Sau hai năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XD NTM) từ một địa bàn còn nhiều khó khăn như sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, cơ sở vật chất văn hóa còn thiếu... huyện Thanh Trì đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều công trình nông thôn hoàn thành đưa vào sử dụng; đời sống của nông dân được nâng cao...
Mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn ở Đông Mỹ (Thanh Trì) cho hiệu quả kinh tế cao.
Sau hai năm thực hiện XD NTM đến nay huyện Thanh Trì đã hoàn thành quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 là huyện đầu tiên của TP công bố quy hoạch điểm dân cư nông thôn tại 12/15 xã. So với bộ tiêu chí quốc gia về NTM Thanh Trì đã cơ bản đạt 10 tiêu chí, còn 9/19 tiêu chí chưa đạt như thủy lợi, giao thông nông thôn, trường học, chợ nông thôn, thu nhập bình quân đầu người… Mục tiêu của huyện là dồn vốn cho xây dựng các công trình nông thôn, nên năm 2011 toàn huyện thực hiện 120 dự án với số vốn hơn 334 tỷ đồng, đến nay có 39 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đồng thời chỉ đạo các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng. Hiện nay, huyện Thanh Trì đang phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội xây dựng hai mô hình rau an toàn (RAT) ở xã Duyên Hà và xã Yên Mỹ (khoảng 56ha); chuyển đổi 3,7ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại du lịch sinh thái tại các xã Tả Thanh Oai, Tân Triều và Tam Hiệp; thực hiện thành công ba mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu tại xã Tam Hiệp, Tả Thanh Oai, Hữu Hòa tạo điều kiện phát triển kinh tế của hộ.
Đáng nói là năm 2011 huyện đã huy động các nguồn lực ngoài vốn ngân sách được 242 doanh nghiệp tham gia đóng góp XD NTM với số tiền gần 11 tỷ đồng. Vận động nhân dân tham gia XD NTM bằng cách hiến đất mở đường điển hình như xã Ngũ Hiệp, Vạn Phúc, Liên Ninh, nhân dân đã hiến 1.136m2 đất để mở đường, đóng góp tiền xây dựng các di tích lịch sử, các công trình công cộng được hơn 27 tỷ đồng (xã Thanh Liệt, Đông Mỹ nhân dân đóng góp 2,3 tỷ đồng trùng tu đình, chùa...). Bà Hoàng Thị Thư, Bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh cho biết, là xã còn khó khăn, nhưng với quyết tâm đến năm 2013 xây dựng thành công NTM. Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề về NTM, nên khi xã thực hiện mở rộng giao thông nông thôn ngoài việc các hộ dân hiến hàng trăm mét vuông, mỗi nhân khẩu còn ủng hộ 1,4-1,5 triệu đồng để xây dựng xong tuyến đường liên xã dài 1.000m đây là bước đột phá của xã để xây dựng thành công NTM.
Mặc dù chương trình XD NTM đang có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn khó khăn như công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ xã có tâm lý né tránh ngại va chạm. Việc triển khai thủ tục đầu tư các dự án còn lúng túng, tiến độ một số dự án còn chậm. Thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất chưa thông thoáng, nên việc huy động nguồn lực tại chỗ cho XD NTM còn nan giải. Đời sống và thu nhập của người dân mới đạt 15 triệu đồng/người/năm. Tâm lý một số người dân còn giữ đất chờ dự án để nhận tiền đền bù, ít quan tâm đến sản xuất và chưa đồng thuận với chủ trương dồn điền đổi thửa nên sản xuất nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao…
Bí thư Huyện ủy Triệu Đình Phúc: Năm 2012 huyện sẽ hoàn thành XD NTM ở hai xã Đại Áng và Đông Mỹ. Thực hiện 121 dự án hạ tầng phục vụ NTM với nguồn vốn gần 300 tỷ đồng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa, sản phẩm đạt chất lượng cao như các mô hình RAT ở Duyên Hà, Yên Mỹ, thủy sản an toàn ở Đông Mỹ… đưa 6 chợ vào hoạt động. Phấn đấu đến năm 2015, có trên 65% xã hoàn thành XD NTM và đến năm 2017 có 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM. |
Theo Hà Nội mới