Sở Xây dựng Hà Nội cho biết quá trình cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tại khu vực bãi sông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Sở đã kiến nghị, đề xuất thành phố có giải pháp tháo gỡ.
Người dân xem đồ án quy hoạch sông Đuống tỷ lệ 1/5.000. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
Để tháo gỡ khó khăn trong cấp phép xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư hiện có trên bãi sông theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, thống kê, lập danh mục khu dân cư tập trung hiện có trên bãi sông trên địa bàn quản lý để Sở tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết quá trình cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tại khu vực bãi sông (cấp phép xây dựng chính thức, cấp có thời hạn, không cấp phép xây dựng) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Sở đã kiến nghị, đề xuất thành phố có giải pháp tháo gỡ.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 149/2021/TB-VP của Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cơ bản thống nhất về nguyên tắc với nghiên cứu đề xuất của Sở Xây dựng Hà Nội về việc nghiên cứu, phân loại các trường hợp quản lý (không được xây dựng; cải tạo chỉnh trang); được xây dựng mới phù hợp với trường hợp phải di dân; trường hợp được tồn tại tại khu vực dân cư tập trung...) theo ý kiến của Bộ Xây dựng tại Văn bản 3497/BXD-HDXD ngày 21/7/2020 và phù hợp quản lý quy hoạch.
Theo đề xuất, quy định quy mô xây dựng đối với các trường hợp này không quá 5 tầng và 1 tum kỹ thuật đối với trường hợp xây dựng mới tại khu vực bãi sông Hồng.
Tuy nhiên, các yêu cầu về kỹ thuật, kết cấu công trình, thời hạn cấp phép phải bảo đảm phù hợp, đồng bộ với việc thực hiện các loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch phòng, chống lũ được phê duyệt.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị quy hoạch-kiến trúc, tư pháp, Viện Quy hoạch xây dựng kiểm tra, làm rõ giá trị pháp lý của Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 của HĐND thành phố Hà Nội; Quyết định số 959/QĐ-UBND ngày 28/2/2011 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về phê duyệt chi tiết chỉ giới thoát lũ trên tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Cùng với đó, Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành trên rà soát, xác định giá trị pháp lý của hệ thống các quy hoạch đã được phê duyệt (quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 các quận trước đây; quy hoạch chung xây dựng huyện...) theo phương pháp chồng bản đồ.
Trên cơ sở đó, xây dựng bản đồ các khu vực quản lý theo quy hoạch được duyệt tổng hợp, phù hợp, có hiệu lực pháp lý; xác định khu vực quản lý hợp lý, phát hiện bất cập (nếu có) đối chiếu định hướng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quy hoạch xây dựng vùng huyện và đề xuất biện pháp xử lý.
Trong giai đoạn quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quy hoạch xây dựng vùng huyện liên quan chưa được duyệt, mọi trường hợp cấp phép xây dựng mà phù hợp quản lý chỉ nên cấp có thời hạn.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội phải nghiên cứu phương pháp quản lý các khu vực bãi sông khác để thống nhất quản lý và đồng bộ vì trong phạm vi đề xuất quản lý của Sở hiện chỉ là sông Hồng.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1045/2022/QĐ-UBND và ngày 5/4/2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5000 (Đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) thuộc địa phận 13 quận, huyện của Hà Nội.
Các đồ án quy hoạch phân khu đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg) và Văn bản số 4409/BNN-PCTT ngày 14/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông.
Đất nhóm nhà ở xây dựng mới được nghiên cứu bố trí tại khu vực bãi sông phù hợp (được phép xây dựng và được nghiên cứu xây dựng) theo hướng thuận dòng chảy và địa chất thủy văn của sông, mật độ xây dựng thấp, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối hài hòa, khai thác các chất liệu kiến trúc truyền thống và bền vững, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa, đồng bộ về hạ tầng./.