Đổi mới cơ cấu dự toán chi phí xây dựng

Thứ năm, 31/01/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 13 tháng 6 năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Đây được coi là một Nghị định đổi mới toàn diện về cơ chế hình thành và quản lý chi phí để phù hợp với cơ chế thị trường trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên công tác quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình vẫn còn nhiều vấn đề cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện để có thể giải quyết những tồn tại trong thực tế sản xuất xây dựng. Một trong những vấn đề đó là việc hoàn thiện cơ cấu dự toán chi phí xây dựng. Có thể nêu ra một số nhận xét sau đây:

1. Nội dung các khoản mục chi phí trong dự toán tuy đã được điều chỉnh, bổ sung và hướng dẫn theo hướng dẫn “mềm hoá” song nhìn chung vẫn còn mang nặng tính bắt buộc áp dụng đối với việc quản lý chi phí các dự án sử dụng vốn Nhà nước, mức độ phù hợp với thị trường của các khoản chi phí chưa cao.

2. Với cơ cấu chi phí như quy định hiện hành thì ngoài khoản mục chi phí nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công còn có rất nhiều khoảng chi phí cho các công việc khác liên quan đến việc chuẩn bị hiện trường, phục vụ công tác xây dựng của nhà thầu chưa được tính đến. Việc đưa nội dung các khoản chi phí này vào dự toán để khoán cho nhà thầu thực hiện sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho chủ đầu tư và dự án. Do vậy, việc nghiên cứu, bổ sung các khoản chi phí nêu trên vào dự toán là cần thiết.

3. Khoản mục chi phí chung trong dự toán vẫn được xác định trên cơ sở mô hình quản lý doanh nghiệp thời kỳ bao cấp kiểu công ty, tổng công ty theo đó chưa tách bạch phần chi phí quản lý các hoạt động tại hiện trường quản lý trực tiếp ở hiện trường với chi phí quản lý chung của doanh nghiệp.

Để khắc phục những tồn tại này, trong bài viết xin giới thiệu và đề xuất nội dung Đổi mới cơ cấu dự toán chi phí xây dựng như sau:

Dự toán chi phí xây dựng được xác định với 5 thành phần chi phí gồm:

- Chi phí trực tiếp.

- Chi phí công trường.

- Chi phí quản lý gián tiếp xây dựng công trường.

- Lợi nhuận doanh nghiệp

- Thuế giá trị gia tăng.

1. Chi phí xây dựng trực tiếp.

Chi phí xây dựng trực tiếp là toàn bộ các chi phí vật chất để cấu tạo nên công trình và các khoản chi phí hỗ trợ mang tính chất trực tiếp khác phục vụ cho quá trình thi công xây dựng công trình. Như vậy, chi phí trực tiếp bao gồm: chi phí vật liệu, chi phí nhân công, chi phí máy và một khoản mục chi phí khác.

Trong chi phí trực tiếp, nội dung một số khoản mục chi phí như chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí máy thi công cũng được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Riêng nội dung của khoản mục chi phí trực tiếp khác cần được nghiên cứu đổi mới cho phù hợp hơn.

Chi phí trực tiếp khác.

Theo quy định hiện hành thì chi phí trực tiếp khác được tính “cứng” bằng một tỷ lệ 1.5% của chi phí trực tiếp bao gồm vật liệu, nhân công và máy thi công. Việc tính “cứng” bằng một tỷ lệ phần trăm đối với mỗi loại công trình, kể cả mọi loại công việc xây dựng là cách tính theo quy định cũ. Cách tính này không phản ánh tính đặc thù của công trình, không thể hiện được tính linh hoạt cho mỗi trường hợp riêng.

Trong thực tế, chi phí trực tiếp khác là khoản chi phí không xác định được khi khởi công công trình, nằm ngoài các  khoản chi phí trực tiếp và phụ thuộc vào tính chất đặc thù của từng loại công trình, công tác xây dựng khác nhau. Do vậy, chi phí này có độ co giãn rất lớn. Đối với một công trình cụ thể, có thể có loại chiphí này phát sinh nhưng với công trình khác lại không phát sinh chi phí. Khoản mục chi phí khác không phải cố định nhất nhất các công trình đều giống nhau mà thường phải căn cứ vào điều kiện công việc để xác định cho phù hợp. Nội dung khoản mục chi phí trực tiếp khác bao gồm:

1 Di chuyển lực lượng lao động trong nội bộ công trường.

2 An toàn lao động, bảo vệ môi trường cho người lao động và môi trường xung quanh.

3 Bơm nước, vét bùn.

4 Thí nghiệm vật liệu của nhà thầu thi công.

5 Giám định cấu kiện và công trình xây dựng của nhà thầu.

6 Huấn luyện đối với một số công nghệ thi công theo quy phạm mới hoặc công nghệ mới đưa vào sử dụng lần đầu và các loại kiến trúc mới.

7 Đo đạc định vị giao mốc nhỏ lẻ trong quá trình thi công.

8 Các chi phí đặc thù khác ở các công trình vùng sâu, vùng xa cho việc thông tin, đường điện, đường nước mà chưa được tính trong dự toán…

Trong 8 nội dung chi phí thuộc khoản mục chi phí khác khi xác định có thể gộp thành hai nhóm chi phí:

Nhóm thứ nhất: là nhóm các chi phí từ “6” đến “8” không phổ biến ở tất các công trình. Tuỳ theo tính chất, loại công trình xây dựng mà có thể có ở công trình này nhưng lại không có ở những công trình khác. Những chi phí thuộc nhóm thứ hai được xác định tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của loại công trình. Về phía Nhà nước hoặc tổ chức tư vấn có thể căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá để xác định định mức chi phí theo từng loại công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông… để áp dụng.

2. Chi phí công trường.

Chi phí công trường là khoản chi phí của nhà thầu cần thiết để triển khai thi công, tổ chức thực hiện và quản lý thi công xây dựng công trình.

Chi phí công trường bao gồm:

- Chi phí lán trại, công trình tạm phục vụ thi công.

- Chi phí quản lý trực tiếp công trường.

a. Chi phí lán trại, công trình tạm phục vụ thi công

Là chi phí để xây dựng, sửa chữa trong quá trình sử dụng, tháo dỡ thu hồi, hồi trả nguyên trạng mặt bằng …cho các công trình tạm, phục vụ thi công, lán trại tạm…

b. Chi phí quản lý trực tiếp công trường.

Chi phí quản lý trực tiếp công trường bao gồm các nội dung sau đây:

- Chi phí tiền lương, lương phụ, phụ cấp lượng của cán bộ, kỹ sư, nhân viên trực điều hành chân công trường.

- Chi phí công tác phí, phương tiện đi lại, chi phí tuyển mộ lao động.

- Chi phí mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng các loại công cụ, dụng cụ, đồ nghề…chưa đủ là tài sản cố định cho cán bộ, nhân viên công trường.

- Chi phí bảo hiểm cho cán bội, nhân viên trên công trường, chi phí bảo hiểm đối với những công tác xây dựng đặc thù như dưới sâu, trên cao…

3. Chi phí quản lý gián tiếp xây dựng công trình.

Chi phí quản lý gián tiếp xây dựng công trình là chi phí hoạt động chung. Tuy không phải là chi phí trực tiếp làm ra sản phẩm xây dựng nhưng nó có vai trò tác động gián tiếp thực hiện quá trình thi công, tạo điều kiện để hoàn thành quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm xây dựng.

Chi phí gián tiếp xây dựng công trình chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính và các chi phí có liên quan khác.

a  Chi phí quản lý doanh nghiệp xây dựng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp xây dựng là các chi phí phát sinh để thực hiện cho những hoạt động tổ chức thưc hiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp xây dựng bao gồm các nội dung chi phí sau:

+ Tiền lương, lương phụ, phụ cấp lương của lãnhđạo, nhân viên đơn vị và quản lý doanh nghiệp; chi phí trợ cấp, chữa bệnh, trợ cấp thôi việc…

+ Chi phí đào tạo nâng cao nghiệp vụ, tập huấn chuyên môn…

+ Công tác phí, tiền tàu xe đi lại, chi phí tuyển mộ lao động, xăng dầu, bảo dưỡng xe máy thiết bị phụ vụ chung, đăng kiểm phương tiện đi lại…phục vụ cán bộ, công chức đơn vị.

+ Chi phí trang bị, bảo dưỡng, sửa chữa, các phương tiện làm việc cơ quan, các dụng cụ, công cụ, máy móc của cơ quan nhưng chưa đủ là tài sản cố định.

+ Chi phí khấu hao tài sản, nhà cửa, vật kiến trúc,…thuê trụ sở làm việc.

+ Thuế và các khoản phí mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Nhà nước như: thuế nhà đất, các loại thuế và phí khác…

+ Các chi phí có liên quan chưa tính ở các nội dung nêu trên.

b Chi phí tài chính

Chi phí tài chính là các khoản chi phát sinh trong quá trình doanh nghiệp hoạt động như: lãi vay ngân hành để hoạt động sản xuất xây dựng đối với những khối lượng mà chủ đầu tư trả chậm, phí và lệ phí thủ tục hành chính, ngân hàng và các hoạt động tài chính khác phát sinh trong quá trình thu gom tiền vốn.

4. Lợi nhuận doanh nghiệp.

Do tính đặc thù của sản phẩm xây dựng, chi phí xây dựng được xác định theo phương pháp cộng tới nên lợi nhuận doanh nghiệp được xác định trước để làm cơ sở lập dự toán xác định tổng mức đầu tư, tổng dự toán xây dựng công trình. Lợi nhuận doanh nghiệp có thể được xác định bình quân của các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Tuy nhiên lợi nhuận doanh nghiệp tính vào dự toán còn phụ thuộc vào khả năng cung cầu của lực lượng xây dựng ở từng giai đoạn trong nền sản xuất xã hội. Khi thực hiện đấu thầu, lợi nhuận của doanh nghiệp được xác định thông qua kết quả trúng thầu của giá gói thầu. Lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố để cạnh tranh khi thực hiện phương thức đấu thầu trong hoạt động xây dựng.

5. Thuế giá trị gia tăng.

Thuế của doanh nghiệp xây dựng do Nhà nước quy định được tính trên cơ sở chi phí trực tiếp xây dựng, chi phí gián tiếp và doanh lợi. Năm thành phần chi phí nêu trên được thể hiện ở Bảng dưới đây:

Cơ cấu và cách tính dự toán chi phí xây dựng.

Hạng mục chi phí

Phương pháp tính

Chi phí trực tiếp

Chi phí vật liệu

Σ khối lượng công tác XD x Đơn giá vật liệu

Chi phí nhân công

Σ khối lượng công tác XD x Đơn giá nhân công

Chi phí máy thi công

Σ khối lượng công tác XD x Đơn giá máy thi công

Chi phí công trường

Chi phí trực tiếp khác

Σ Chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công  x  Định mức tỷ lệ

Chi phí lán trại, công trình tạm phục vụ thi công


Chi phí trực tiếp   x  Định mức tỷ lệ

Chi phí quản lý trực tiếp công trường

Chi phí nhân công   x  Định mức tỷ lệ

Chi phí quản lý gián tiếp XDCT

Chi phí quản lý doanh nghiệp xây dựng

Chi phí nhân công   x  Định mức tỷ lệ

Chi phí tài chính

Chi phí trực tiếp   x  Định mức tỷ lệ

Lợi nhuận doanh nghiệp

Lợi nhuận doanh nghiệp

Chi phí trực tiếp + Chi phí công trường + Chi phí quản lý gián tiếp xây dựng x  Tỷ suất lợi nhuận

Thuế

Thuế

Chi phí trực tiếp + Chi phí công trường + Chi phí quản lý gián tiếp XDCT  x  Lợi nhuận doanh nghiệp  x  Thuế suất



Nguồn: Thông tin Kinh tế xây dựng, số 4/2007

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)