5 năm gần đây, Hà Nội đã huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Thời điểm hiện tại, thành phố đã có 7 huyện, thị xã được công nhận và 6 huyện khác đang trình Trung ương hồ sơ thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới. Bước sang chặng đường mới, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục khơi gợi, huy động thêm các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...
Nhờ huy động vốn từ nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Lâm đã mang diện mạo khang trang, đời sống người dân được nâng lên. Trong ảnh: Xã Yên Thường đã “thay da, đổi thịt” trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Quang
Đa dạng nguồn vốn
Góp phần xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Ngô Mạnh Sinh, thôn Phượng Vĩ, xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) đã hiến hơn 11m2 đất thổ cư, đồng thời tháo dỡ bức tường cổ, chấp nhận thiệt thòi về mình để địa phương mở rộng đường giao thông vì lợi ích của cộng đồng. Từ nhiều người hiến đất như gia đình ông Sinh, đến nay, thôn Phượng Vĩ đã có con đường khang trang, sạch đẹp và xã đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) đã đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa. Chủ tịch UBND xã Đặng Quang Duy cho biết: Từ năm 2012 đến nay, xã huy động được hơn 130 tỷ đồng cho mục tiêu này, trong đó có hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa... Không chỉ người dân đang sống ở địa phương mà những người đã thoát ly, lập nghiệp ở nơi khác cũng hướng về quê hương xây dựng nông thôn mới. Điển hình như ông Nguyễn Hữu Lực, người địa phương hiện đang sinh sống ở quận Hoàng Mai đã ủng hộ 230 triệu đồng để cải tạo nghĩa trang nhân dân.
Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô thì cho biết: Do nguồn lực hạn hẹp nên trong hai năm 2018 và 2019, xã Tam Đồng và Tự Lập (huyện Mê Linh) vẫn gặp khó đối với nhiều tiêu chí nông thôn mới. Sau đó, được sự hỗ trợ của các quận nội thành, hai xã đã xây dựng được trường học và nhà văn hóa đạt chuẩn. Cuối năm 2020, Tam Đồng và Tự Lập - 2 xã cuối cùng của huyện đã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo tổng hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2015-2020, Hà Nội đã dành hơn 61.200 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách do doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp là hơn 4.812 tỷ đồng. Đáng chú ý, 12 quận của thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 686 tỷ đồng.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời đó, các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, về đích nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội đã có 7 huyện, thị xã được công nhận và 6 huyện khác đang trình hồ sơ để Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cơ bản các xã đã được công nhận và đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Làng quê xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) sạch, đẹp.
Tiếp sức cho chặng đường mới
Bước sang chặng đường mới 2021-2025, Hà Nội xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với các tiêu chí cao hơn và đòi hỏi nguồn vốn cũng phải nhiều hơn. Trong khi đó, Hà Nội vẫn còn một số huyện vùng sâu, vùng xa, huyện thuần nông có nguồn thu hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí ngân sách theo phân cấp địa phương và huy động nguồn vốn xã hội hóa cho việc xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết: Chưa thể phát triển công nghiệp, dịch vụ nên nguồn thu ngân sách của huyện còn hạn chế, huy động vốn xây dựng nông thôn mới luôn là một vấn đề lớn. Hiện tại, Mỹ Đức còn 6/21 xã chưa đạt tiêu chí nông thôn mới do trường học, nhà văn hóa, đường giao thông chưa bảo đảm... Huyện Mỹ Đức rất cần sự hỗ trợ nguồn lực từ thành phố. Đây cũng là mong mỏi chung của nhiều địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: Tiếp sức cho công tác xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến huy động tổng vốn đầu tư là 89.000 tỷ đồng. Mới đây, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về việc cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn xây dựng nông thôn mới (theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội). Đến nay, 4 quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đã đề xuất hỗ trợ cho 5 huyện khó khăn là Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Việc này không chỉ góp phần giúp các huyện về nguồn vốn xây dựng nông thôn mới mà còn thể hiện sự tương trợ, gắn kết giữa các quận, huyện trên địa bàn thành phố...
Tuy nhiên, mỗi địa phương cũng cần chủ động huy động nguồn vốn cho chương trình này. Chủ tịch UBND xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) Đặng Quang Duy cho biết: Xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Để huy động được nhiều nguồn vốn, địa phương đã tính đến phương án phát huy nội lực như tích cực tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp chung sức thực hiện các công trình phúc lợi công cộng; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư để cho thuê đất, từ đó tăng nguồn thu ngân sách địa phương, có vốn đối ứng trong xây dựng nông thôn mới.
Những thành công trong xây dựng nông thôn mới những năm qua rất đáng được ghi nhận. Trên chặng đường mới, với sự hỗ trợ của thành phố, sự chung sức của các quận nội thành và những nỗ lực của các địa phương cũng như từng người dân, chắc chắn Hà Nội sẽ có nguồn lực để đạt kết quả cao hơn trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.