Khu đô thị mới Yên Ninh tại phường Yên Ninh và xã Văn Phú, Tp. Yên Bái (Yên Bái) quy mô 124 ha; dân số khoảng 8.508 người vừa được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Một góc Tp. Yên Bái hôm nay. (Ảnh ITN)
Theo đó, Khu đô thị mới có: Phía Bắc giáp đường nối cầu Tuần Quán. Phía Nam giáp khu dân cư xã Văn Phú. Phía Đông giáp đường tỉnh ĐT.168 (đường Yên Bái - Văn Tiến). Phía Tây giáp đường nối Quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 124 ha; dân số khoảng 8.508 người. Đây là khu đô thị mới của Tp. Yên Bái với các công trình công cộng, thương mại dịch vụ, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, văn minh và hiện đại, có sức hấp dẫn về cảnh quan và môi trường sống đô thị.
Không gian đô thị được tổ chức theo hai trục Bắc - Nam và Đông - Tây, tạo sự kết nối thông suốt. hai đầu trục giao thông chính bố trí cổng chào, kết nối các công trình thương mại, dịch vụ kiến trúc.
Phân khu chức năng gồm 3 khu ở, mỗi khu bố trí các trục cảnh quan, quảng trường lớn và các công trình kiến trúc chức năng đặc thù. Trong đó, khu ở phía Tây Bắc là khu vực phát triển đô thị cửa ngõ gần cầu Tuần Quán; có tính chất đặc trưng về thương mại, văn hóa được cấu thành từ các cụm nhà ở liền kề, biệt thự mang phong cách kiến trúc cổ châu Âu, trung tâm thương mại kết hợp với trục văn hóa, quảng trường lễ hội.
Khu ở phía Nam là khu vực phát triển đô thị cửa ngõ nằm ở phía Đông gần cầu Giới Phiên. Đây là khu ở có đặc trưng về thương mại, giáo dục theo tổng thể quy hoạch chung Tp. Yên Bái với cầu Giới Phiên, là cầu cảnh quan gắn với các hoạt động văn hóa tạo điểm nhấn phía Tây Nam của thành phố.
Không gian kiến trúc đô thị được tổ chức thành trục thương mại gắn kết khu vực cầu Giới Phiên và phố đi bộ hình thành một trục cảnh quan xuyên suốt; điểm đầu là quảng trường thương mại và kết thúc bằng công trình trường học quốc tế. Khu ở trung tâm là trung tâm đa chức năng với đặc trưng về hành chính, giáo dục kết hợp với chức năng thương mại dịch vụ và phố đi bộ.
Khu công viên rừng dựa vào địa hình tự nhiên, các khu vực có cao độ và độ dốc lớn, không thuận lợi để phát triển đô thị được quy hoạch thành công viên rừng, đồng thời cũng là nơi tham quan trải nghiệm, học tập, khám phá thiên nhiên. Hai giai đoạn đầu tư gồm đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, kiến trúc, hạ tầng xã hội và cảnh quan.