Xây dựng nông thôn mới thực sự trở thành phong trào sôi động rộng khắp

Thứ hai, 07/11/2016 14:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào sôi động rộng khắp cả nước; làm “thay da đổi thịt” khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Sau khi nghe Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” trong phiên họp toàn thể tại hội trường ngày 4/11, Quốc hội đã thảo luận về nội dung này.

Ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu nhận định, từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng thôn, xã đã phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương…

“Chưa có phong trào nào lại sôi động và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận lớn của người dân như vậy”, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá.

Cũng chung nhận định như trên, các đại biểu: Đặng Hoàng Tuấn (Long An), Đặng Hoài Tâm (Bình Định), Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn)… cho rằng Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào sôi động rộng khắp cả nước; làm “thay da đổi thịt” khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; có những tác động tích cực đến mọi mặt đời sống đời sống người dân nông thôn, tạo luồng sinh khí mới cho khu vực nông thôn cũng như giảm khoảng cách phát triển giữ khu vực nông thôn với khu vực đô thị…

Cùng với khẳng định những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới như sự phát triển không đồng đều tại các vùng, miền, cơ chế, chính sách có nhiều điểm không phù hợp, chưa mang tính đột phá, nhất là trong khâu tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất, bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp, khắc phục rủi ro thị trường…

Nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Chương trình còn chưa đảm bảo. Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc ban hành các chính sách thiếu đồng bộ, còn mang tính biệt lập theo quản lý ngành. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn hạn chế. Một số địa phương, triển khai thực hiện chậm, thiếu sáng tạo, chưa phù hợp với tình hình thực tế; có địa phương quá nóng vội trong triển khai thực hiện dẫn đến nợ đọng lớn...

“Chúng ta cần tập trung mạnh vào phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Tư tưởng phô trương, chạy theo thành tích có còn phù hợp không? Đặt câu hỏi như vậy, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế như vậy để chúng ta có các giải pháp khắc phục, bảo đảm cho Chương trình được thực hiện toàn diện, hiệu quả trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nêu vấn đề.

Đề cập tới những vấn đề cụ thể, nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh quan điểm Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế-xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài tại nông thôn, cần sự tập trung cao độ, thực hiện kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể.

Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận cao và đồng sức, đồng lòng thực hiện; phải thực sự phát huy vai trò làm chủ của người dân. Đồng thời, phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.

Một số ý kiến đề nghị xây dựng nông thôn mới phải phát huy cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh nôn nóng thực hiện để đạt thành tích. Thường xuyên tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, phổ biến mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến để nhân rộng.

Đại biểu Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) nhận định vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân giai đoạn tới vẫn tiếp tục có khó khăn với những mâu thuẫn lớn, cụ thể trong nông nghiệp là sản xuất nhỏ nhưng thị trường lớn; đầu tư thấp, rủi ro cao; đối với nông thôn là vấn đề hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; đối với nông dân là thiếu vốn, lúng túng trong xây dựng thương hiệu.

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang), đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) đề nghị cần tiếp tục quan tâm hơn trong dành ưu tiên nguồn lực thỏa đáng cho thực hiện Chương trình. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ nút thắt trong tích tục ruộng đất; bảo đảm tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò hợp tác xã là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với nông dân.

“Phải hết sức tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích, chạy theo hình thức… mà biểu hiệu ở đây là huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, nợ tiêu chí…”, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) đặt vấn đề.

Cùng chung quan điểm nêu trên, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng trong phân bổ ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương cần hết sức quan tâm đến bảo đảm tính công khai, minh bạch đi liền với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những vi phạm.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển khu vực nông thôn, chính sách khuyến khích đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn; thực hiện tốt công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với việc thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn... cũng là những nội dung lớn được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội trường.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)