Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV về xây dựng, phát triển và quản lý đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh tăng cả về số lượng và chất lượng, bước đầu đã hình thành mạng lưới đô thị kết nối, góp phần thúc đẩy KT - XH phát triển. Phát huy thành tựu và bám sát Nghị quyết số 06/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc đang rà soát để sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt.
Vĩnh Yên phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh. Ảnh: Khánh Linh
Nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, rà soát và điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển KT- XH của tỉnh; tổ chức lập các quy hoạch mới đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, tỉnh ban hành các quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan trên địa bàn tỉnh; phê duyệt các quy chế quản lý các khu đô thị; các quy định về cấp phép xây dựng và thỏa thuận địa điểm, phương án kiến trúc công trình; các văn bản quy định, hướng dẫn về quản lý hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc.
Năm 2021, Sở Xây dựng đã rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy xem xét điều chỉnh 3 quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Bắc, phía Nam và phía Tây Vĩnh Phúc; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đô thị Vĩnh Phúc; quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo và điều chỉnh cục bộ tỷ lệ 1/2.000 quy hoạch phân khu A1 trong quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc.
Cùng với đó, triển khai lập 3 đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường và Tam Đảo; 3 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 phát triển du lịch, dịch vụ khu vực xung quanh hồ Vân Trục (Lập Thạch), hồ Bò Lạc (Sông Lô), hồ Đồng Nhập, hồ Làng Hà (Tam Đảo)…
Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào công tác quy hoạch đô thị, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch và tạo ra sự đồng thuận cao. Đến nay, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng hoàn thành việc thi tuyển phương án kiến trúc nhiều công trình lớn như: Đài PT - TH tỉnh; Thư viện tỉnh; Trung tâm triển lãm, giới thiệu thành tựu KT - XH tỉnh Vĩnh Phúc...
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 đô thị, trong đó: Thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III; 30 đô thị loại V gồm 16 thị trấn; 76 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đã giao chủ đầu tư với tổng diện tích sử dụng đất 2.758 ha, diện tích đất ở chiếm khoảng 862 ha và sau khi các dự án hoàn thiện sẽ đáp ứng được nhu cầu ở cho gần 280 nghìn người.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%, dân số đô thị đạt khoảng 528 nghìn người. Chất lượng đô thị đã tăng lên đáng kể với sự đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Mạng lưới đường giao thông trên địa bàn được đầu tư xây dựng có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần mở rộng không gian đô thị, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.
Hệ thống cấp nước, điện, dịch vụ viễn thông cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của các khu công nghiệp và khu dân cư đô thị; tỷ lệ dân cư đô thị loại IV trở lên được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 90%.…
Thực hiện Nghị quyết số 06/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đang rà soát để ban hành Chương trình hành động với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước.
Đến năm 2030, xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về KT - XH, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức, người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc, nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống.
Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đề ra là: Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.