Sáng 21/12 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch tổ chức tọa đàm Góc nhìn báo chí, truyền thông về xây dựng nông thôn mới.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn, nông nghiệp trên cả nước đã có sự khởi sắc nhất định. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có hiệu quả, tạo điều kiện phát triển sản xuất, đời sống của nông dân từng bước nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững. Các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư, triển khai thực hiện góp phần đổi mới diện mạo nông thôn.
Tọa đàm Góc nhìn báo chí, truyền thông về xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, báo chí đã phản ánh được không khí chung tay xây dựng nông thôn, cung cấp cho độc giả một cái nhìn sinh động, toàn cảnh trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương; phản ánh được không khí phấn khởi, vào cuộc với những bài viết sâu sắc, có ý nghĩa và sức lan tỏa tích cực, rộng rãi, thể hiện được quyết tâm của Đảng, nhà nước trong thực hiện một chương trình của Quốc gia, góp phần tạo nên những chuyển biến sâu sắc về nhận thức, khơi dậy tiềm năng, nỗ lực vượt qua khó khăn, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội chung sức, đồng lòng trong công tác xây dựng nông thôn mới. Song nhìn nhận một cách khách quan, thì tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên các ấn phẩm báo chí thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương đánh giá vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong việc song hành với chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho người nông dân hiểu được chủ trương của, chính sách của Nhà nước, đồng thời các cơ quan quản lý nhà Nước từ đó cũng nắm bắt được những thông tin thiết thực, có được góc nhìn đa chiều. Trước đây, các cơ quan quản lý Nhà nước phụ thuộc nhiều vào báo cáo hành chính của các cơ quan cơ sở, mà trong các báo cáo, chỉ thấy “màu hồng”.
“Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, báo chí, truyền thông cần phải có sự chuyển mình. Nếu như giai đoạn 2010-2015, việc tuyên truyền xây dựng nông thôn mới phụ thuộc nhiều vào báo chí truyền thống, báo giấy, ít tương tác, giai đoạn 2016-2020, báo chí chuyển dần sang đa phương tiện, đa chiều, nhiều báo mạng ra đời có tính tương tác cao. Bên cạnh đó là sự phát triển của mạng xã hội, nhiều luồng thông tin đến với người dân chưa được kiểm chứng, tạo những nhận thức sai lệch. Báo chí chính thống phải đẩy mạnh tương tác xã hội, hạn chế những thông tin không chuẩn xác”.
Ông Lê Hân,Trưởng Ban Hội và Tam nông - Báo Nông thôn ngày nay chia sẻ: “Những tác phẩm báo chí viết về xây dựng nông thôn mới trước hết dành cho những người nông dân – chủ thể của chương trình. Nông dân thời đại 4.0 khác rất nhiều so với ngày xưa. Tự mỗi cơ quan truyền thông, mỗi nhà báo phải tự thay đổi mình. Những bài viết, những bản tin không thể dài lê thê mà phải sinh động, hấp dẫn, nhiều hình ảnh ở những góc độ khác nhau. Hay nhất là có những clip minh họa dễ hiểu, dễ hình dung. Nội dung tuyên truyền chú trọng cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng”.
Nhà báo có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách đến với đông đảo quần chúng nhân dân. Đối với đại bộ phận người dân trình độ không đồng đều, để tuyên truyền một cách dễ hiểu và dễ dàng thực hiện, phóng viên phải tích cực đi cơ sở, thâm nhập thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, bài viết mới sinh động, thiết thực, mang hơi thở cuộc sống. Báo chí phải tạo ra diễn đàn để bạn đọc, các nhà quản lý, nhà chuyên môn, người nông dân chia sẻ những quan điểm suy nghĩ, ý kiến, kinh nghiệm… trong xây dựng nông thôn mới.