Cây xanh mặt nước trong tổ chức không gian công viên Hà Nội

Thứ ba, 16/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đề Công viên là một thành phần quan trọng của hệ thống không gian và cảnh quan đô thị. Công viên không đơn thuần là lá phổi của các điểm dân cư mà còn là nơi tổ chức các hoạt động nhỉ ngơi, giải trí, văn hoá, giáo dục, nơi diễn ra các lễ hội truyền thống và hiện đại với hình thức phong phú, đa dạng.

Cây xanh là yếu tố cơ bản tạo nên không gian công viên. Cây xanh góp phần quan trọng cải thiện môi trường, đóng góp giá trị thẩm mỹ trong việc tạo dựng không gian công viên. Mặt nước có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức không gian công viên. Mặt nước lớn  là hạt nhân bố cục công viên, việc tổ chức nghỉ ngơi giải trí cũng như bố cục phong cảnh gắn bó chặt chẽ với mặt nước.

Việc khai thác yếu tố cây xanh, mặt nước trong tổ chức không gian công viên vui chơi giải trí là yêu cầu thiết yếu nhằm giải quyết nhu cầu sinh hoạt của người dân, cải thiện chất lượng môi trường, cân bằng sinh thái và nâng cao chất lượng mỹ quan đô thị trong quá trình quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.

2. Thực trạng về khai thác, sử dụng cây xanh mặt nước trong một số công viên tại Hà Nội

Những năm gần đây tình hình kinh tế - xã hội đã có những bước chuyển đổi và tiến bộ nhanh chóng, thu nhập và quỹ thời gian dành cho việc nghỉ ngơi,vui chơi giải trí và chăm sóc sức khoẻ đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhiều công viên vui chơi giải trí mới với những loại hình phong phú và hiện đại hơn trước đã và đang tiếp tục được xây dựng. Nhiều công viên mới ra đời và mở rộng đã thực sự hấp dẫn, thu hút và đáp ứng được nhu cầu của người dân. Công viên được phân thành nhiều khu chức năng, tiêu biểu là công viên Thống Nhất. Công viên thường bố trí một trục chính từ cổng chính tới thẳng khu trung tâm. Hai bên trục bố trí đăng đối, hệ thống đường dạo bố cục tự do, mép nước ở dạng tự nhiên, chu vi mặt nước được tạo hình mềm mại.

Việc tổ chức thiết kế cây xanh và mặt nước với những hình thức và đặc điểm khác nhau tạo nên những nét đặc trưng của từng không gian trong công viên, làm cho nó phong phú hấp dẫn.

a. Công viên Thống Nhất

Công viên Thống Nhất nằm ở phía Nam thành phố, thuộc phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng có qui mô khoảng 50,35 ha.

Hệ thống cây xanh công viên gồm có vườn hoa, tiểu cảnh chủ yếu tập trung ở phía Bắc công viên, còn lại ở các khu vực khác hiện chỉ có đường dạo cây xanh chủ yếu là cây bóng mát. Một đặc điểm thuận lợi là công viên Thống Nhất được xây dựng từ lâu đã tạo nên một quần thể cây xanh rất lớn góp phần cải tạo môi trường.

Công viên có hồ Bẩy Mẫu diện tích lớn hơn một nghìn m2 rất thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trên hồ. Nếu khai thác hợp lý sẽ tạo ra được một khoảng không gian cảnh quan hấp dẫn. Hiện nay, việc bảo vệ và làm sạch môi trường mặt nước chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức nên nước hồ bị ô nhiễm nhiều do hệ thống nước thải quanh khu vực công viên không được xử lý chảy trực tiếp vào hồ.

Cây xanh trong công viên đã kết hợp được các cây bóng mát với các không gian trống tạo thành một số quảng trường, thảm cỏ kết hợp vườn hoa đem lại hiệu quả thẩm mỹ. Công viên có nhiều cây to, nhưng lại quá rậm rạp thiếu các khoảng trống để biến đổi không gian, tầm nhìn bị hạn chế. Tổ chức không gian, màu sắc, hình khối, bố cục cây xanh còn đơn điệu.

Mặt nước là yếu tố quan trọng trong tổng thể kiến trúc công viên nhưng mới khai thác được yếu tố tĩnh, còn việc đóng góp vào các hoạt động vui chơi, giải trí chưa được phát huy.

b. Công viên Đống Đa

Công viên Đống Đa nằm ở phía Tây Nam thành phố. Tính chất công viên Đống Đa được xác định là công viên vui chơi giải trí tổng hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong khu vực và toàn thành phố.

Công viên Đống Đa kết hợp với khu di tích Gò Đống Đa thành một quần thể công viên cây xanh mang đậm sắc thái dân tộc.

Tạo trục không gian cây xanh từ Gò Đống Đa vào hồ Đống Đa, tạo được trục không gian cây xanh liên hệ với khu di tích. Cổng chính công viên được đặt từ phía phố Thái Hà vào. Hồ được phân thành 2 khu.

Tuy nhiên việc lựa chọn cây trồng không đa dạng dẫn tới không gian xanh trong công viên còn đơn điệu, tổ chức không gian, màu sắc, hình khối bố cục cây xanh chưa đạt yêu cầu. Cây xanh chưa được thiết kế kết hợp với thảm hoa trang trí.

Yếu tố cây xanh và mặt nước đã được khai thác trong quy hoạch, tổ chức không gian các khu chức năng trong các công viên. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng yếu tố cây xanh, mặt nước trong tổ chức không gian các khu vui chơi giải trí còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức làm cho cảnh quan các khu công viên còn nghèo nàn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân về mặt thẩm mỹ cũng như môi trường, còn có nhiều nhược điểm cần được khắc phục trong thời gian tới.

Cây xanh và mặt nước trong công viên chưa góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống, cũng như chưa đáp ứng được vấn đề tổ chức cảnh quan và chưa phát huy được tác dụng về vui chới giải trí, nghệ thuật tạo cảnh còn nghèo nàn.

 Thiết kế tổ chức không gian, màu sắc, hình khối, bố cục cây xanh, mặt nước còn đơn điệu, chưa đạt yêu cầu.

Cây xanh được trồng chưa có quy hoạch, không mang tính định hướng, còn mang tính tự nhiên chưa chú ý khai thác tính trang trí của các loại cây dạng khóm, bụi. Hệ thống cây xanh tương đối nghèo nàn, phiến diện chủ yếu là cây bóng mát, cây loại hình, cây thế, cây khóm, bụi  ít được đầu tư khai thác, kém hiệu quả. Chủng loại cây trồng còn nghèo nàn,  ít được chọn lựa, ít có đặc thù gây ấn tượng, không phản ánh hết sự phong phú, đa dạng sinh thái của thiên nhiên Việt Nam.

Khai thác yếu tố mặt nước còn nhiều hạn chế. Mặt nước là yếu tố quan trọng trong tổng thể kiến trúc công viên nhưng mới khai thác được yếu tố tĩnh, bố cục mặt nước thiếu tự nhiên, đơn điệu.

3. Kết luận

Trong những năm qua, việc khai thác yếu tố cây xanh mặt nước trong tổ chức không gian công viên vui chơi giải trí chưa được quan tâm đúng mức ngay từ giai đoạn quy hoạch chi tiết, thiết kế kiến trúc cảnh quan cho đến giai đoạn triển khai đầu tư xây dựng cũng như là quản lý duy tu, bảo dưỡng nên hệ thống cây xanh mặt nước còn sơ sài, thiếu thẩm mỹ.

Khi thiết kế kiến trúc cảnh quan các khu công viên vui chơi giải trí, cần đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch cây xanh mặt nước ngay từ khâu thiết kế các đồ án quy hoạch chi tiết. Cần được giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về sử dụng đất, đặc biệt là chỉ tiêu về đất cây xanh trước khi phê duyệt đồ án.

Thiết kế kiến trúc cảnh quan một khu công viên cần phải giải quyết đồng bộ về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường cũng như vấn đề lựa chọn cây xanh, màu sắc, chiếu sáng.

Tổng hợp một số chỉ tiêu công viên Thống Nhất

Chức năng sử dụng

Diện tíchm2

Tỷ lệ%

Đất công cộng thành phố

29287

5,81

Đất cơ quan

3074

0,81

Đất công viên

471208

93,58

100

a/ Khu thể thao rèn luyện thân thể

15636

3,31

b/ Khu vui chơi giải trí

50038

10,62

c/ Khu sinh hoạt văn hoá biểu diễn

54784

11,62

d/ Trục không gian trung tâm

11122

2,36

e/ Khu cây xanh nghỉ ngơi yên tĩnh

118707

25,19

f/ Bãi đỗ xe

4592

0,97

g/ Hồ Bảy Mẫu

216329

45,93

Tổng cộng

503569

100



Nguồn: TC Xây dựng, số 7/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)