Thanh Trì đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 03/11/2016 14:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của các ban, ngành và sự vào cuộc, chung sức của bà con, đến nay, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) của huyện Thanh Trì đã thực sự trở thành khâu đột phá với nhiều kết quả quan trọng.

Giao thông nội đồng xã Đại Áng được kiên cố hóa

Xác định khâu đột phá…

Chia sẻ với phóng viên, ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ huyện đã lựa chọn xây dựng NTM là một trong ba khâu đột phá trọng tâm, vì vậy huyện Thanh Trì đã chủ động xây dựng chương trình và kịp thời thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo huyện. Đồng thời chỉ đạo các xã kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban quản lý và các Tiểu ban quản lý xây dựng NTM tại các xã, thôn.

Bên cạnh đó, huyện cũng đưa ra nhiều Nghị quyết nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM như: hỗ trợ phát triển kinh tế và công tác dồn điền đổi thửa, hỗ trợ đầu tư các tuyến đường trục giao thông rộng trên 3,5m hay ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các xã khó khăn. Đồng thời tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết của các phòng ban, UBND các xã đã kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mặt khác, huyện cũng xây dựng Kế hoạch hàng năm và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện, phân công cụ thể từng đồng chí trong Thường trực và Ủy viên UBND huyện trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng NTM tại các xã. Thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống các xã để chỉ đạo, hướng dẫn để giúp xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ngay tại cơ sở.

… đến những trái ngọt

Chính vì vậy, sau hơn 5 năm phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, đến nay huyện Thanh Trì đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, về phát triển nông nghiệp, huyện Thanh Trì đã duy trì, phát triển các vùng sản xuất tập trung, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Đồng thời bố trí kinh phí để hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định cũng như có chính sách hỗ trợ kịp thời để khắc phục thiệt hại do thiên tai, khôi phục sản xuất.

Đến nay huyện đã hình thành và duy trì được được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung, với diện tích gieo cấy trung bình trên 1.000 ha/năm. Đồng thời tích cực đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất, giúp giải phóng sức lao động của nông dân, đẩy nhanh thời gian giải phóng đất, đảm bảo kịp thời mùa vụ.


Áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp mang lại hiệu quả cao

Hiện trên địa bàn huyện có 2 xã sản xuất rau an toàn là Yên Mỹ và Duyên Hà, với diện tích gieo trồng rau các loại trên 1.000 ha/năm, trong đó, diện tích sản xuất rau được cấp GCN đủ điều kiện sản xuất rau an toàn là 140,8 ha. Để xây dựng NTM, huyện Thanh Trì cũng tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhờ vậy trong hơn 5 năm đã chuyển đổi được 97 ha từ ruộng sản xuất kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng duy trì, phát triển các diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích bình quân đạt khoảng 850ha/năm, sản lượng bình quân ước đạt 3.500 tấn/năm. Đồng thời hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung 235 ha tại các xã: Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Tam Hiệp, Đại Áng… , với năng suất bình quân đạt 8 -9 tấn/ha cao hơn so với năng suất bình quân toàn huyện từ 4-5 tấn/ha.
Trong xây dựng NTM, đến nay toàn huyện đã có 15 xã hoàn thành xây dựng NTM được thành phố công nhận và đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Trung ương đề nghị công nhận huyện Thanh Trì đạt huyện NTM.

Trên các tuyến đường trục chính, huyện đã quan tâm tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ theo hướng đô thị, tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi kết nối giữa các xã, thôn và huyện với thành phố. Đồng thời tập trung cải tạo, đào đắp, nạo vét được 112 km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất; kiên cố hóa, cứng hóa được 51,25/60 km (tăng 19,41% so với năm 2010). Nhìn chung hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất và đảm bảo tiêu, thoát nước trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, 100% các xã có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện. Trong 5 năm qua đã xây dựng mới 6 trạm biến áp, với tổng giá trị đầu tư trên 4,64 tỷ đồng, thực hiện duy tu cải tạo lưới điện hàng năm bình quân 4 tỷ/năm.

Hệ thống trường học cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Đến nay huyện đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 24 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia toàn huyện lên 51 trường, đạt tỷ lệ 80%.


Nhờ xây dựng NTM, Thanh Trì đã nâng tổng số trưởng đạt chuẩn Quốc gia lên 51 trường

Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các chương trình, Đề án công tác trọng tâm theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và nâng cao thu nhập cho người dân nên đến nay, đời sống vật chất của người dân đã từng bước được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người ước tính đến tháng 9/2016 là 33,4 triệu đồng/người, tăng hơn 19 triệu đồng so với năm 2011. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm, chăm lo. Bình quân trong hơn 5 năm qua đã đào tạo được việc làm cho trên 3.000 lao động/năm, tăng so với bình quân những năm trước đây khoảng 600 lao động/năm.

Đời sống tinh thần của nhân dân đó từng bước được nâng cao: Hệ thống nhà văn hóa các thôn được chú trọng đầu tư, tạo ra các điểm vui chơi, sinh hoạt lành mạnh cho người dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Quan tâm triển khai thực hiện Đề án khôi phục các điệu múa cổ, múa dân gian, Đề án phát triển thể thao thành tích cao huyện Thanh Trì giai đoạn 2010 - 2015.

Duy trì thành quả

Tuy nhiên, ông Đặng Đức Quỳnh cho biết, dù đạt được nhiều kết quả, song công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa cao hiệu quả cao. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong xây dựng NTM, còn tư tưởng trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách. Mặt khác, việc phát triển kinh tế chưa tạo được điểm nhấn, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã cũng thấp.

Chính vì vậy, từ nay đến hết năm 2016, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục cố gắng duy trì và nâng cao chuẩn các tiêu chí xây dựng NTM tại 15/15 xã, hoàn thành việc công nhận, duy trì huyện đạt chuẩn NTM. Thường xuyên gắn việc duy trì các tiêu chí xây dựng NTM với thực hiện tốt trật tự và văn minh đô thị.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ. Đồng thời tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tích cực cải thiện chất lượng môi trường. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Cùng với đó là việc thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ; củng cố, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. Phát triển thương mại dịch vụ theo hướng vừa tập trung, vừa phân tán. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ nông thôn và tiếp tục duy trì, phát triển các cụm cụng nghiệp, làng nghề truyền thống.


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)