CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT
Là một tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, địa hình hiểm trở, tài nguyên không dồi dào, lợi thế cạnh tranh không cao, trong tỉnh có 11 huyện, thành phố thì có tới sáu huyện thuộc diện huyện nghèo, nhiều khó khăn được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, ở tỉnh địa đầu của đất nước đa phần người dân sống ở vùng nông thôn, miền núi với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu (chủ yếu là sản xuất nhỏ, lẻ) sản phẩm thiếu sức cạnh tranh nên giá trị không cao. Đồng chí Thào Hùng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: “Xây dựng nông thôn mới vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cấp ủy, chính quyền và người dân Hà Giang. Và Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU ngày 28-4-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang đến năm 2020 chính là đường hướng cho mọi nỗ lực phấn đấu của hệ thống chính trị. Cùng với sự giúp đỡ hỗ trợ từ T.Ư, sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, kết quả ngày hôm nay: Toàn tỉnh có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước”.
Để có được kết quả đó, ngay từ khi mới triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng điểm: Việc thành lập ban chỉ đạo chương trình từ tỉnh đến cơ sở do người đứng đầu cấp ủy làm trưởng ban; thành lập cơ quan chuyên trách Văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh, gắn xây dựng NTM với xây dựng làng văn hóa du lịch, thực hiện chương trình quy tụ, sắp xếp, ổn định dân cư. Đồng thời triển khai sâu rộng phong trào thi đua "Chung sức xây dựng NTM", huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tối đa nội lực trong nhân dân, với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau, việc không cần nhiều tiền làm trước, việc cần nhiều tiền làm sau” tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng NTM, 100% các xã trên địa bàn đều tổ chức ký giao ước thi đua với thôn, bản và hộ gia đình. Mỗi huyện, thành phố lại có cách làm riêng, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tế địa phương, điển hình như: Huyện Vị Xuyên có kế hoạch triển khai với chủ đề “ Huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM, tổ chức lại sản xuất, làm đường giao thông” và chỉ rõ 15 việc của xã, 16 việc của thôn và nhân dân trong chương trình xây dựng NTM, hình thành mô hình Hội đồng quản lý và phát triển thôn ở xã Việt Lâm (nay là Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông lâm nghiệp thôn Chang, xã Việt Lâm); thành phố Hà Giang ban hành và triển khai thực hiện “Chín việc của hộ gia đình, bảy việc của thôn, tám việc của xã”; huyện Quang Bình với chủ đề “Một trọng tâm, ba đột phá, ba xã điểm, một làng mới, mỗi thôn gắn với chương trình 5 cây”; huyện Bắc Quang có mô hình quản lý “Thôn tự chủ, tự quản”; huyện Xín Mần với mô hình “Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp”; huyện Hoàng Su Phì phát huy vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động…
QUAN TÂM ĐẦU TƯ HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Thông qua cách làm với các mô hình sáng tạo nêu trên, các địa phương đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Hà Giang. Qua 5 năm thực hiện chương trình, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn được cải thiện khá rõ; công tác khuyến nông, dạy nghề, tập huấn cho nông dân được duy trì; cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp có bước tiến đáng kể; hình thành mới 864 tổ hợp tác sản xuất; triển khai thực hiện được trên 568 mô hình phát triển kinh tế, nhiều xã đã xây dựng phương án liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ… Bên cạnh việc phát triển các mô hình sản xuất, nhiệm vụ tái cơ cấu, đổi mới quy mô sản xuất được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đến nay, đã có nhiều mô hình và cách làm hiệu quả trong tổ chức lại sản xuất như việc thành lập các tổ quản lý điều hành sản xuất tại thôn bản, phát triển các nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp và dịch vụ được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả... Các nhân tố mới, mô hình điểm, cách làm hay được kịp thời tổng kết và nhân rộng, như: Mô hình nhà sạch - vườn đẹp, đầu tư có thu hồi để tái đầu tư, phong trào hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng, xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới... Khu vực nông thôn có nhiều thay đổi, tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu của người dân được nâng lên.
Từ sự linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, cộng với sự huy động sức dân một cách hài hòa, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân... nên việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn vùng cao Hà Giang đã đạt được kết quả nhất định. Phong trào phát triển giao thông nông thôn được nhân dân hưởng ứng tích cực, công tác xã hội hóa trong xây dựng đường giao thông nông thôn được đánh giá có hiệu quả. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách và từ công tác xã hội hóa, các huyện, thành phố đã thực hiện xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống trường học các cấp và bổ sung trang thiết bị dạy học bảo đảm điều kiện dạy và học của giáo viên, học sinh các cấp; các nhà văn hóa thôn đã được nhiều địa phương quan tâm xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp bảo đảm tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Đồng thời, đầu tư phát triển chợ nông thôn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân trong khu vực. Do nguồn vốn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng và cải tạo, nâng cấp các chợ khu vực nông thôn đã được các địa phương quan tâm và có cách triển khai huy động hiệu quả, như: Huy động đóng góp xã hội hóa của các doanh nghiệp, cá nhân và các tiểu thương tại các chợ nông thôn. Hiện nay, hầu hết các khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông phổ cập; các trạm y tế xã được sửa chữa, nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị và bổ sung y, bác sĩ bảo đảm đạt chuẩn theo quy định.
Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đã góp phần thúc đẩy lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển. Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được triển khai rộng khắp. Các giải pháp để giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi được tăng cường. Công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lý tưởng, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, ý thức trách nhiệm xã hội đối với học sinh, sinh viên được đưa vào giảng dạy trong các hệ thống giáo dục của tỉnh. Hệ thống trường học đã được xây dựng và phát triển, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc. Chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng cao. 100% số trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực có bác sĩ công tác (thường trú tại xã 80, luân phiên 115), công tác phòng, chống dịch bệnh ở người được giám sát chặt chẽ, không có dịch bệnh xảy ra. Tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ ước đạt 50,03% (đạt 77% so với 100% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020). Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nếp sống văn minh được phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức. Các di tích lịch sử, văn hóa từng bước được đầu tư, trùng tu, tôn tạo từ nhiều nguồn vốn. Các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng, các lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Nhiều làng nghề dệt thổ cẩm, rèn đúc, nấu rượu... hoạt động có hiệu quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GẮN VỚI NÂNG CAO DÂN TRÍ
Cùng với việc phát triển kinh tế, vấn đề môi trường đã được quan tâm triển khai, như: Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật về tài nguyên, môi trường, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng phổ biến các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất trong chăn nuôi; chống lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác nông nghiệp; hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hóa chất. Bước đầu các xã NTM đã triển khai thực hiện được công tác tuyên truyền việc thu gom và xử lý rác tại các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong những năm vừa qua, Hà Giang quan tâm việc tuyên truyền vận động bà con thực hiện quy chế mới trong tổ chức đời sống văn hóa ở cơ sở. Từng bước đưa quy chế thực hiện việc cưới, việc tang vào đời sống thôn, bản, khu dân cư, vận động cán bộ nhân dân tích cực tham gia. Từng bước đẩy lùi các hủ tục, tập tục cũ lạc hậu. Nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của ngành điện trong xây dựng NTM, Công ty Điện lực Hà Giang đã đưa điện lưới quốc gia đến 195/195 xã, đạt tỷ lệ 100% số xã sử dụng điện, dẫn đầu các tỉnh biên giới phía bắc. Thạc sĩ Hoàng Văn Thiện, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang cho biết: “Với một địa bàn rộng, điều kiện thi công, và quản lý lưới điện khó khăn phức tạp, song cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực Hà Giang đã nỗ lực, cố gắng sớm hoàn thành việc đưa điện lưới quốc gia đến các xã, thôn, bản, tạo điều kiện để bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang có điện phục vụ sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho các hộ dân”.
Nhờ có điện mà đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, phần lớn các hộ gia đình có máy xem truyền hình, nghe đài truyền thanh. Bên cạnh đó là việc Nhà nước cấp phát báo, tạp chí đến tận thôn, bản. Đó cũng là một kênh thông tin chính thống giúp nhân dân vững tin vào Đảng, Nhà nước và không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, nhờ đó mà khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố.
Có thể khẳng định, sau 5 năm tích cực tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 của Thủ tướng Chính phủ và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chương trình xây dựng NTM ở Hà Giang đã đạt được kết quả bước đầu: Đã có tác động tích cực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức của cả hệ thống chính trị về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM. Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khẳng định: “Đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn đã được cải thiện rõ rệt; nhiều địa phương xuất hiện những cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đem lại thu nhập cao, ổn định cho người dân, có mô hình đã được nhân rộng; bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới, khởi sắc đáng kể; cảnh quan, môi trường nông thôn đã xanh, sạch hơn. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng, phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác không ngừng tăng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn tiếp tục được giữ vững. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy”. Kết quả đạt được trong 5 năm qua chính là nền tảng quan trọng để Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm 27 xã hoàn thành 19 tiêu chí NTM, các xã còn lại phấn đấu mỗi xã hằng năm tăng từ 1 đến 2 tiêu chí…
Theo báo Nhân dân điện tử