15 năm trước, tổng thu ngân sách trên địa bàn Vĩnh Phúc mới chỉ gần 100 tỷ đồng, giờ đây nguồn thu ngân sách của Vĩnh Phúc là hơn 1.400 tỷ đ/năm. Thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Phúc là 2 nghìn USD, trong khi thu nhập bình quân đầu người của nước ta là 1 nghìn USD. Từ một tỉnh thuần nông, sau 15 năm, Vĩnh Phúc vươn lên Top đầu của cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế (17%) về tổng thu ngân sách, về đời sống của người dân, về tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế.
15 năm trước đây, nói đến Vĩnh Phúc, người ta nhớ đến khoai tây, rau xanh và dưa chuột. Còn giờ đây, nói đến Vĩnh Phúc là nói đến các cơ sở công nghiệp, sắt thép, ôtô, xe máy. Trên mảnh đất Vĩnh Phúc thuần nông ngày xưa giờ đã thấp thoáng bóng dáng một TP công nghiệp hiện đại. Cái áo khoác của Vĩnh Phúc đã trở nên chật chội với một cơ thể đang cường tráng từng ngày, Tỉnh ủy và UBND Vĩnh Phúc đã nghĩ tới việc thay áo mới cho quê hương. Cách đây 5 năm, Ban chấp hành Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có chủ trương quy hoạch lại đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cũng là xây dựng đô thị, nhưng Vĩnh Phúc làm khác các nơi khác. Nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã xây dựng và quản lý đô thị theo kiểu tiểu nông cố hữu. Xây dựng đi trước, quy hoạch lẽo đẽo chạy theo, cứ xây đại nhà cao tầng lên rồi đến lúc giật mình thấy TP kẹt cứng xe cộ, cứ san lấp ao hồ để có mặt bằng xây dựng rồi giật mình thấy TP ngập úng, một trận mưa mỗi con đường hóa một dòng sông. Vĩnh Phúc không làm như vậy. Trong xây dựng đô thị, Vĩnh Phúc coi quy hoạch là cực kỳ quan trọng, quy hoạch phải đi trước một bước. Với tư tưởng đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã thuê một tập đoàn quy hoạch và kiến trúc hàng đầu Nhật Bản, nằm trong Top những tập đoàn đứng đầu hành tinh, khảo sát, nghiên cứu và xây dựng quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lễ công bố đề án quy hoạch này đã được tổ chức vào ngày 15/12/2011, nhân dịp kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc. Trên sa bàn là một TP công nghiệp hiện đại, có hơn 1 triệu dân, với hạ tầng được bố trí hợp lý để chống ùn tắc giao thông và chống úng ngập, chống ô nhiễm một cách triệt để. Vĩnh Phúc trong tương lai là một TP có đại lộ dành riêng cho xe buýt nhanh, có những tuyến đường tàu điện nhẹ, có hệ thống thoát nước hiện đại, có ao hồ và những thảm cây xanh để giữ bầu không khí trong lành cho TP. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một tỉnh mời chuyên gia nước ngoài làm quy hoạch tổng thể. Trong tương lai gần sẽ có một tỉnh thuần nông trở thành đô thị, đó là TP Vĩnh Phúc. Đây là tâm huyết, là tầm nhìn xa của lãnh đạo Vĩnh Phúc. Các anh ở Sở Xây dựng Vĩnh Phúc kể với tôi rằng: Trong suốt nhiệm kỳ 5 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, đồng chí Trịnh Đình Dũng hình như ngày nào cũng nghĩ về việc quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc. Làm việc với chúng tôi, câu hỏi đầu tiên của đồng chí Bí thư là: “Việc quy hoạch đã tiến hành đến đâu rồi? Các chuyên gia Nhật Bản có đề xuất gì mới không?”. Việc quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc luôn là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo Vĩnh Phúc. Trong bữa cơm thân mật ở khách sạn Sông Hồng, ông Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng nói với tôi: “Muốn xây dựng đô thị cho ra hồn thì phải làm quy hoạch thật cơ bản. Mới đây, tôi hỏi Sở Xây dựng: “Năm 2011, các anh có tiêu hết 100 tỷ không? Câu trả lời là: “Chỉ tiêu được 50 tỷ thôi”. Với công tác quy hoạch tỉnh không tiếc tiền, miễn là phải làm cho tử tế, vì bao thế hệ con cháu chúng ta sẽ sống trên TP này. Làm quy hoạch là lo một cách căn bản cho tương lai”.
Rời khỏi những cánh đồng rừng già và những thung lũng rậm rạp, tổ tiên ta tiến về đồng bằng, đến núi Nghĩa Lĩnh thì dừng lại lập đô và dựng nên nhà nước Văn Lang. Các Lạc hầu, Lạc tướng gan góc tiến về phía mặt trời mọc, đi một bước lại đắp một quãng đê ngăn lũ. Con đê sông Hồng như cánh tay gan góc của người Việt vươn về phía trước, kéo từ đáy biển lên một miền châu thổ rực rỡ phù sa. Ý chí ấy bắt đầu từ núi Nghĩa Lĩnh. Cánh tay gan góc ấy bắt đầu từ vùng Bạch Hạc, Vĩnh Tường, Phúc Yên. Những người dám đi xa tất biết nhìn xa. 45 năm trước đây, trên cái nôi Vĩnh Phúc xuất hiện một Bí thư Tỉnh ủy có tầm nhìn lịch sử, đó là ông Kim Ngọc. Dân tộc Việt có 4 nghìn năm xây dựng và trưởng thành thì cả 4 nghìn năm đói ăn. Cái đói của người Việt đã thấm vào tận ca dao tục ngữ. Nếu không đói ăn sẽ không có giấc mơ: “Bao giờ cho đến tháng Mười, bát cơm đầy con cá bắc ngang”. Nếu không đói ăn, người Việt đã không phải dặn nhau: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Bí thư Kim Ngọc đã phát kiến ra một phương thức quản lý mới - khoán đến hộ trong sản xuất nông nghiệp. Đây là cách quản lý ưu việt nhất, vì nó giải phóng tối đa sức đất, sức người và khi được Bộ Chính trị cho thực hiện trên toàn quốc vào năm 1991 thì lập tức cả nước ta thoát khỏi nạn đói kinh niên và trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực thứ nhì thế giới. Đó là một tầm nhìn lịch sử.
Bây giờ tầm nhìn mới của người Vĩnh Phúc đã đưa một vùng quê thuần nông rũ bùn đứng dậy, làm nên những KCN, những KKT phát triển với tốc độ cao. Vào giữa thế kỷ XXI này, trên đất nước Việt Nam sẽ xuất hiện một TP công nghiệp hiện đại, văn minh, vì sự phồn vinh và hạnh phúc của mỗi con người. Đó là TP Vĩnh Phúc. Các thế hệ lãnh đạo Vĩnh Phúc đã nghĩ tới điều đó và lo chuẩn bị cho điều đó ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh. Sự phát triển của một con người là rất hữu hạn, dài là 60 năm, ngắn hơn là một nhiệm kỳ lãnh đạo, nhưng sự phát triển của một con người có thể trở thành lâu dài khi biết nhìn xa về phía trước để lo cho nhân dân mình, đồng bào mình. Với mỗi cuộc đời bình thường, để có nhịp điệu chỉ cần có tình yêu, cuộc sống là đủ. Nhưng với một miền quê thuần nông như Vĩnh Phúc để có được nhịp điệu tăng trưởng như hiện nay thì những người lãnh đạo phải tư duy, phải chắt chiu ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh. Đó là tầm nhìn Vĩnh Phúc.
Cử tri của một TP lớn đã hỏi các đại biểu Quốc hội rằng: “Bao giờ thì hết ùn tắc giao thông? Bao giờ thì TP hết úng ngập?”. Đó là những câu hỏi rất đáng trân trọng. “20 năm sau, 50 năm sau, con cháu chúng ta sẽ được sống một cuộc sống như thế nào?”. Đó là những câu hỏi không hề tầm thường mà còn đầy trách nhiệm. Hỏi như thế là vẫn còn lo nghĩ cho mọi người, cho mai sau. Hỏi như thế là còn gắn bó máu thịt với quê hương, với đất nước. Nếu không hỏi gì, sống dửng dưng, nghĩa là trái tim đã băng giá rồi. Các thế hệ lãnh đạo Vĩnh Phúc đã thấu hiểu những câu hỏi nóng hổi ấy và đã chuẩn bị trước cho quê hương mình một chặng đường, một tương lai đến năm 2030.
Tôi rời Vĩnh Phúc về Hà Nội, thầm mong ước rằng mình sống thêm vài chục năm nữa, để lúc đó, được đứng trên những tòa nhà chen chúc ở Hà Nội, bắc ống nhòm, ngắm nhìn TP công nghiệp Vĩnh Phúc - cái TP mà hôm nay tôi đã được nhìn thấy trên sa bàn.
Theo : Báo Xây dựng điện tử