Dự án Khu Đô thị du lịch biển Bình Sơn có diện tích 25 ha, tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng, Khu đô thị Đông Bắc (khu K1) nằm ở Quảng trường 16/4 TP. Phan rang - Tháp Chàm trên diện tích 60 ha, vốn đầu tư 900 tỷ đồng đều do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thành Đông làm chủ đầu tư là những dự án tiếp tục được Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 (vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) xác định là hạt nhân cho mục tiêu phát triển hạ tầng đô thị cho TP. Phan Rang - Tháp Chàm trở thành thành phố biển nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nói vậy là bởi hai dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 9-10/2010 theo Quy hoạch chi tiết Khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ, trước khi quy hoạch mới của Ninh Thuận được phê duyệt, có nghĩa là, rất có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu bản quy hoạch mới được xác định theo hướng khác.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những lo ngại này, ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng ban Kinh doanh (Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thành Đông) cho biết, ngay trong giai đoạn thực hiện nghiên cứu xây dựng quy hoạch mới, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có những cam kết đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư hiện hữu. “Chúng tôi đã nhận được đúng như những gì lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cam kết. Chính điều này khiến các nhà đầu tư cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng một cách nghiêm túc”, ông Cường chia sẻ và thông tin thêm là, Dự án Khu đô thị du lịch biển Bình Sơn đã bắt đầu giai đoạn mở bán khu thương mại, còn Dự án Khu đô thị Đông Bắc vừa được khởi công vào quý III/2011, bất chấp tình hình thị trường bất động sản đang trong thời điểm vô cùng khó khăn và nhạy cảm.
Cũng phải nói thêm rằng, trong buổi Họp báo về Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011 sẽ diễn ra vào ngày 10/12 tới, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng khẳng định, phát triển hạ tầng đô thị và hạ tầng thương mại là các bước đi ưu tiên trong việc thực hiện quy hạch lại TP. Phan Rang - Tháp Chàm thành đô thị loại hai. “Cũng tương tự như ngành giáo dục - đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản được xem là 2 ngành phụ trợ để phát triển 4 nhóm ngành ưu tiên của Ninh Thuận, gồm: năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến”, ông Thanh nói.
Có nghĩa là, đến cuối năm 2013, khi hai dự án này đi vào hoạt động, với vị trí đắc địa, cũng như quy mô của dự án, sau khi hoàn thành, các khu vực chính của dự án là công viên biển (gồm khu vui chơi giải trí và khu vườn tượng), khu đô thị du lịch biển (các khách sạn cao cấp, căn hộ và biệt thự biển) và khu đô thị xanh sẽ đem đến diện mạo mới cho TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Không chỉ tạo điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch Ninh Thuận, mà còn tạo môi trường sống tốt, thân thiện cho nguồn nhân lực thực hiện các dự án nhà máy điện hạt nhân, cũng như các công trình ưu tiên trong phát triển năng lượng sạch, công nghiệp - nông nghiệp sạch của Ninh Thuận theo đúng quy hoạch mới.
Quan điểm của Ninh Thuận trong định hướng phát triển đô thị, theo ông Thanh, là tận dụng lợi thế về địa kinh tế hình thành các khu đô thị tập trung, có quy mô hợp lý, hình thành các trung tâm kinh tế của từng vùng, đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu nông thôn, xây dựng nông thôn mới và đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ. “UBND tỉnh sẽ tập trung phát triển các khu đô thị cao cấp ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm để xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, là đô thị hạt nhân của các khu vực xung quanh thành phố, đầu mối giao thông liên vùng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Theo Báo Đầu tư