Nâng cao năng lực của chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển

Thứ hai, 28/01/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đề Cùng với sự phát triển nhanh chóng của đất nước trong thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập hiện nay, các đô thị ở Việt Nam đang có bước phát triển rất nhanh và mạnh về mọi mặt. Tốc độ đô thị hoá diễn ra ngày càng nhanh với quy mô ngày càng lớn, nhiều khu vực vốn là các vùng nông thôn lạc hậu, với trình độ kém phát triển đã và đang được thay đổi diện mạo nhanh chóng theo quá trình đô thị hoá. Đến nay, cả nước ta đã có 5 TP trực thuộc được xếp hạng đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; trên 30 TP trực thuộc tỉnh, gần 60 thị xã, ngoài ra còn có khoảng 590 thị trấn, cũng là các đơn vị hành chính đô thị quy mô nhỏ.

Chỉ sau 10 năm gần đây Từ 1996 đến nay cả nước đã tăng thêm gần 100 đô thị, trong đó có 2 TP trực thuộc TW, 14 TP thuộc tỉnh, trên 80 thị trấn.

Về phân loại theo quy mô và mức độ phát triển đô thị, hiện ở Việt Nam có: 2 Đô thị loại đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; 3 Đô thị loại 1 Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế; 14 Đô thị loại 2 TP Cần Thơ và 13 TP thuộc tỉnh; 31 Đô thị loại 3; 42 Đô thị loại 4 và gần 5587 đô thị loại 5 Số liệu này là tính đến đầu năm 2007, đến nay có thể đã thay đổi do đang có những điều chỉnh, nâng cấp các đô thị diễn ra trong năm nay.

Về dân số đô thị cũng ngày càng gia tăng nhanh chóng, với tốc độ khoảng 0,8%/năm tính trung bình trong 5 năm gần đây. Hiện dân cư đô thị ở nước ta chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và theo xu hướng đô thị hoá ngày càng nhanh thì chắc chắn tỷ lệ này sẽ tăng nhanh hơn trong những năm sắp tới.

Vài con số sơ bộ trên đây đã thể hiện rõ sự phát triển nhanh chóng về lượng của các đô thị ở nước ta hiện nay. Quá trình đô thị hoá ngày càng nhanh hiện nay đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH; khuyến khích, thu hút ngày càng mạnh đầu tư từ nước ngoài và từ các thành phần kinh tế trong nước; mở rộng và hiện đại hoá trên quy mô lớn kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông, liên lạc, nhà đất, khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung, các công trình văn hoá - xã hội, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ cảnh quan môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

2. Năng lực của chính quyền đô thị - những vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Năng lực của Chính quyền đô thị, suy đến cùng, phải được thể hiện ở hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị. Nói cách khác, năng lực của chính quyền đô thị được phản ảnh một cách trung thực, khách quan qua những tiến bộ cũng như những hạn chế, yếu kém, những bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội ở các đô thị.

Những thành tựu, tiến bộ đã đưa lại từ kết quả của quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị với tốc độ nhanh ở nước ta có vai trò to lớn và trực tiếp của cả bộ máy Chính quyền nhà nước nói chung và của các cấp Chính quyền đô thị nói riêng. Trong bối cảnh tiến hành công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân hiện nay, Bộ máy Chính quyền đô thị đã có những cải cách, đổi mới nhất định về tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân trên địa bàn các đô thị. HĐND của các TP, thị xã, thị trấn đã ngày càng thể hiện được nhiều hơn, rõ hơn vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, ngày càng thực hiện có kết quả hơn chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đô thị và chức năng giám sát các hoạt động của bộ máy hành chính đô thị. UBND các cấp ở đô thị, theo tinh thần cải cách hành chính đã ngày càng có nhiều cải cách về tổ chức và hoạt động trên 4 lĩnh vực: thể chế, bộ máy, công chức công vụ và tài chính công trong phạm vi của các cấp chính quyền đô thị. Mặt khác, với mức độ khác nhau, các cấp chính quyền đô thị cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo các dịch vụ công cộng cơ bản, thiết yếu đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của dân cư đô thị, giải quyết được phần nào những bức xúc nhất trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Những tiến bộ, những đổi mới, cải cách về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị trong những năm gần đây tuy chưa nhiều, chưa cơ bản, chưa toàn diện, chưa mạnh mẽ, nhưng đã góp phần nhất định vào việc nâng cao năng lực của cả bộ máy chính quyền đô thị nói chung cũng như của mỗi cơ quan, mỗi đơn vị trong bộ máy đó.

Tuy nhiên, sự phát triển của các đô thị trên quy mô lớn và với tốc độ nhanh như hiện nay đang đặt ra những vấn đề, những thách thức mới đối với năng lực của chính quyền đô thị. Có thể nói, hiện nay, ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn, đang xuất hiện quá nhiều các vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc, đặt ra cho chính quyền cần phải giải quyết nhanh, mạnh, cơ bản, toàn diện, trong khi năng lực của bộ máy chính quyền đang còn nhiều yếu kém, hạn chế trên nhiều mặt, nhiều khâu, nhiều bộ phận khác nhau.

2.1. Những mâu thuẫn chủ yếu

Xét về mặt năng lực của chính quyền đô thị, hiện đang đứng trước những mâu thuẫn chủ yếu, cũng là những thách thức chủ yếu sau đây:

- Mâu thuẫn giữa yêu cầu và tiềm năng dồi dào về phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội ở đô thị với năng lực thể chế của chính quyền đô thị đang còn nhiều hạn chế, bất cập, lạc hậu, nhất là năng lực cụ thể hoá và năng lực tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động văn hoá - xã hội diễn ra trên địa bàn đô thị. Hiện nay, khả năng của chính quyền đô thị trong việc đáp ứng các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp và công dân trong việc giải quyết các vấn đề về thể chế, chính sách, môi trường pháp lý cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, và cung ứng dịch vụ công cộng đang còn rất hạn chế, rất chậm chạp, với nhiều phiền hà, sách nhiễu, nhiều thủ tục rườm rà, vô lý đến mức khó hiểu. Cơ chế xin - cho trong mối quan hệ giữa chính quyền với tổ chức và công dân vẫn còn khá phổ biến và chậm được khắc phục, thậm chí còn không muốn khắc phục.

- Mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao và ngày càng đa dạng về dịch vụ công của người dân đô thị với năng lực tổ chức cung ứng và quản lý các dịch vụ công của Chính quyền đô thị đang còn rất yếu kém. Có thể nói, ở các đô thị hiện nay, nhất là đối với các đô thị lớn, việc đảm bảo các nhu cầu tối thiểu về dịch vụ công như giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, chữa bệnh, học hành, vui chơi, giải trí... đang còn quá nhiều yếu kém, quá nhiều bức xúc, nhưng chậm được khắc phục, và ít có tiến bộ rõ rệt.

- Mâu thuẫn giữa sự phát triển nhanh chóng, với quy mô ngày càng lớn về kết cấu hạ tầng đô thị, nhà đất, công trình công cộng... với năng lực hoạch định và thực thi chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị của Chính quyền đô thị đang còn rất nhiều hạn chế. Sự yếu kém về tầm nhìn, về hoạch định chiến lược phát triển đô thị của chính quyền các đô thị hiện nay dẫn đến tình trạng thay đổi, điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị là khá phổ biến và khá thường xuyên ở hầu hết các đô thị hiện nay. Điều đó cũng là một nhân tố rất quan trọng gây ra sự lãng phí to lớn các nguồn nhân lực chung của đất nước cũng như những hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng, lâu dài ở các đô thị.

- Mâu thuẫn giữa yêu cầu và nâng cao kỷ cương, phép nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, và nhu cầu được bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của người dân với năng lực kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm của Chính quyền đô thị, đang còn nhiều bất cập, hạn chế, kể cả đối với các vi phạm của cán bộ công chức và các cơ quan nhà nước - các chủ thể duy trì kỷ cương, phép nước ở các đô thị, nhất là ở các đô thị lớn hiện nay, đang là vấn đề báo động, nóng bỏng, và đang gây nên những nhức nhối đáng kể đối với người dân.

- Mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, yêu cầu hiện đại hoá nền hành chính, yêu cầu đổi mới vai trò, chức năng của Chính quyền nhà nước, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Chính quyền địa phương với năng lực thực thi công vụ và ý thức trách nhiệm, đạo đức công chức đang còn nhiều bất cập, yếu kém, không tương thích của một bộ phận đáng kể trong đội ngũ cán bộ công chức của Chính quyền đô thị hiện nay. Những yếu kém về năng lực và đạo đức công chức trong bộ máy chính quyền đô thị là nguyên nhân trực tiếp và quan trọng của những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động quản lý nhà nước và trong việc phục vụ người dân ở đô thị.

Trên đây là những mâu thuẫn, cũng là những thách thức, những vấn đề đặt ra đối với năng lực của chính quyền đô thị. Tất cả những mâu thuẫn này, suy đến cùng, đều là biểu hiện cụ thể của mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển đô thị ngày càng cao với năng lực quản lý và phục vụ của Chính quyền đô thị đang còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mâu thuẫn này ngày càng trầm trọng hơn và ngày càng trở thành lực cản to lớn hơn đối với sự phát triển của các đô thị ở nước ta hiện nay.

2.2. Những nguyên nhân chủ yếu

Những hạn chế, yếu kém về năng lực của chính quyền đô thị ở nước ta hiện nay, xét từ góc độ tổ chức và hoạt động của Chính quyền đô thị, có thể do những nguyên nhân chủ yếu sau:

2.2.1. Mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất tập trung thống nhất cao của đô thị, còn bị phân tán, cắt khúc thành nhiều tầng nấc khác nhau trong nội bộ một đô thị; mỗi loại đơn vị hành chính nội bộ Quận, Phường đều là những cấp chính quyền hoàn chỉnh với HĐND và UBND như ở các vùng nông thôn. HĐND Quận, Phường, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, nhưng do đặc điểm, tính chất của đô thị, lại không thể quyết định được các vấn đề về quy hoạch, chiến lược, chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn mà phải do HĐND cấp thành phố mới có thể quyết định được. UBND các Quận, Phường, trong khi có vai trò là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, nhưng do tính hình thức của HĐND nên việc UBND chấp hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND cũng mang tính hình thức; trên thực tế UBND chỉ đóng vai trò là cơ quan thực thi một số nhiệm vụ cụ thể của quản lý hành chính trên địa bàn. Sự bất hợp lý, nhiều tầng nấc, phân tán, cắt khúc về mô hình tổ chức chính quyền đô thị là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những yếu kém trong quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn đô thị; đồng thời lại gây ra những rối rắm, trì trệ, trong quản lý điều hành; và là nhân tố quan trọng, trực tiếp hạn chế việc nâng cao năng lực của chính quyền đô thị.

2.2.2. Chưa xác định đúng và rõ chức năng, thẩm quyền của bộ máy chính quyền đô thị trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Điều này thể hiện ở 2 mặt sau:

- Chức năng, thẩm quyền của bộ máy chính quyền đô thị cả của HĐND và của UBND chưa có những đổi mới, điều chỉnh cơ bản cho phù hợp với vai trò, chức năng của nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế tập trung, bao cấp; mà ở đó Chính quyền còn trực tiếp can thiệp vào nhiều việc của thị trường và của người dân, của xã hội dân sự; còn trực tiếp ôm đồm, quyết định nhiều công việc không phải đích thực của chính quyền.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, HĐND và UBND các cấp ở đô thị, kể cả đối với cấp Quận và cấp Phường còn có rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau, trong đó có những nhiệm vụ mang tính chất quản lý kinh doanh và hoạt động dịch vụ, sự nghiệp, những nhiệm vụ của chủ sở hữu, của chủ doanh nghiệp và của người dân. Do vậy khi thực hiện những nhiệm vụ này tất yếu dẫn đến tình trạng Chính quyền làm thay doanh nghiệp, thay người dân, can thiệp vào doanh nghiệp, vào công việc làm ăn của người dân, gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động tự do của các chủ thể kinh tế, chủ thể xã hội, trong khi đó nhịp sống sôi động, khẩn trương ở các đô thị lại đòi hỏi các chủ thể kinh tế, xã hội phải rất khẩn trương, năng động, chủ động, nhanh nhạy trong công việc làm ăn của mình. Chính sự ôm đồm, bao biện, với tay quá mức của chính quyền vào các hoạt động cụ thể của kinh tế - xã hội theo cơ chế cũ với quan hệ mang nặng kiểu xin - cho như trước đây đã làm hạ thấp năng lực và hạn chế hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước cũng như chất lượng, hiệu quả phục vụ dân cư đô thị của các cấp chính quyền đô thị.

 - Chức năng, thẩm quyền của các cấp chính quyền đô thị, theo quy định của pháp luật hiện hành, còn chưa thật sự sát hợp với đặc điểm tính chất của đô thị và của quản lý nhà nước ở đô thị, mà nhìn chung, vẫn còn giống với của các cấp chính quyền vùng nông thôn. Trong khi đó những nhiệm vụ cụ thể của quản lý đô thị, theo quy định hiện hành, đang còn rất mờ, chưa đủ cụ thể và chưa xác định rõ định lượng, định tính của từng nhiệm vụ, chưa rõ chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, cũng như của mỗi cơ quan  trong bộ máy của nó. Kết quả là một việc nhất là những việc liên quan trực tiếp đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng, xây dựng, nhà đất, môi trường,... nhưng lại có rất nhiều cấp chính quyền, nhiều cơ quan trong bộ máy chính quyền cùng tham gia, cùng chỉ đạo, cùng cho ý kiến, nhưng không rõ địa chỉ chính, trách nhiệm chính trong việc giải quyết, và từ đó xảy ra sự nhập nhằng, lấn sân, chậm chạp, tranh công, đổ lỗi, dẫn đến tình trạng làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội ở đô thị. Chính sự thiếu rõ ràng, không cụ thể và chưa thật sát hợp với đặc điểm của đô thị về chức năng thẩm quyền của chính quyền đô thị đã trực tiếp hạn chế và làm suy giảm năng lực của bộ máy chính quyền trong các hoạt động quản lý nhà nước và tổ chức cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị.

2.2.3. Nhận thức và giải quyết vấn đề phân cấp, phân quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ công giữa các cấp chính quyền trong bộ máy chính quyền đô thị đang còn nhiều lúng túng, bất hợp lý, chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị.

Trước hết về mặt nhận thức, do chưa xác định rõ đặc điểm, tính chất tập trung thống nhất cao, tính chỉnh thể, không thể chia cắt của các đô thị, và sự chi phối trực tiếp của nó đến các hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị, nên cách thức phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền, các cấp hành chính trong nội bộ đô thị TP - Quận - Phường về cơ bản vẫn giống như ở các vùng nông thôn Tỉnh - Huyện - Xã. Từ nhận thức còn nhiều mơ hồ đó đã làm cho việc giải quyết trong thực tiễn, cả về mặt thể chế đến tổ chức thực hiện cụ thể các nhiệm vụ  quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị bị phân tán, cắt khúc, chồng chéo, bỏ sót, không đúng với vị trí chức năng của từng cấp chính quyền. Trong đó đáng chú ý là có nhiều công việc đáng lẽ phải do các sở ngành của TP thực hiện thì lại phân cấp cho cấp Quận, Phường trong khi họ, do vị trí, tính chất của từng trung gian trong một đô thị, không thể nào thực hiện được chẳng hạn các Nghị quyết của HĐND cấp Quận, Phường, nói chung không thể hiện được vai trò của một cơ quan quyền lực nhà nước, mà trên thực tế chỉ là nghị quyết đề nghị, kính chuyển lên cấp TP. Mặt khác có những công việc cụ thể có thể giao quyền, uỷ quyền cho cơ quan hành chính cấp dưới thực hiện và họ có thể thực hiện tốt hơn nhưng lại được thực hiện tập trung ở cấp TP, thị xã một số thủ tục, dịch vụ hành chính và giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật trên địa bàn.... Chính sự bất hợp lý, chưa rõ ràng, thiếu mạch lạc trong việc giải quyết vấn đề phân cấp, phân quyền, uỷ quyền, tản quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung ứng dịch vụ công giữa các cấp chính quyền trong nội bộ đô thị đang làm hạn chế, trở ngại cho việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị hiện nay.

2.2.4. Cơ chế vận hành, phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị đang còn chứa đựng nhiều bất hợp lý nhưng chậm được khắc phục, trong đó đáng chú ý là:

- Cơ chế vận hành bộ máy hành chính đô thị chưa thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, đảm bảo tính hệ thống và tập trung, mà còn bị cắt khúc ra thành từng đoạn, theo từng cấp. Điều đó là do ở mỗi cấp đều có sự lãnh đạo, cho ý kiến trực tiếp của cấp uỷ Đảng và của Thường trực HĐND cùng cấp, sau đó lại chờ các kỳ họp định kỳ của UBND để quyết định tập thể. Kết quả là mỗi việc, mỗi quyết định của chính quyền cấp TP, thị xã không được cấp dưới thực hiện một cách nhanh chóng, triệt để, thống nhất. Sự thiếu thống nhất như một hệ thống của hoạt động hành chính, nhất là đối với các đô thị, đang là nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm năng lực, hiệu lực của bộ máy chính quyền đô thị hiện nay.

- Cơ chế điều hành hành chính mang tính tập thể kiểu UB trong nền hành chính nước ta chứa đựng rất nhiều bất hợp lý, cũng đang là trở ngại đáng kể đối với việc nâng cao năng lực của chính quyền nhà nước nói chung và nhất là đối với chính quyền đô thị nói riêng.

Quản lý hành chính là một dạng cụ thể của quản lý, điều hành; mà hoạt động quản lý điều hành, dù trong lĩnh vực nào quân sự, kinh tế, hành chính... theo tính quy luật của nó, đều phải thực hiện theo chế độ thủ trưởng, tức là phải có một người chỉ huy thống nhất như một nhạc trưởng trong dàn nhạc. Với việc thực hiện chế độ tập thể UB trong quản lý hành chính hiện nay, các quyết định chủ yếu, quan trọng nói chung đều phải tập thể UB quyết định, vai trò trách nhiệm, thẩm quyền cá nhân người đứng đầu Chủ tịch UBND rất hạn hẹp. Điều đó một mặt làm cho tính tập trung, thống nhất, nhanh nhạy, quyết đoán trong quản lý điều hành hành chính bị chậm chạp, hạ thấp, mặt khác lại là chỗ dựa cho việc thiếu trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu. Đồng thời trong nhiều trường hợp lại là chỗ dựa cho những ý đồ cá nhân của người đứng đầu được hợp thức hoá dưới danh nghĩa các quyết định tập thể, vì trong thực tế ở nhiều nơi, vai trò của các uỷ viên UB không rõ, thường chỉ là người biểu quyết, hợp thức hoá quyết định của một hai cá nhân người đứng đầu.

Cơ chế làm việc tập thể kiểu UB trong quản lý hành chính hiện nay là một trong những vấn đề bức xúc, đang làm hạn chế, suy giảm đáng kể năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nhưng rất chậm được khắc phục.

2.2.5. Vấn đề năng lực, trình độ chuyên môn và trách nhiệm công vụ, đạo đức công chức đang còn rất nhiều yếu kém, bất cập so với yêu cầu cũng đang là một nguyên nhân quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến năng lực của bộ máy chính quyền đô thị.

Trước yêu cầu mới của công cuộc cải cách, hội nhập hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức nhà nước đang bộc lộ ngày càng rõ hơn, trầm trọng hơn những yếu kém về trình độ, năng lực, về khả năng tư duy mới, cách thức làm việc mới, hiện đại hoá, kỹ năng thực thi công vụ cụ thể, quan hệ giao tiếp với công dân, phẩm chất phục vụ công tâm, liêm khiết, tận tuỵ... Những biểu hiện này càng rõ nét hơn trong một bộ phận cán bộ công chức thuộc bộ máy chính quyền đô thị, đang làm suy giảm lòng tin của người dân đối với chính quyền và làm hạn chế đáng kể năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị.

Trên đây là những nguyên nhân chủ yếu, cũng là những rào cản chủ yếu, xét về mặt thể chế tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đối vơi việc nâng cao năng lực của chính quyền đô thị. Đây thực sự cũng là một số trong nhiều vấn đề bức xúc cần tập trung giải quyết của công cuộc cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay.

Ngoài ra, sự hạn chế về năng lực của Chính quyền đô thị hiện nay còn bị chi phối bởi nhiều nhân tố khách quan, chủ quan khác như: những bất cập trong thể chế quản lý vĩ mô trước yêu cầu mới, bối cảnh mới của đất nước kể cả thể chế quản lý kinh tế, thể chế quản lý xã hội, thể chế hành chính..., trong lãnh đạo, chỉ đạo vĩ mô; trong sự nỗ lực chủ quan của chính bộ máy chính quyền đô thị ... mà trong phạm vi bài viết này chưa có dịp đề cập được.

3. Một số giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực của chính quyền đô thị

Để góp phần nâng cao năng lực của chính quyền đô thị nhằm thực hiện có kết quả, có hiệu lực, hiệu quả chức năng quản lý nhà nước và chức năng tổ chức cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị ở Việt Nam hiện nay, cần phải giải quyết nhiều vấn đề, nhiều nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, cả trên phương diện lãnh đạo, quản lý vĩ mô của Đảng và Nhà nước, cũng như cả trên phương diện vi mô, cụ thể của bản thân từng cấp chính quyền đô thị; cả về các mặt: thể chế, chính sách, pháp luật, cả về cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị nói riêng và của bộ máy chính quyền nhà nước nói chung; cũng như cả về việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy Chính quyền và cả trong Hệ thống chính trị ở đô thị hiện nay.

Xét từ góc độ tổ chức và hoạt động của Chính quyền đô thị, có thể đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:

3.1. Tiếp tục cải cách thể chế tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị trên những vấn đề chủ yếu sau:

- Đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo hướng mỗi đô thị dù lớn hay nhỏ cũng chỉ tổ chức một cấp chính quyền đầy đủ có HĐND và UBND cơ quan hành chính. Theo mô hình này, ở mỗi đô thị chỉ có một cơ quan quyền lực, có vai trò quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đô thị. Điều này phù hợp với đặc điểm, tính chất tập trung thống nhất cao của đô thị, và đến nay đã được ghi nhận chính thức tại Nghị quyết TW5 khoá X Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua. Vấn đề là cần tổ chức thí điểm ở một số loại hình đô thị khác nhau để rút kinh nghiệm, rồi nhân rộng và cần chuẩn bị tốt các điều kiện để sửa Hiến pháp hiện hành.

- Điều chỉnh, đổi mới các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy chính quyền và của mỗi cấp hành chính đô thị phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, với yêu cầu mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, và với thông lệ chung của thế giới ngày nay, theo hướng chung là:

+ Tách chính quyền với doanh nghiệp, loại bỏ các công việc của quản lý sản xuất - kinh doanh trả lại cho chủ sở hữu; đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chức sự nghiệp, dịch vụ công, tập trung vào các nhiệm vụ của quản lý nhà nước ở đô thị, bao gồm: cụ thể hoá, hướng dẫn, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách, pháp luật nhà nước phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi đô thị, kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp chính sách trên địa bàn...

+ Xác định rõ và cụ thể những nhiệm vụ đích thực, riêng có của chính quyền đô thị và của từng cấp chính quyền, từng cấp hành chính, sao cho không lẫn lộn với các nhiệm vụ của chính quyền nông thôn, không chồng chéo, không rõ địa chỉ giữa các cấp chính quyền, các cấp hành chính, nhất là xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi cá nhân trong bộ máy hiện đang rất phổ biến trong các lĩnh vực có liên quan đến quản lý kết cấu hạ tầng đô thị và cung ứng dịch vụ công cộng ở đô thị. Điều này cần phải được soát xét lại một cách cơ bản trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

- Đổi mới chế độ phân cấp, phân quyền, giữa các cấp chính quyền và các cấp hành chính trong nội bộ đô thị.

Do xuất phát từ tính chất tập trung thống nhất cao trong quản lý đô thị nên cần xác định lại việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền, các cấp hành chính trong nội bộ đô thị theo hướng chủ yếu là thực hiện quản lý tập trung thống nhất vào các cơ quan chuyên môn Sở, ngành của TP, thị xã, thông qua các hình thức: Tản quyền theo các khu vực khác nhau trên địa bàn, không nhất thiết theo đơn vị hành chính và Uỷ quyền cho người đứng đầu các cơ quan  hành chính Quận, Phường. Việc không áp dụng hình thức phân cấp trong nội bộ đô thị là do ở các đơn vị hành chính nội bộ đô thị không có HĐND, nên việc phân cấp không có tính khả thi và thiếu một cơ quan có rhẩm quyền quyết định các vấn đề được phân cấp.

Tuy nhiên để tạo điều kiện cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền đô thị, cần phải tiếp tục tăng cường việc phân cấp giữa chính phủ và chính quyền cấp trên cho chính quyền đô thị, nhất là đối với những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng và quản lý đô thị, đến việc tổ chức cung ứng các dịch vụ công, có tính chất đặc thù trên địa bàn đô thị và đến việc liên kết các đô thị trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan với nhau....hiện nay việc phân cấp giữa chính quyền cấp trên đô thị với chính quyền đô thị đang còn nhiều hạn chế và chưa đủ cụ thể, cần sớm được điều chỉnh, bổ sung.

- Nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị theo hướng:

+ Áp dụng thí điểm chế định Thị trường chế định thủ trưởng thay cho chế định Uỷ ban chế định tập thể trong quản lý hành chính ở các đô thị. Điều này cho phép khắc phục được những nhược điểm của chế độ điều hành tập thể, thiếu nhanh nhạy, tập trung, thống nhất, không rõ trách nhiệm người đứng đầu, làm chỗ dựa cho những tiêu cực cá nhân..., phù hợp với quy luật của quản lý điều hành hành chính và với thông lệ chung của các nền hành chính trên thế giới ngày nay. Thí điểm áp dụng chế độ bổ nhiệm người đứng đầu hành chính ở các đơn vị hành chính nội bộ Quận trưởng, Phường trưởng. Không nên duy trì chế định Uỷ ban ở những cấp hành chính nội bộ Quận, Phường như hiện nay, vì thực chất các cơ quan hành chính Quận, Phường chỉ có vai trò như là cách tay nối dài của cơ quan hành chính thành phố, thị xã trên địa bàn với chức năng thực thi một số nhiệm vụ cụ thể của quản lý, kiểm tra, kiểm soát và cung ứng một số dịch vụ hành chính trên địa bàn.

+ Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mối quan hệ giữa HĐND và UBND hoặc Thị trưởng theo hướng: Một là, đảm bảo trên thực tế vai trò quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng của đô thị; Hai là, tăng cường các hoạt động giám sát và giám sát một cách thực chất, có kết quả, có hiệu lực cụ thể như hoạt động chất vấn trực tiếp, bỏ phiếu bất tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu ra, tăng cường hoạt động của các tổ, nhóm đại biểu HĐND thành phố, thị xã ở các đơn vị hành chính nội bộ đô thị Quận, Phường nhằm tăng cường tính thực quyền của HĐND ở các đô thị.

Đổi mới phương thức, lề lối làm việc của hệ thống hàng chính ở đô thị sao cho đảm bảo tốt tính nhanh nhạy, thông suốt, kỷ cương, nghiêm túc theo thứ bậc hành chính, đảm bảo cho các quyết định hành chính có hiệu lực, hiệu quả cao.

3.2. Tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền đô thị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng thực thi công vụ giỏi và đạo đức công chức tốt, có khả năng hoà nhập với các nền công vụ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, cần nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện để thay thế một bộ phận cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu mới và tăng cường việc chuẩn bị, đào tạo một đội ngũ công chức mới theo các tiêu chuẩn, chức danh, cơ cấu phù hợp với yêu cầu hiện đại hoá nền hành chính hiện nay.

3.3. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước cấp trên đối với chính quyền đô thị theo hướng vừa phát huy nhiều hơn tính tự chủ, tự quản của chính quyền đô thị trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể, riêng có của mỗi đô thị, vừa đảm bảo tính thống nhất về thể chế chính sách chung và tăng cường tính kỷ cương, nghiêm minh của pháp luật nhà nước.

     

 Nguồn: TC Xây dựng, số 12/2007

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)