Huyện Đan Phượng: Quy hoạch đi trước

Thứ sáu, 16/03/2012 16:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Huyện Đan Phượng xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quy hoạch phải đi trước một bước và phải phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững nâng cao mức thu nhập cho người dân. Sau hơn một năm triển khai thực hiện mô hình NTM, tại xã điểm Song Phượng nói riêng, huyện Đan Phượng nói chung đều thu được nhiều kết quả.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra sản xuất cà chua ở Song Phượng.

Xã điểm hanh thông

Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng là một trong 3 xã làm điểm xây dựng NTM của TP Hà Nội. Sau một thời gian triển khai, đến nay, "hình hài" mô hình NTM ở đây đã tương đối rõ nét. Xã đã hoàn thành công tác quy hoạch. Đối với xây dựng hạ tầng, trong số 73 dự án thành phần đã phê duyệt, có 42 công trình đã thi công xong và đưa vào sử dụng. Song Phượng làm mới gần 6km đường liên thôn, xã, kinh phí hơn 29 tỷ đồng. Toàn xã đã xây dựng xong 39/51 tuyến đường ngõ xóm, kinh phí ước tính là 2,75 tỷ đồng; 12 ngõ, xóm còn lại đang xây dựng. Các tuyến đường này nhân dân tham gia góp ngày công và 50% giá trị vật liệu. Cùng với giao thông, hệ thống điện, trường học, chợ nông thôn… cũng được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân. Đặc biệt, nhiều cơ sở vật chất, văn hóa đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng như công trình nhà truyền thống - nhà văn hóa thôn Tháp; hội trường lớn của xã trị giá hơn 16 tỷ đồng; cải tạo 4 ao môi trường ở 4 thôn, kinh phí 19 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn xã hội hóa mua gần 50 ghế đá đặt ở các điểm công cộng). Không chỉ những công trình đầu tư bằng vốn ngân sách, trong gần hai năm qua, 98 hộ dân xã Song Phượng đã xây dựng mới nhà kiên cố, 146 hộ đã nâng cấp, sửa chữa nhà và các công trình vệ sinh, nước sạch với kinh phí trên 65 tỷ đồng. Đối với hộ có hoàn cảnh khó khăn, UBND xã đã hỗ trợ xóa được 10 nhà xuống cấp, trị giá 25 triệu đồng/hộ.

Nhân ra diện rộng

Cùng với xã Song Phượng, trong giai đoạn I (2010-2015), huyện Đan Phượng chỉ đạo xây dựng NTM tại 6 xã khác gồm: Đan Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình, Liên Hồng, Thượng Mỗ, Tân Hội. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho hay, là huyện ven đô, Đan Phượng có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, triển khai xây dựng NTM, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, xây dựng cơ bản phải được quản lý theo quy hoạch. Đan Phượng đã chỉ đạo 15/15 xã lập quy hoạch NTM, đến nay các xã đã hoàn thành và đang trong quá trình chờ cấp trên thẩm định, dự kiến UBND huyện sẽ phê duyệt trong tháng 3. Đến hết năm 2011, huyện Đan Phượng đã lập và phê duyệt được 159 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó triển khai thi công được 129 dự án, 58 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả như đường N4 từ tỉnh lộ 417 đi đê Hữu Hồng, đường N6 từ quốc lộ 32 đi đê Tả Đáy (thôn Thống Nhất, xã Song Phượng), đường N12 từ cầu Trúng Đích (Hạ Mỗ) đi quốc lộ 32… Tổng vốn đầu tư xây dựng các dự án 1.330 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách là 430 tỷ đồng, vốn các doanh nghiệp 610 tỷ đồng, vốn nhân dân đầu tư là 290 tỷ đồng). Mặc dù đang đô thị hóa, công nghiệp hóa khá nhanh, song trong chiến lược lâu dài, Đan Phượng xác định vẫn chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa huyện trở thành vành đai xanh của Thủ đô. Huyện đã chỉ đạo các xã và doanh nghiệp lập và triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp. Trong đó, xã Hạ Mỗ chuyển 30ha đất trồng lúa sang trồng hoa cắt cành, hoa cao cấp, thu nhập 200-500 triệu đồng/ha/năm; dự án hoa 15ha ở xứ đồng Vòng xã Đồng Tháp; 5ha sản xuất rau an toàn tại xã Đan Phượng… Huyện cũng đã liên kết với Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Sông Hồng lập dự án sản xuất hoa cao cấp, rau an toàn vùng bãi sông Hồng tại xã Thọ Xuân, diện tích 23ha; Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội lập dự án sản xuất rau an toàn rộng 84ha tại 3 xã: Song Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình; Công ty Hoa Anh Trí lập dự án sản xuất hoa cao cấp tại xã Đồng Tháp diện tích 15ha...

Mặc dù được BCĐ TP đánh giá là một trong những địa phương thu được nhiều kết quả trong công tác xây dựng NTM, tuy nhiên, để mô hình này "cán đích" đúng thời gian vẫn còn không ít thách thức. Theo kế hoạch, chương trình xây dựng NTM tại xã điểm Song Phượng phải hoàn thành trước năm 2012, đến nay địa phương đã có 16/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt; còn 3 tiêu chí chưa đạt và khó thực hiện là: Bình quân thu nhập đầu người, tỷ lệ hộ nghèo và chuyển dịch cơ cấu lao động. Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch UBND xã cho hay, “Những việc dễ, xã đều đã triển khai và hoàn thành, còn lại các vướng mắc đều thuộc tiêu chí khó thực hiện". Đơn cử như bình quân thu nhập đầu người năm 2011, xã Song Phượng đã đạt trên 18 triệu đồng/người/năm, tăng 11,7% so với năm 2010, tuy nhiên, để đạt mức cao gấp 1,5 lần so với thu nhập bình quân của khu vực nông thôn ngoại thành thì vẫn chưa đạt; tương tự, toàn xã hiện còn 67 hộ nghèo, chiếm 5,7% trong tổng số 1.176 hộ dân trong xã (trong khi tiêu chí quy định chỉ dưới 3%)… Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng kiến nghị, thu nhập, hộ nghèo và cơ cấu lao động là những tiêu chí khó, Trung ương và TP cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể phù hợp với thực tế từng địa phương và nên xác định xây dựng NTM cho từng nấc, 5 năm một nấc, nấc sau cao hơn nấc trước.


Theo Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)