Ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị tỉnh Quảng Ninh – Thực trạng và nhiệm vụ đề ra

Thứ năm, 03/10/2024 15:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Được Trung ương xác định có vị  trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại - Tỉnh Quảng Ninh có diện tích đất liền 6.206,9km2, trên 6.000 km2 mặt biển, bờ biển dài 250km, 2.777 hòn đảo, đường bờ biển chạy dọc theo chiều dài của tỉnh. Hàng năm thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 2 đến 3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong giai đoạn 2005-2020, trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng các trận mưa bão, gây sự cố, mất an toàn cho nhiều hồ đập và đời sống kinh tế - xã hội. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của tác động biến đổi khí hậu: mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lớn, rét hại. Các loại hình này trong những năm gần đây xuất hiện thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, kinh tế của người dân. Bài viết phân tích thực trạng và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh ứng phó với biến đổi khí hậu.

1. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu (BĐKH) mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường, cuộc sống của con người. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của BĐKH và nước biển dâng; tần suất, cường độ các thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn. Ngoài ra, các đô thị tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng nghiêm trọng hơn từ hiểm họa thiên tai, BĐKH xuất hiện nhiều và bất thường. Một việc làm cấp thiết được đặt ra đó là cần phải đánh giá sự ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề BĐKH và nước biển dâng, đồng thời đặt ra nhiệm vụ cần thiết nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đó đến công tác quản lý phát triển đô thị tại tỉnh Quảng Ninh.

2. Thực trạng sự ảnh hưởng của vấn đề BĐKH và nước biển dâng đến quá trình quản lý phát triển đô thị tại tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là một trong các tỉnh ven biển thuộc khu vực nhạy cảm về BĐKH. Trong thời kỳ từ năm 1961 đến năm 2018, nhiệt độ không khí trung bình năm ở Quảng Ninh tăng xấp xỉ 0,20C/thập kỷ, mực nước biển trung bình cũng tăng khoảng 0,25cm/năm theo số liệu từ vệ tinh. Quảng Ninh đang đóng góp không nhỏ tới BĐKH với lượng phát thải khí nhà kính đáng kể từ các hoạt động khai thác than, nhiệt điện than.

BĐKH và nước biển dâng đã - đang ảnh hưởng đến các vùng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các vùng dễ bị tổn thương - các xã ven biển thuộc các địa phương: Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái; BĐKH ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực của tỉnh, các ngành, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất: Ngành nuôi trồng thủy sản (chủ yếu ở Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái); lâm nghiệp (Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hạ Long), ngành nông nghiệp (chủ yếu là trồng lúa ở thị xã Đông Triều, Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà). Môi trường sinh thái cũng chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH và nước biển dâng, đặc biệt đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, tài nguyên đất, môi trường không khí.

Quảng Ninh có khoảng 250km đường bờ biển, có hệ thống sông ngòi phủ tương đối dày trên toàn bộ địa bàn tỉnh. Các khu vực ven biển, khu vực tiếp giáp sông chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy văn như: Triều cường, gió, bão, và nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của mực nước biển dâng do BĐKH.

Theo báo cáo về kịch bản nước biển dâng ở Quảng Ninh do Kịch bản BĐKH năm 2020, số liệu mực nước biển dâng ở Quảng Ninh theo kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 như sau:

(Bảng 1: Kịch bản nước biển dâng ở Quảng Ninh (kịch bản năm 2020))

(nguồn: Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020)

Với vị trí địa lý đặc biệt, khu vực ven biển rộng lớn, tỉnh Quảng Ninh phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ BĐKH: Hàng năm tỉnh Quảng Ninh phải liên tục hứng chịu nhiều cơn bão, lũ lụt; sạt lở đất thường xuyên diễn ra do quá trình địa động lực hiện đại; rủi ro về địa chất do các hoạt động khai thác khoáng sản. Trong bối cảnh khí hậu đang biến đổi rủi ro bất ổn, thiên tai không ngừng gia tăng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành: nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp.

Quảng Ninh cần tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu các tác hại của thiên tại cũng như có những hành động quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường và giảm phát thải. Để trở thành đầu tàu phát triển của khu vực phía bắc và Việt Nam cần tận dụng tối đa lợi thế từ những chính sách hội nhập cởi mở của Việt Nam, tiến bộ của công nghệ 4.0 để mang lại đột phá trong cả lĩnh vực sản xuất cũng như đời sống, đồng thời cần có những phương án phòng bị để giảm thiểu tối đa các rủi ro liên quan tới COVID-19 và BĐKH trong giai đoạn tiếp theo.

2.1. Diễn biến khó lường, hệ quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu với Quảng Ninh

Quảng Ninh nằm giáp với khu vực Vịnh Bắc Bộ, nên trực tiếp hứng chịu nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới, gió lốc. Địa hình đồi núi là điều kiện để nước lũ, các sông, suối đột ngột tăng cao khi có mưa lớn, gây sạt lở đất. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong vòng một thập kỷ qua nhiệt độ trung bình của tỉnh đã tăng khoảng 0,1 độ, trong đó nhiệt độ mùa hè tăng khoảng 0,1-0,3 độ. Nắng nóng có xu thế xuất hiện sớm và kết thúc muộn, số đợt nắng nóng nhiều hơn, xảy ra cục bộ, diễn biến phức tạp.

Không khí lạnh biểu hiện thất thường, mùa lạnh đến muộn, xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài mang tính lịch sử, xuất hiện nhiều trận mưa bất thường kèm theo mưa đá. Các cơn bão đổ vào Quảng Ninh thường kèm theo mưa lớn, có cơn bão lượng mưa từ 100-200mm, có nơi 500mm. Đây là nguyên nhân chính gây mưa lớn, tạo ra lũ gây xói mòn, sạt lở đất, ngập lụt, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội của tỉnh trên mọi phương diện.

Điển hình như trận lũ quét và vỡ đập Đầm Hà Động ở huyện Đầm Hà tháng 10 năm 2014, gây cuốn trôi các đập thời vụ của các xã Quảng Lâm, Quảng An, ngập lụt nhà cửa, ruộng vườn, đầm nuôi trồng thủy sản vùng hạ lưu ở huyện… Đợt mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015 trên địa bàn tỉnh gây ngập úng nhiều nơi, khiến hơn 10.000 ngôi nhà, công trình giao thông bị hư hỏng, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

2.2. Tác động của BĐKH đến tính bền vững của kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là một trong những đối tượng rất nhạy cảm trước các tác động tiêu cực của BĐKH. BĐKH và nước biển dâng sẽ làm thay đổi một số các thông số đặc trưng của môi trường vốn là số liệu đầu vào quan trọng của các quy hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, vận hành khai thác các công trình kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiệt độ tăng ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu mặt đường, các công trình cầu, hệ thống ray đường sắt, gây nứt bê tông, cong vênh ray đường sắt làm giảm tuổi thọ các công trình giao thông, tăng chi phí công tác duy tu, bảo dưỡng.

Với địa hình nhiều đồi núi, nhiều tuyến đường chạy ven núi, Quảng Ninh phải đối diện với các đợt lũ lụt, sạt lở các tuyến đường trên địa bàn do lượng mưa tăng. Năng lực thoát nước mưa của nhiều tuyến đường bộ, đường sắt có nguy cơ quá tải, gây ra sự gia tăng mức nước, úng ngập phía thượng lưu. Có nhiều đoạn đường bộ, đường sắt đã xây dựng đứng trước nguy cơ bị ngập, xói lở nền đường vì lưu lượng đỉnh lũ, mức nước lũ tại các lưu vực có tuyến đường đó đi cắt qua tăng lên đáng kể. Khi lượng mưa tăng, mực nước trên các sông trên địa bàn tỉnh tăng, ảnh hưởng đến tĩnh không của cầu, giảm quá trình lưu thông, vận tải bằng đường thủy. Quảng Ninh là tỉnh giáp biển nên việc ảnh hưởng trực tiếp từ các hiện tượng khí hậu cực đoan từ biển rất lớn, đặc biệt là bão lũ. Bão lũ xuất hiện không chỉ làm đình trệ giao thông, giảm thời gian phục vụ của hệ thống công trình giao thông đường bộ, đường sắt, nguy cơ gây hư hỏng hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt, đường bộ, tác động tiêu cực đến kết cấu các công trình trên đường. Mức nước biển dâng gây ra ảnh hưởng vượt qua vùng cửa sông, đầm phá ven biển. Đặc biệt, các cầu có tính không thấp khi phải chịu sự gia tăng mức nước biển sẽ ảnh hưởng lớn quá trình lưu thông. Nước biển dâng tác động trực tiếp đến các hoạt động của các cảng biển, vận tải biển trên địa bàn tỉnh.

2.3. Tác động BĐKH đến tính bền vững của kết cấu hạ tầng năng lượng, cấp điện trên địa bàn tỉnh

Là tỉnh ven biển, trong những năm qua, Quảng Ninh đã phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của BĐKH. Kết cấu hạ tầng năng lượng và cấp điện trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng và thay đổi đáng kể.

Mưa bão, giông sét, độ ẩm, độ muối, bụi xi măng không khí cao, lưới điện trải dài, đi qua nhiều khu vực rừng cây, đồi núi, với nhiều thiết bị hạ tầng đã sử dụng lâu năm nên việc bảo dưỡng, vận hành lưới điện ghi nhận nhiều sự cố an toàn lưới điện và sự cố vĩnh cửu. Các vùng sản xuất than có khả năng chịu ảnh hưởng của BĐKH, tác động đến sản lượng khai thác than, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất cả các nhà máy điện.

Nhiệt độ môi trường thay đổi làm cho nhu cầu sử dụng điện tại các đô thị, khu vực trung tâm dịch vụ - công nghiệp tăng lên đáng kể. Tại tỉnh Quảng Ninh, mặc dù hiện tượng thiếu hụt nguồn điện chưa xảy ra, nhưng những diễn biến phức tạp của BĐKH đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp nâng cao cải thiện kết cấu hạ tầng năng lượng và cấp điện trên địa bàn để đảm bảo phát triển bền vững.

2.4. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến việc khai thác và sử dụng của hệ thống cấp thoát nước

a. Hệ thống cấp nước

Tại Quảng Ninh, BĐKH tác động đến tài nguyên nước chủ yếu thông qua các yếu tố, loại hình tác động: nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Sự gia tăng của nhiệt độ đã và đang làm tăng nhu cầu sử dụng nước, gây ra việc thiếu nước, không đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho người dân trong khi tiềm năng về nguồn nước ngọt đang có chiều hướng giảm.

BĐKH toàn cầu làm cho khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, không theo quy luật, dẫn đến sự suy giảm lượng mưa về mùa khô, gia tăng lượng mưa về mùa mưa làm cho trữ lượng nước không ổn định theo mùa, làm thay đổi thất thường chế độ thủy văn. Các hiện tượng mưa lũ, lụt, bão bất thường do BĐKH làm gia tăng nguy cơ phát tán thêm các chất ô nhiễm vào nguồn nước đặc biệt tại các khu vực mỏ, khu công nghiệp, khu xử lý rác thải do nước mưa chảy tràn qua khu vực này mang theo các chất ô nhiễm làm cho tình hình ô nhiễm gia tăng cả về diện và lượng.

Nước biển dâng làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn trên các sông, gây mặn hóa nguồn nước dưới đất. Sự thay đổi dòng chảy về mùa khô và mùa mưa do tác động của BĐKH làm gia tăng sự bồi lắng, xói lở trên các con sông, tác động xấu đến các công trình thu nước mặt trên sông, gây tốn kém hơn cho công tác xây dựng, quản lý vận hành các hệ thống cấp nước.

b. Hệ thống thoát nước mưa

Với vị trí nằm gần biển, chịu tác động mạnh của yếu tố thủy triều, nếu kết hợp với nước biển dâng do BĐKH toàn cầu, hiệu quả tiêu thoát nước của Quảng Ninh có khả năng bị suy giảm, gây ra tình trạng úng ngập trong đô thị ngay cả khi chưa bị ảnh hưởng của nước mưa trong hệ thống thoát nước nhân tạo truyền thống. BĐKH làm tăng khả năng xuất hiện lũ quét, xói mòn đường sá, ngập úng vùng canh tác tại vùng nông thôn, miền núi.

Địa hình dốc nên hiện tượng úng ngập xảy ra trong thời gian ngắn, tuy nhiên, quá trình rửa trôi vẫn làm nghèo dinh dưỡng đất, môi trường sinh thái và môi trường sống không đảm bảo vệ sinh

c. Hệ thống thoát nước thải

BĐKH ảnh hưởng tiêu cực đối với hệ thống hạ tầng thoát nước thải. Hệ thống thu gom và xử lý nước thải ảnh hưởng bởi mưa lớn dưới tác động của khí hậu làm cho lưu lượng nước thải quá tải, làm giảm chất lượng xử lý nước gây tốn kém về kinh tế.

Đối với công trình đầu mối: trạm xử lý nước thải, trạm bơm chuyển bậc, việc BĐKH như mưa to, gió bão, sóng thần gây hư hại về kết cấu hạ tầng thoát nước thải.

Các hệ thống xử lý nước thải thường đi kèm trong khu vực đô thị nên ít bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất đá và các thiên tai khác. Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn cần lồng ghép các yếu tố về BĐKH trong triển khai quy hoạch và nâng cao năng lực ứng phó.

3. Đề xuất một số giải pháp

3.1. Phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai

Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, ngoài ra tỉnh cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình: mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lớn, rét hại. Cụ thể, các loại hình thiên tai thường gặp ở Quảng Ninh có phạm vi ảnh hưởng:

- Đối với bão, vùng ảnh hưởng là toàn bộ địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ninh. Đối với lũ quét, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét là các huyện, thành phố miền núi: Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, và Móng Cái.

- Đối với lũ sông, phạm vi ảnh hưởng chủ yếu là hệ thống đê sông. Các huyện, thị xã, thành phố có sông đi qua đều có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong đó khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của lũ sông nhất: thị xã Đông Triều. Đối với mưa lớn, đây là loại hình thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực thấp trũng do gặp khó khăn trong tiêu thoát nước. Các khu vực thuộc thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Vân Đồn là những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất khi mưa lớn.

3.2. Các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung

- Tỉnh Quảng Ninh đã có những cải thiện đáng kể nhiều lĩnh vực như khai thác than, nuôi trồng thủy hải sản ven bờ, du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh đối diện với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc cải tạo, thay đổi địa hình, địa mạo, cảnh quan môi trường đã làm tăng nguy cơ thiệt hại trước những diễn biến khó lường của thiên tai. Trước những yêu cầu về hội nhập quốc tế và thực hiện các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh cần xác định và kiên trì định hướng phát triển đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”

- Đưa ra những giải pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với từng khu vực, từng loại địa hình thiên tai, xây dựng nguyên tắc, cơ chế phối hợp thực hiện biện pháp quản lý rủi ro thiên tai, lồng ghép vào các chương trình phát triển ngành, lĩnh vực vào trong phòng chống thiên tai, xây dựng phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh cũng như phương án phòng ngừa, ứng phó, phục hồi tái thiết, xây dựng phương án phòng chống lũ của các tuyến sông có đê, phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng.

- Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55%; đề xuất cao độ khống chế san nền cho các vùng theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng; cải tạo hạ tầng kỹ thuật các độ thị hiện hữu; củng cố hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, các công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH; nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH của hệ thống cơ sở hạ tầng; thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh;

- Triển khai các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh các hành động giảm nhẹ khí nhà kính, tăng cường các bể hấp thu khí nhà kính; có lộ trình thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí bằng năng lượng tái tạo, hướng tới phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050;

- Thực hiện các hành động phục hồi thiên nhiên: Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng, phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị.

- Chú trọng thực hiện các dự án về quản lý rác thải nhựa đô thị; trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm tồn lưu; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư…Đồng thời xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.

4. Kết luận

Biến đổi khí hậu là một thách thức to lớn, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam cũng như Quảng Ninh chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững và phát triển hơn. Hành động quyết liệt là chìa khóa để bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua nghiên cứu thực trạng, bài viết đã tổng hợp những tác động ảnh hưởng không nhỏ của BĐKH tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Thực hiện thành công những nhiệm vụ đặt ra trên đây sẽ góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình BĐKH tại tỉnh Quảng Ninh.

(Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 388, tháng 8/2024)

ThS.KTS. Đinh Lương Bình - Bộ môn Quản lý Quy hoạch, Kiến trúc, Xây dựng - Khoa Quản lý đô thị - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)