Lạm phát và thị trường bất động sản

Thứ sáu, 12/09/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Khi so sánh với các nền kinh tế khác thì lạm phát là sự phá giá tiền tệ của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác.

Nguyên nhân gây lạm phát tại Việt Nam

- Đầu tư của Nhà nước vào các dự án, công trình quốc gia, công trình công cộng đầu tư công quá lớn, chưa mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Nhà nước chưa kiểm soát được chi phí và chất lượng các dự án đầu tư gây lãng phí lớn vốn đầu tư trong khu vực này;

- Doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng khoảng 80% lượng vốn tín dụng của các ngân hàng trong nước, cộng với khoảng 70% vốn vay từ các ngân hàng hay tổ chức tín dụng nước ngoài, trong khi chỉ tạo ra gần 40% tổng sản phẩm quốc gia GDP;

- Chiến lược đầu tư tràn lan để chứng minh khả năng đa dạng hoá ngành nghề và sức mạnh của các Tập đoàn kinh tế hay Tổng công ty Nhà nước gần đây đã cho thấy một lỗ hổng rất lớn trong chính sách điều hành doanh nghiệp của Chính phủ. Các Tập đoàn hay Tổng công ty thay vì chú trọng xây dựng doanh nghiệp dựa trên sức mạnh cốt lõi của mình thì lại mở rộng sang các ngành nghề khác để theo đuổi chính sách lợi nhuận ngắn hạn, vô hình chung làm yếu đi thế mạnh của mình trong chiến lược phát triển lâu dài. Nhiều chuyên gia tin rằng chỉ khoảng trên dưới 30% các Tập đoàn hay Tổng công ty Nhà nước đang kinh doanh trong ngành có thế mạnh của mình, còn lại khoảng 70% tham gia vào thị trường đem đến lợi nhuận ngắn hạn, như chứng khoán, nhà đất… Điều này giải thích tại sao doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam không có thương hiệu nào khả dĩ có tiếng trong vùng và trên thế giới;

- Các nhà sản xuất Việt Nam vẫn lệ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, tạo nhu cầu lớn về ngoại tệ dành cho nhập khẩu;

- Năng lực các Doanh nghiệp Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể sau khi gia nhập WTO, sản xuất trong nước vẫn chủ yếu là gia công, chế biến thô, chưa tạo được giá trị gia tăng lớn cho hàng hoá và dịch vụ, chưa chú trọng  xây dựng thương hiệu;

Hiện tượng lạm phát phi mã gần đây ở Việt Nam có tất cả những dấu hiệu của lạm phát ở các nước chậm tiến hay đang phát triển. Nguy cơ lạm phát bùng nổ khi Chính phủ cũng như doanh nghiệp chạy theo chỉ tiêu và hào quang của tốc độ phát triển kinh tế. Chính phủ trong những năm gần đây thúc đẩy doanh nghiệp chạy nước rút để đạt nhiều chỉ tiêu kinh tế, năm sau cao hơn năm trước. Cố gắng này làm giảm sự chú ý tới khả năng chịu đựng và phát triển của doanh nghiệp, sự mất cân bằng cung cầu tiền tệ trong thị trường và ảnh hưởng của nền kinh tế dựa trên tiêu thụ và nhập khẩu của đại bộ phận doanh nghiệp và người dân;

- Việc sử dụng chi phí trong các doanh nghiệp, công sở Nhà nước gây lãng phí lớn, trong đó mua sắm tài sản, lãng phí chi phí điện, nước, các chi phí trong sản xuất, quản lý… làm cho chi phí trong khu vực này tăng lên đáng kể;

- Quản lý hành chính các cấp có quá nhiều phòng ban, thủ tục nhiêu khê, nạn nhũng nhiễu của cán bộ, nhân viên Nhà nước… gây việc đi lại quá nhiều cho người dân, gây kéo dài các thủ tục cấp phép, làm tăng chi phí xã hội đáng kể;

- Tiêu xài trong xã hội rất lãng phí, tình trạng sử dụng xe gắn máy làm gia tăng đáng kể nguồn nhập khẩu xăng dầu, tiêu tốn rất nhiều ngoại tệ. Việc sử dụng điện trong dân vẫn chưa ý thức cao, đòi hỏi Nhà nước phải bù lỗ và hậu quả là việc cắt điện thường xuyên đã gây tổn thất lớn về sản xuất và kinh doanh dịch vụ trong nước. Mua sắm, ăn xài, nhậu nhẹt… vẫn là thói quen của người Việt Nam, gây lãng phí lớn cho đất nước.

Lạm phát cao và thị trường bất động sản

Lạm phát cao sẽ gây tác động tiêu cực rất lớn đến nền kinh tế và đời sống của người dân. Lạm phát cao sẽ dẫn đến lãi suất ngân hàng tăng cao, do đó doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí lãi vay đáng kể trong giá thành sản xuất. Trong khi đó, việc tiêu thụ hàng hoá trở nên khó khăn, do thu nhập thực tế của người dân đã bị giảm xuống đáng kể.

Đối với ngành BĐS, việc hạn chế tín dụng sẽ làm hầu hết các dự án đầu tư BĐS bị đình trệ bởi vì việc sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư và triển khai các dự án là phổ biến.

Tại Việt Nam để hoàn thành và sử dụng một dự án trung bình mất 5 năm, trong đó thủ tục cấp phép đầu tư phải mất đến 2 - 3 năm, cho nên khi mức lãi suất vay vốn ngân hàng như hiện nay sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng hơn gấp đôi, trong khi thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút, làm cho việc tiêu thụ sản phẩm trong ngành kinh doanh BĐS trở nên rất khó khăn.

Việc hạn chế cho khách hàng vay vốn mua BĐS sẽ làm việc sở hữu các sản phẩm nhà ở của nhân dân trở nên càng khó khăn và không thể trang trải mức lãi suất vay vốn cao như hiện nay.

Các tập đoàn, các tổ chức tài chính quốc tế có thể xem đây là cơ hội rất lớn để thôn tính các công ty Việt Nam với giá rẻ, có thể mua lại các dự án BĐS mà các doanh nghiệp trong nước không thể tiếp tục triển khai.

Việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là một chính sách đúng đắn. Tuy nhiên, việc mua lại các công ty Việt Nam với giá dưới giá thị trường và đầu tư vào các dự án BĐS với giá rẻ tại Việt Nam sẽ mang lại lợi nhuận siêu ngạch cho các nhà đầu tư quốc tế.

Giải pháp kiềm chế lạm phát, cũng là giải pháp căn cơ cho sự phát triển của thị trường BĐS

Chính phủ đã thấy rõ được tác hại của lạm phát trên nền kinh tế còn non trẻ của Việt Nam, trên cuộc sống của người dân, nhất là đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo. Chính phủ đã có quyết tâm chặn đứng lạm phát bằng mọi giá, đã kịp thời giảm thiểu lưu lượng tiền trong nền kinh tế, cắt giảm tín dụng ngân hàng, áp dụng nhiều biện pháp chế tài mạnh mẽ, công khai chấp nhận không cần đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế bằng mọi giá, kêu gọi người dân thắt lưng buộc bụng, điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước…. Một số chính sách và công cụ tài chính tiền tệ đã bắt đầu có dấu hiệu tốt.

Giờ đây cần phải thiết lập được sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế bền vững, việc sử dụng các chính sách và công cụ mới để kiểm soát lạm phát, sự có mặt và tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong việc kiểm soát lạm phát, việc tái cấu trúc hay tái xác định chiến lược phát triển và cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước hay có vốn của Nhà nước, và đặc biệt việc quản lý vĩ mô minh bạch có giám sát và điều chỉnh của Chính phủ.

Để góp phần vào việc ổn định kinh tế, giúp phát triển bền vững, Chính phủ cần giảm bớt một số lệ thuộc hay ràng buộc, đặc biệt là tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào một ngoại tệ như tình trạng đôla hoá hiện nay của nền kinh tế Việt Nam. Các biến đổi về tỷ giá trong thị trường ngoại tệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tức thời trên nền kinh tế và trên doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước, tạo nên các làn sóng lạm phát khi các doanh nghiệp này tăng giá bán ra để bù vào chi phí chuyển đổi hay mua bán ngoại tệ.

Chính phủ cũng cần giảm thiểu sự áp đảo của các Tập đoàn kinh tế hay Tổng công ty Nhà nước trên thị trường tài chính cũng như ngân hàng. Doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng khoảng 80% lượng vốn tín dụng của các ngân hàng trong nước, công với khoảng 70% vốn vay từ các ngân hàng hay tổ chức tín dụng nước ngoài, trong khi chỉ tạo ra gần 40% tổng sản phẩm quốc gia GDP. Việc này tạo nên sự mất cân đối trong kinh tế, làm giảm sự tin tưởng của người dân và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hay khu vực tư nhân vào chính sách vĩ mô của Chính phủ.

Một trong những giải pháp làm giảm lạm phát mà gần đây không được nhắc đến, đó là tiết kiệm trong chi tiêu xã hội, nhà nước không những cần tuyên truyền ý thức tiết kiệm trong người dân mà còn phải dùng các công cụ tài chính đánh thuế hoặc ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính… để hạn chế chi tiêu như: điện, nước, xăng dầu, rượu, bia…. Xu hướng gần đây, do giá xăng tăng cao, một số người đua nhau mua xe đạp điện, xe máy điện để thay thế xe máy chạy xăng là tín hiệu tốt trong việc tiết kiệm xăng dầu. Tuy nhiên, cần có biện pháp đầu tư vào các phương tiện vận chuyển công cộng hơn là Việt Nam sẽ trở thành đất nước có xe đạp và xe máy điện nhiều nhất thế giới.

Cải cách hành chính, thu gọn các phòng ban, quy tụ các trụ sở nhà nước vào một nơi, tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, rút gọn các quy trình, thủ tục cấp phép, … sẽ tiết kiệm rất lớn các chi phí mà xã hội phải gánh chịu, góp phần hạn chế lạm phát.

Giảm thiểu lạm phát, sẽ giúp cho lãi suất cho vay của ngân hàng giảm xuống, các ngành sản xuất phát triển, tiêu dùng xã hội tăng lên thu nhập tăng, tích luỹ trong dân cư cao hơn là nền tảng cho các doanh nghiệp BĐS có thể yên tâm, vay vốn đầu tư vào các dự án nhà ở khả thi, với giá bán sản phẩm hợp lý, sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng trong xã hội.

Trong lúc mọi người chờ đợi lạm phát dừng lại hay giảm xuống, đây có lẽ là lúc Chính phủ bắt đầu một cuộc trường chinh chống lạm phát, ổn định kinh tế lâu dài và đem lại sự thịnh vượng bền vững cho đất nước.

 

 

 Nguồn: Tham luận của ThS. Nguyễn Quốc Uy - GĐ Marketing Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức tại Hội thảo "Tài chính &thị trường BĐS-Thực trạng và giải pháp, tháng 8/2008.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)