi phí cơ bản cho nâng cấp 8 đô thị ưu tiên, dự kiến sẽ là nhóm đầu tiên thực hiện chương trình NUUP, là 11.600 tỷ VNĐ. Trong đó, tính cho nâng cấp phần hạ tầng đô thị cấp I và II, chi phí là 3.573 tỷ VNĐ. Chi phí nâng cấp cho hạ tầng cấp III tại khu LIAs là 2.309 tỷ đồng, cho hạ tầng cấp III khu vực khác của đô thị là 2.276 tỷ đồng, cho hạ tầng cấp III khu vực mở rộng đô thị là 2.275 tỷ VNĐ. Chi phí tái định cư dự toán là 351 tỷ đồng, chi phí cho hợp phần Chương trình cho vay cải tạo nhà là 264 tỷ, chi phí dự toán cho hợp phần nâng cao năng lực là 552 tỷ đồng. Trên cơ sở tổng chi phí đầu tư nâng cấp đô thị cho 8 đô thị ưu tiên sẽ là 11.600 tỷ VNĐ (Mười một ngàn sáu trăm tỷ) ứng với diện tích đô thị dự báo là 170.59 km2 và dân số dự báo ở mức 936.524 người cho năm 2020, dự toán chi phí đầu tư cho một km2 sẽ khoảng 68 tỷ VNĐ và cho mỗi đầu người ở mức 12,39 triệu VNĐ.


Để đáp ứng các mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra đối với phát triển hạ tầng đô thị các năm từ 2006 đến 2020, tính toán của các tổ chức tài trợ quốc tế như WB cho thấy ước tính chưa đầy đủ vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở đô thị đã lên tới hàng chục tỷ USD, chiếm khoảng 15 đến 20% tổng GDP của Việt Nam (chưa kể các hạ tầng liên tỉnh lớn hơn của quốc gia). Cụ thể năm 2010 cần đầu tư khoảng 18 tỷ USD, năm 2020 khoảng 46 tỷ USD. Đây là những khoản đầu tư rất lớn, đòi hỏi phải được huy động từ nhiều nguồn ngoài ngân sách Nhà nước; trên thực tế, ngân sách Nhà nước chi cho hạ tầng đô thị 5 năm 1996 – 2000 mới đạt khoảng trên 5 tỷ USD.


Nhu cầu vốn hàng năm cho đầu tư phát triển đô thị để đạt được các mục tiêu quy hoạch trong 20 năm tới cao hơn rất nhiều so với mức đầu tư trung bình trong những năm qua. Các chính sách tạo ra - thu hút nguồn vốn đầu tư đóng vai trò quyết định khả năng thực thi các mục tiêu quy hoạch.


2. Về nguồn lực phát triển


- Nguồn lực cơ sở địa phương: Cần có các chính sách tạo điều kiện cho các địa phương huy động được nhiều vốn hơn từ các nguồn như: quỹ hỗ trợ phát triển, phát hành trái phiếu và vốn từ các ngân hàng thương mại... cơ chế khai thác từ quy hoạch phát triển quỹ đất, vốn đóng góp từ cộng đồng vv...


- Nguồn lực ngân sách Chính phủ: Tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế. Có kế hoạch ngân sách và cơ chế quỹ phát triển quốc gia, hỗ trợ các dự án trọng điểm tạo động lực phát triển đô thị.


- Nguồn lực đầu tư từ các tổ chức cá nhân: Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Tạo môi trường mở và thân thiện với các hoạt động sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc bảo vệ môi trường.


- Nguồn lực hỗ trợ ODA: Xúc tiến các quan hệ hợp tác quốc tế đa phương và song phương, thu hút các nguồn vốn ODA cho phát triển đô thị với các cơ chế ưu đãi hợp lý
.

3. Các giải pháp


- Cơ chế ký quỹ (đặt cọc phát triển dự án đối với các khu vực hấp dẫn đầu tư), đấu thầu dự án vv...


- Đơn giản hoá các thủ tục hành chính. Công khai các thông tin về cơ hội đầu tư, đảm bảo cơ hội công bằng giữa các nhà đầu tư.


- Tập trung nguồn lực phát triển đào tạo nhân lực, chuẩn bị đáp ứng cho nhu cầu của các dự án phát triển kinh tế trong thời gian tới. Có các chính sách thu hút nhân tài đến làm việc tại các khu vực khó khăn, kém hấp dẫn về điều kiện làm việc.


- Cần sử dụng nguồn vốn ngân sách vào các dự án có khả năng kích thích các nguồn tài chính khác như: lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng bảo vệ môi trường và các công trình không có khả năng thu hồi vốn.


- Tạo môi trường khuyến khích phù hợp để thu hút tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Để thu hút vốn, các dịch vụ hạ tầng đô thị phải xây dựng được uy tín tín dụng, cách tốt nhất là được đánh giá tín dụng từ các cơ quan độc lập. Các hoạt động dịch vụ hạ tầng đô thị phải trở nên minh bạch hơn và được kiểm toán độc lập.


- Xây dựng những quy định cơ bản định hướng cho quan hệ đối tác giữa công và tư để tránh những mâu thuẫn quyền lợi, xây dựng lòng tin đối với những đối tác góp vốn.


- Cần tăng nguồn thu tự huy động bằng cách nâng mức phí sử dụng để có thể trang trải đầy đủ chi phí cung cấp dịch vụ hạ tầng, trong đó bao gồm một số hoặc tất cả các chi phí vốn (qua triết khấu trong đó có cả các khoản trả nợ). Các cuộc điều tra cho thấy người dân nói chung sẵn sàng chấp nhận trả mức cao hơn mức mà chính quyền đưa ra, tương ứng với mức dịch vụ hợp lý (điều tra về sự sẵn sàng chi trả). Song song với việc nâng mức dịch, cần áp dụng các chính sách hỗ trợ người nghèo. Việc áp dụng biểu giá theo bậc thang tăng dần của quy mô sử dụng là một giải pháp hữu hiệu.


- Giá (quyền sử dụng) đất và các bất động sản khác là một nguồn thu tiềm năng


- Đấu giá các quỹ đất hai bên đường này để đầu tư xây dựng đường, hạ tầng kỹ thuật đi kèm và trong rất nhiều trường hợp có thể dùng kinh phí dôi ra để đầu tư xây dựng hệ thống các công trình phúc lợi công cộng.


- Tạo nguồn vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu phát triển đô thị. Thành lập quỹ phát triển hạ tầng của tỉnh tập trung vào cho vay dựa trên các điều khoản thương mại đầy đủ, có thể cho vay toàn bộ hoặc kết hợp với tài trợ từ một nguồn tài chính khác.


- Khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động tự cải thiện môi trường sống trong khu dân cư theo mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Người dân tự nguyện giải phóng quỹ đất để xây dựng đường xá, hạ tầng, thậm chí tự bỏ kinh phí xây dựng đường. Nhà nước chỉ bỏ kinh phí đền bù cho các hộ bị ảnh hưởng của quá trình này nhưng không được hưởng lợi rõ ràng và có thể cả chi phí xây dựng hạ tầng.



(Nguồn: Tham luận của TS. Đỗ Tú Lan - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị BXD  tại Hội thảo Khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Cơ hội và Thách thức” tháng 11/2008)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)