Không gian công cộng luôn có mặt trong quá trình tồn tại và phát triển của điểm dân cư nông thôn. Thời kỳ còn chủ yếu sống trong nền văn minh nông nghiệp, không gian làng xã tính chất khép kín, hướng nội, diễn ra quanh những không gian mở truyền thống như sân đình, gốc cổ thụ, chợ làng… Thời trung và cận đại tính biệt lập của nông thôn vẫn mạnh mẽ, mỗi làng có thể được coi như một quốc gia thu nhỏ với những luật pháp riêng. Sinh hoạt văn hóa tinh thần hiếm khi có nhu cầu và hoạt động nào khác vượt ra ngoài khuôn khổ làng xã truyền thống. Đình làng khi đó là biểu tượng của mọi phương diện, là trung tâm hành chính, tôn giáo, văn hóa…
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhu cầu cuộc sống, nông thôn rất được coi trọng phát triển. Nông thôn muốn phát triển tốt phải có một cơ cấu tổ chức không gian hợp lý mà hạt nhân của nó là TTX thúc đẩy kinh tế - xã hội, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các hoạt động sinh hoạt, làm việc, trao đổi kiến thức, giao lưu văn hóa văn nghệ, và công việc liên quan đến giải quyết những vấn đề của dân cư luôn diễn ra tại các TTX.
Chương Mỹ là huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều đặc thù của khu vực ven đô. Không gian TTX được tạo thành bởi những công trình hành chính, thể thao văn hóa, giáo dục, thương mại… và ngoài ra còn có những công trình văn hóa đặc trưng khác. Tuy nhiên, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong những năm gần đây, dù cũng có nhiều tiến bộ, không gian TTX chưa được QHXD một cách có bài bản và có cơ sở lý thuyết rõ ràng, việc xây dựng chỉ chạy theo cho đủ công trình theo các quy chuẩn ban hành, cùng với hệ thống quản lý nhiều nơi còn hạn chế. Thực tế nhân dân có nhu cầu hoạt động cao tại không gian TTX, nhưng nhiều nơi công trình xây mới chưa đáp ứng được những nhu cầu sử dụng của người dân và chưa có cơ cấu quy hoạch hợp lý, phù hợp với từng loại địa hình, địa thế của từng xã. Một số nơi công trình xây mới không đem lại hiệu quả mong muốn như nhà văn hóa, chợ, xã…
Dưới tác động đô thị hóa cũng như lập quy hoạch, không gian cảnh quan và xã hội của TTX đang có sự biến đổi, đặc biệt nhà ở tư nhân xây dựng chiếm hết khu vực trục chính của xã khiến đất xây dựng công trình công cộng phải di chuyển ra các điểm khác nhau. Điều này đặt ra vấn đề cần phải có quan điểm mới về quy hoạch TTX gắn kết với các điểm dân cư một cách bền vững, từ đó mới có giải pháp phù hợp trong việc xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Bài viết nghiên cứu thực trạng TTX ở huyện Chương Mỹ để tìm ra các vấn đề cơ bản, từ đó có hướng giải pháp hợp lý.
Một số kinh nghiệm
- Khái niệm làng xã xưa
Làng là từ chỉ đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng hoàn chỉnh của người nông dân Việt Nam. Khái niệm Làng xã ngày trước bản chất cũng chỉ là làng tùy thuộc theo quy mô lớn hay nhỏ với người đứng đầu như lý trưởng, xã trưởng do hội đồng hương ước bầu lên, và các chức vụ này không nằm trong hệ thống quan chức phong kiến.
- Khái niệm Xã:
Theo quy định pháp luật Việt Nam thì xã không phải khái niệm làng xã như trên mà là đơn vị hành chính cấp cơ sở thuộc quản lý cấp huyện. Đây là đơn vị hành chính cấp nhỏ nhất, dù dưới xã thì vẫn còn có làng, thôn, bản, buôn… (tuy nhiên những cấp cơ sở dưới xã này không có pháp nhân, phục vụ cho quản lý dân cư và không được xem là cấp hành chính).
- Công trình công cộng thuộc xã:
Là một không gian chung cho mọi người tiếp cận và được quy định chức năng dành cho các hoạt động chung. Đó các công trình về hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa thể dục thể thao, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh, dịch vụ thương nghiệp, các công trình phục vụ sản xuất, được xây dựng có thể tập trung hoặc phân tán tại điểm dân cư thuộc xã. Nó có chức năng phục vụ yêu cầu cuộc sống hàng ngày và không thường xuyên của người dân, ngoài ra nó có thể bao gồm một số không gian truyền thống như gốc đa, bến nước, đình, chùa…
- Trung tâm xã:
Đây là phạm vi xây dựng các công trình có vai trò hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã. Nơi đây là không gian bộ mặt của xã, đại diện cho xã, là nơi xây dựng các công trình công cộng phục vụ hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, thương nghệp, dịch vụ. Bao gồm một phần hoặc tất cả các công trình công cộng thuộc cấp xã quản lý. Nó có thể có cả không gian đất nhà ở khu vực dân cư lân cận với các chức năng hỗn hợp, một số nơi có công trình ngoài dân dụng như nghĩa trang liệt sĩ, các xưởng sản xuất không độc hại….
- Trung tâm phụ:
Ngoài trung tâm chính, xã còn có thể có trung tâm phụ, được hình thành ở khu vực dân cư có kinh tế, có tiềm năng. Ở đó không có công trình trụ sở hành chính cấp xã, nhưng có các công trình trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, giáo dục…để đảm bảo phục vụ thuận tiện cho nhân dân.
1. Sự thay đổi các không gian công cộng theo thời gian
Huyện Chương Mỹ đến nay cũng phải trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển. Cùng với sự hình thành của làng xã thì các TTX cũng xuất hiện trong thời gian tiếp theo và có những sự thay đổi qua từng thời kỳ như sau:
- Trung tâm làng xã từ thời kỳ Phong kiến và Pháp thuộc - trước năm 1945
Đơn vị hành chính cấp xã theo khái niệm trên vẫn chưa thực sự xuất hiện. Làng xã là một khái niệm vẫn như đã nêu trên cùng với các không gian công cộng của nó với tính khép kín, hướng nội, bảo thủ được thể hiện rõ. Các không gian công cộng làng xã ở đây chủ yếu bao gồm một số loại cơ bản sau:
+ Đình làng: biểu trưng cho Nho giáo ở làng xã Việt Nam, với 3 chức năng chính: Tôn giáo, hành chính và văn hóa. Đình thờ thành hoàng, là không gian công, nơi tiến hành các sinh hoạt vì mục đích chung của làng.
+ Chùa: là không gian tôn giáo, văn hóa truyền thống lâu đời, biểu tượng cho Phật giáo ở làng.
+ Chợ: là không gian của thương mại làng. Ngoài việc duy trì hàng loạt mối quan hệ phức tạp khác đặc trưng cho chính trị, tôn giáo, tâm lý tập thể của người nông dân ở làng…
+ Văn từ, văn chỉ: Là không gian biểu trưng cho sự sùng thượng giáo dục, học vấn của làng.
+ Đền, am, miếu, điện: đều là không gian thờ nhiên thần hoặc nhân thần trong làng, thuộc vào tín ngưỡng bản địa, đa thần Việt Nam.
+ Quán điếm, điếm sở: là không gian cho dân làng, khách qua đường nghỉ chân, có thể là quán chợ trong các chợ bán, hoặc thờ thổ thần của xóm.
+ Giếng làng, ao làng: là những không gian mặt nước, thường có vị trí trung tâm ở làng, nằm trong quần thể kiến trúc đình, chùa… cũng có khi nằm độc lập.
+ Cổng làng: là không gian phân định trong ngoài làng, kiến trúc cổng còn mang yếu tố tâm linh với con người sinh sống trong làng.
Sang đến thế kỷ XVII, thời kỳ này có xuất đơn vị hành chính tổng, là trung gian giữa huyện và làng xã, được duy trì trong một thời gian dài. Tổng là đơn vị hành chính dưới huyện, bao gồm một số làng xã. Viên quan đầu tổng được cấp trên bổ nhiệm (có phẩm hàm, có lương) chứ không qua hội đồng bầu như xã trưởng, lí trưởng. Khi này mỗi tổng bao gồm khoảng trên dưới 10 xã làng. Việc sinh hoạt hành chính tại cấp tổng cũng cần có không gian làm việc nên vì thế trong thời kỳ này xuất hiện một số ngôi chùa và ngôi đình chung của một vùng được gọi là chùa Tổng, đình Tổng. Đây cũng có thể coi như là không gian trung tâm công cộng lớn hơn cấp làng xã mà ta biết đến.
Đến thời kỳ Pháp thuộc, cấp tổng vẫn được duy trì cả 2 miền, do người Pháp vẫn duy trì cấp tổng để thay họ trực tiếp cai quản đến cơ sở làng xã này.
- Trung tâm xã (năm 1945-1986):
Từ sau cách mạng tháng 8/1945 thành công nhà nước cách mạng đã các định xã là chính quyền cơ sở. Xã bao gồm một số làng (hoặc thôn) nhưng mỗi làng đó tồn tại độc lập như một đơn vị xã hội cấp dưới của xã, là một cộng đồng dân cư cùng nhau tham gia xây dựng và phát triển nông thôn.
Thời kỳ Hợp tác xã nông nghiệp (năm 1954-1986), phương thức sản xuất của làng trong thời kỳ này có sự thay đổi đột biến và kéo theo nó là sự thay đổi cơ cấu chức năng các công trình công cộng trong trung tâm. Cơ cấu làng xã truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm đến thời kỳ này bị phá vỡ do cải cách ruộng đất. Bên cạnh làng xã cổ truyền, cũng xuất hiện dạng xóm làng mới có quy mô nhỏ, độc lập. Thời kỳ này bắt đầu xuất hiện hệ thống công trình phục vụ sản xuất mới do hợp tác xã quản lý như chuồng trại, trạm thú y, trạm khuyến nông, trạm máy kéo và sửa chữa, trụ sở hợp tác xã và đặc biệt là hệ thống sân phơi, nhà kho rất phát huy tác dụng cho tập thể và cá nhân. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn được cải thiện nhằm phục vụ phát triển nông thôn xã hội chủ nghĩa. Hệ thống các công trình phục vụ công cộng và phúc lợi xã hội do chính quyền xã quản lý được hình thành như trường học, trạm y tế, cửa hàng mua bán, trụ sở làm việc, sân vận động thể dục thể thao…
- Trung tâm xã từ sau năm 1986 đến nay:
Thời kỳ này cơ chế kinh tế có sự đổi mới, các hộ nông dân được coi là đơn vị kinh tế tự chủ. Từ chỗ chỉ có duy nhất mô hình kinh tế tập thể là hợp tác xã nông nghiệp, thì nay xuất hiện các mô hình kiểu mới như: hợp tác xã dịch vụ - nông - lâm - ngư - nghiệp - thương nghiệp, hợp tác xã dịch vụ tổng hợp công - nông - thương - tín (tín dụng)… Hệ thống sân phơi, nhà kho, chuồng trại tập thể, trạm cơ khí chế tạo phục vụ nông nghiệp, trạm khuyến nông, khuyến lương…không còn hiện hữu. Cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp, cải tạo, xây dựng từng phần và các không gian khác bắt đầu xuất hiện. Các công trình tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo được tu bổ, đầu tư để cải tạo và tôn tạo lại thành các điểm di tích lịch sử, văn hóa… phục vụ những nhu cầu khác nhau. Các loại hình sản xuất phát triển cũng như các làng nghề cổ truyền, các ngành nghề thủ công truyền thống được phục hồi nhanh. Các loại hình thương mại dịch vụ phát triển, tiếp cận tới thôn xóm. Các xã hầu hết đã hình thành TTX riêng biệt, xây dựng trụ sở cơ quan hành chính chính trị, bưu điện, chợ, sân vận động, trường mầm non, trường cấp 1, trường cấp 2… Các trung tâm này chủ yếu nằm ở điểm dân cư lớn tại trung độ của xã, một số gắn liền với không gian các công trình di tích, công trình xưa…
+ Từ ngày 01/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, và theo đó huyện Chương Mỹ là huyện ngoại thành thủ đô Hà Nội. TTX trong huyện lúc này đã được thay đổi nhiều, nhiều công trình phục vụ công cộng được đầu tư xây mới và kiến thiết lại với sự đầu tư của thành phố, của huyện cùng với nó khu vực nhà ở được xây dựng tại đây cũng tạo nên các không gian mới. Tuy nhiên, nhiều TTX trong huyện chưa theo kịp được hết các yêu cầu của phát triển mới, do không có quy hoạch và quản lý hợp lý nên dẫn tới nhiều bất cập mà bài viết này sẽ nói rõ ở các phần tiếp theo.
2. Công trình công cộng xã và quy định pháp lý
Theo những quy định của pháp lý thì việc hình thành các công trình công cộng là bắt buộc. Từ trước khi thiết kế các xã nông thôn các nhà thiết kế vẫn sử dụng các tài liệu Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, các tiêu chuẩn Việt Nam về quy hoạch xây dựng. Năm 2009 khi chương trình xây dựng nông thôn mới bắt đầu được phát động và xây dựng thí điểm tại một số xã trong cả nước thị bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn mới được phát hành: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy hoạch xây dựng nông thôn, Tiêu chuẩn Quy hoạch xây dựng nông thôn.
Các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu của bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới có đề cập chi tiết đến các công trình công cộng như diện tích, quy mô, chỉ tiêu đất xây dựng…đối với vùng đồng bằng sông Hồng, có các công trình như: Công sở cấp xã, Trường mầm non, Trường tiểu học, Trường THCS, Trạm y tế xã, Trung tâm văn hóa - thể thao, Chợ, Điểm phục vụ Bưu chính viễn thông, Cây xanh công cộng, Quy chuẩn và tiêu chuẩn có đề cập thêm các công trình khác cửa hàng dịch vụ trung tâm, quỹ tiết kiệm…
Nhìn chung, các văn bản pháp lý đều đề cập đến các công trình công cộng, nhưng cũng còn khá cứng nhắc, khi đặc thù một số nơi có thể không cần thiết phải có, một số còn chưa thống nhất với công trình theo thiết kế của bộ văn hóa thông tin, chưa thống nhất với quy định của bộ giáo dục về phân bố các công trình giáo dục.
3. Hiện trạng quy hoạch xây dựng công trình công cộng xã
3.1. Khối trụ sở, hành chính điều hành
Điển hình là công trình trụ sở UBND và HĐND xã. Hiện nhiều xã có lợi thế là có diện tích rộng, công trình đầu tư xây mới, khang trang hơn. Tuy nhiên vẫn còn một số xã không chú ý về không gian cảnh quan công trình trọng điểm này rất nhiều nơi còn là chỗ làm việc chung của các đơn vị tín dụng, hợp tác xã, công an, quân sự… cũng gây bất tiện cho nhân dân khi sử dụng.
3.2. Khối văn hóa giáo dục, thông tin:
- Công trình giáo dục
Bao gồm trường mầm non, trường tiểu học, trường cấp 2. Do đặc thù địa lý cũng như lịch sử để lại nên có những tồn tại sau:
+ Trường mầm non: Đa số trường mầm non thường phân bố thành các điểm trường, thông thường có 1 trường ở TTX, các điểm còn lại phân bố trong một số thôn. Không như trước đây, các điểm trường mầm non (đặc biệt là trường nằm ở thôn làng) luôn thiếu trầm trọng không gian cũng như diện tích thì bây giờ gần như các nơi đều có đất để xây dựng mới. Tuy nhiên, trường mầm non ở thôn làng nhiều trường ở chỗ khuất nẻo, cơ sở vật chất còn kém, nên không nổi bật, không kết hợp với các không gian khác tạo thành cụm hạt nhân của khu dân cư.
+ Trường tiểu học (cấp 1): Nhiều nơi trường tiểu học phân bố nhiều hơn 1 điểm, ngoài điểm trường nằm ở vị trí trung tâm (được quan tâm và đầu tư xây dựng hơn) thì còn có điểm trường ở vị trí thôn làng khác. Nhiều điểm trường này đang có cơ sở vật chất kém, tiếp cận cũng không thuận tiện. Theo khảo sát, tại các thôn làng đông nhân khẩu, dân cư đều mong muốn có lớp 1,2,3 ngay tại làng mình để đảm bảo bán kính đi lại an toàn và thuận tiện cho học sinh.
Trường THCS (cấp 2): Hầu hết trường cấp 2 đều xây dựng tập trung ở TTX. Một số nơi chưa tạo không gian và cảnh quan cho TTX, do bị lấn át bởi không gian nhà ở dân cư kề cận xung quanh. Một số nơi nằm cạnh giao thông đối ngoại cũng tiềm ẩn mất an toàn giao thông vào giờ cao điểm khi học sinh đi lại nhiều.
- Công trình bưu điện
Bưu điện thường có quy mô 1 tầng, được xây dựng trên lô đất từ 150m2 đến 300m2 theo thiết chế văn hóa. Thực sự hình ảnh kiến trúc công trình này không có gì nổi bật và trong hoàn cảnh hiện nay với các dịch vụ vận chuyển và thông tin phát triển thì bưu điện không hoạt động hiệu quả, một số nơi bỏ không hoặc tận dụng kinh doanh bán hàng tạp hóa…
3.3. Khối phát triển kinh tế, tài chính
a) Chợ xã
Các chợ có tính chất chợ phiên chỉ họp vào một số ngày nhất định (buổi sáng) trong tháng của xã. Một số nơi chợ vẫn giữ được nhiều nét truyền thống dù cơ sở vật chất xuống cấp, sập xệ… Khi nhiều nơi các điểm chợ dân sinh tự phát tại các thôn làng luôn hoạt động nhộn nhịp, liên tục hầu hết các buổi trong các ngày thì chợ xã đang bị lép vế hơn, những chợ mà nằm cách xa đường chính thì rất vắng vẻ. Một nguyên nhân dễ nhận thấy là khu vực dân cư xung quanh chợ xã có sự biến đổi mạnh với nhiều hộ chuyển sang làm dịch vụ thương mại, đáp ứng được nhu cầu mua bán của dân cư.
b) Quỹ tín dụng
Công trình thường hay tận dụng sử dụng phòng làm việc trong trụ sở xã. Trong hoàn cảnh nhu cầu dịch vụ tín dụng đang tăng cao, điều này cũng gây bất tiện cho nhân dân giao dịch tại những điểm dân cư đông đúc, đặc biệt là các khu vực kề cận gần khu công nghiệp, tại các khu làng nghề sản xuất buôn bán,…
3.4. Khối văn hóa - thể thao, nghỉ ngơi giải trí, chăm sóc sức khỏe
a) Trung tâm văn hóa thể thao xã
Khu vực có diện tích yêu cầu tương đối rộng, bao gồm các công trình chủ yếu sau:
- Nhà văn hóa:
Trước đây khi chưa có nhà văn hóa, hoạt động hội họp đông người thường tổ chức trong tòa nhà hội trường tại UBND xã. Hiện nhiều xã có nhà văn hóa nhưng công trình ít nổi bật. Trong khi nhà văn hóa thôn đang hoạt động hiệu quả, thì nhà văn hóa xã gần như đang không được như vậy, nhiều nơi bỏ không quanh năm do không tổ chức được các hoạt động mang tính định kỳ nhằm tạo thói quen sinh hoạt văn hóa của nhân dân tại địa phương. Một số nhà văn hóa với không gian lớn thì thỉnh thoảng được tận dụng sử dụng thêm mục đích khác, ví dụ chỗ biểu diễn văn nghệ của huyện, nơi khám tuyển nghĩa vụ quân sự cho cụm, xã…
- Công trình thể thao xã, sân bóng đá
Một số nơi không chủ động quỹ đất xây dựng khu trung tâm thể thao xã do thiếu quan tâm đến hoạt động này. Công trình tập trong nhà thì hầu như không có, sân tập ngoài trời điển hình hiện nay chỉ là các sân bãi cỏ tự nhiên phục vụ bóng đá, diện tích cũng khác nhau, khoảng 3000m2-8000m2, chưa được đầu tư nhiều. Thông thường có ít hoạt động của sân thể thao xã, một số sân bãi gần các không gian công cộng khác như trường học, chợ xã, đình chùa… chợ thường được tận dụng sử dụng trong những ngày lễ, ngày hội… Quỹ đất cần xây dựng công trình này khá lớn, nếu đầy đủ theo tiêu chuẩn sẽ khoảng 8000-12000m2, thì hầu như ít xã đáp ứng được quy mô diện tích, kể cả phương án mở rộng. Các giải pháp quy hoạch đều phải di chuyển ra vị trí khác…
b) Công trình cây xanh công cộng
Hầu hết các xã không có khu cây xanh công cộng đạt tiêu chuẩn vì không còn quỹ đất. Trong khi mức sống người dân ngày càng được cải thiện và nhu cầu nghỉ ngơi chăm sóc sức khỏe hàng ngày được người dân quan tâm, những khoảng xanh trung tâm không những phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi mà còn làm đẹp không gian cảnh quan TTX, tạo bản sắc đặc thù cho xã mà còn là không gian mở kết hợp phục vụ cho những dịp, sự kiện trọng đại…
c) Công trình y tế
Điển hình dạng này là công trình trạm y tế xã. Vẫn còn nhiều công trình 1 tầng, chất lượng xây dựng đang bị xuống cấp. Một số xã có trạm đạt chuẩn quốc gia nhưng vị trí công trình không thuận tiện cho hoạt động của nhân dân trong những ngày đặc biệt, lúc đó phải mượn không gian của trường học, của nhà văn hóa…
3.5. Đánh giá các vấn đề chung
Nhiều xã công trình liền kề giao thông đối ngoại, gây mất an toàn trong quá trình hoạt động. Công trình giáo dục đặc biệt như là trường mầm non có bán kính đi lại còn quá xa, chưa phục vụ thuận tiện dân cư.
+ Còn hiện tượng xây dựng manh mún. Một số bố trí rời rạc, khuất nẻo trong khu dân cư nên chưa có mối liên hệ chức năng chặt chẽ với nhau để tạo nên một quần thể công năng và cảnh quan. Vẫn còn tồn tại công trình xây dựng 1 tầng, gây lãng phí đất và không phù hợp không gian chung.
+ Nhiều xã có công trình chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Một số nơi thiếu công trình so với nhu cầu thực tiễn, ví dụ thiếu công trình phục vụ các không gian di tích trong những ngày đặc biệt, hoặc còn thiếu công trình phục vụ cho doanh nghiệp đại diện làm việc tại mọt số xã có làng n ghề, một số cụm đông lực (theo QHC của huyện)
+ Còn tồn tại công trình mới xây bị bỏ không, xuống cấp. Một số công trình mà nhân dân rất mong muốn có như Trung tâm văn hóa thể thao, vườn hoa công cộng xã khó xây dựng vì thiếu quỹ đất.
4. Các dạng không gian khác của Trung tâm xã
Ngày nay, do ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa cũng như nhu cầu hoạt động mới, người ta hay bắt gặp các không gian công cộng kiểu mới, mà nó góp phần tạo thành không gian đặc thù của TTX, nó có thể nằm ở trung tâm chính hoặc khu vực trung tâm phụ. Hệ thống các không gian này rất đa dạng, nhưng có thể tóm lược một số dạng sau:
4.1. Nhóm không gian chủ yếu do nhà ở dân cư tạo thành
a) Khu phố dân cư phi nông nghiệp
Nó có nguồn gốc là tụ đểm dân cư mới, hình thức có thể dạng nhà chia lô hay nhà vườn. Không gian mặt phố này liền kề và lân cận với các tuyến giao thông ở trung tâm xã, chức năng đa số chỉ đơn thuần là ở. Các nhà ở đây mang phong cách của nhà ở đô thị, khó có thể thấy được dấu vết của nhà ở nông thôn truyền thống. Một số nơi công trình nhà ở dạng này xây dựng tự phát, lấn át công trình công cộng, ảnh hưởng tới cảnh quan và phát triển TTX.
b) Phố chợ phố làng
Phố chợ: ban đầu là điểm chợ tự phát, nhưng dần phát triển trải dài theo tuyến giao thông, nó kết hợp không gian vỉa hè, lề đường và mặt tiền của các hộ dân. Nếu nằm kề trục giao thông rộng rãi, nơi có dân cư mật độ cao có điều kiện kinh tế thì quy mô phố chợ rất nổi bật. Phố chợ thông thường phục vụ diện rộng như liên thôn, hoặc liên xã. Dù phố chợ cũng gây một số vấn đề ảnh hưởng giao thông, môi trường,…nhưng ưu điểm là thuận tiện cho người mua dụng xe 2 bánh như xe đạp, xe máy…dễ dàng quan sát tiếp cận.
Phố làng: là một dạng hình thức phát triển cao hơn phố chợ, khởi đầu với sự xuất hiện của các doanh nghiệp, hoặc các cơ quan dẫn đến các hộ ven đường nơi đây đầu tư kinh doanh đa dạng kết hợp với các tiện ích phục vụ khiến nơi đây trở nên sầm uất nhộn nhịp. Tiếp theo là sự nâng cấp cơ sở hạ tầng, dẫn đến sự hình thành các khu dân cư mới. Không gian nhà ở tại đây không còn nhà truyền thống, đó chính là loại nhà nhà đô thị bám đường điển hình. Hoạt động kinh doanh của phố này vượt qua biên giới làng xã và có sự gắn kết chặt chẽ vào hoạt động kinh tế của huyện, của vùng, nó cũng hình thành một mạng lưới chuyên nghiệp hơn, nhiều hộ đã liên kết nhau tăng sức cạnh tranh và thu hút khách.
Nói chung xu hướng phố chợ hay phố làng đều là biểu tượng mới cho sự phát triển hội nhập, nó đã cho thấy dưới tác động của đô thị hóa cấu trúc làng xã truyền thống đã thay đổi sang cấu trúc “mở” linh hoạt, tạo nên dạng mới không gian văn hóa xã hội, nó đều giúp người dân phát triển, hội nhập với thế giới bên ngoài.
4.2. Không gian công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh
Vị trí nhóm công trình này góp phần tạo nên hình ảnh trung tâm xã. Một số nằm ở trung tâm xã, do lịch sử để lại và có ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm. Ví dụ lễ hội truyền thống đình, chùa tại một số xã được tổ chức hàng năm thu hút rất đông du khách thập phương về dự. Cứ mỗi lần tổ chức lễ hội là TTX lại đông người và rất nhiều các công trình phục vụ bên ngoài lễ hội chưa có như khu để xe, khu mua bán, các không gian mở cho hoạt động ngoài trời. Những không gian này cần có tầm nhìn quy hoạch thành các điểm trung tâm du lịch, tận dụng được các không gian nhà ở kết hợp khôn gian, cảnh quan đẹp.
Một số TTX có nghĩa trang liệt sĩ, đây cũng là công trình tín ngưỡng quan trọng , nhưng chưa được đầu tư xây dựng, mặc dù những công trình này luôn có vị trí thuận tiện tạo không gian, cảnh quan đẹp.
4.3. Công trình quy mô vượt ngoài cấp xã
Trong bài viết này không đề cập kỹ tới những nhóm công trình có quy mô ngoài cấp xã quản lý. Do một số đặc thù hoàn cảnh, nó được xây dựng và có vị trí nằm trong xã như trường cấp III, trường đào tạo, cơ quan, doanh trại quân đội, chợ đầu mối…Những công trình này có những ảnh hưởng đến không gian dân cư xung quanh. Một số nơi tập trung nhiều công trình đã hình thành nên không gian trung tâm phụ của xã, có nơi tạo thành trung tâm tổng hợp nhiều cấp (cấp huyện, cấp liên xã, cấp xã), và nó kéo theo sự phát triển của các hoạt động khác. Việc dự báo và chủ động trong quy hoạch quy hoạch xây dựng là điều rất cần thiết với không gian công trình dạng này.
Kết luận
Trong vòng mấy chục năm nay, không gian TTX tại ngoại thành Hà Nội đã có những thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Cùng với nhu cầu của dân cư trong đời sống nông thôn hiện đại đã kéo theo sự biến đổi của không gian quen thuộc và xuất hiện những không gian mới, nên vấn đề Quy hoạch xây dựng TTX tại ngoại thành Hà Nội đang trở nên vô cùng quan trọng trước yêu cầu thực tiễn.
Trong bài viết tác giả lấy địa bàn huyện Chương Mỹ làm phạm vi nghiên cứu. Nghiên cứu đã nêu được sự thay đổi của không gian công cộng xã trong các thời kỳ, đã đánh giá được thực trạng không gian trung tâm xã trên các vấn đề cơ bản như quy định pháp lý, về hiện trạng xây dựng các công trình, về nội dung xuất hiện các không gian mới.
Khuyến nghị
Các TTX cần có quy hoạch có tầm nhìn rộng để phát triển trong điều kiện các xã có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển. Khuyến nghị đưa ra những giải pháp quy hoạch ban đầu cho các TTX:
- Các TTX cần có thêm các không gian theo nhu cầu của dân cư, một số công trình có thể phục vụ phi tầng bậc với cụm xã, cấp vùng. Nên loại bỏ những công trình không còn thiết thực như chợ xã, bưu điện… tại một số nơi, và nghiên cứu xây dựng công trình đa năng cho các nhu cầu tín dụng, thông tin liên lạc,… của dân cư.
- Quy hoạch hệ thống trung tâm xã với trung tâm chính, trung tâm phụ rõ rệt để phục vụ đồng đều trong toàn xã. Có thể kết hợp không gian công trình ở thôn làng và công trình xã thành không gian TTX.
- Cần phát triển các trung tâm của các khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp (nếu có) nằm trong hệ thống trung tâm xã, từ đó sẽ tạo điều kiện để phát triển du lịch, để phát triển kinh tế, xã hội.
ThS.KTS. Nguyễn Hồng Quang - Khoa QH Đô thị và Nông thôn - Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 385, tháng 5/2024)