Là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế toàn diện, có dân số đông, nguồn lực lao động dồi dào, quy mô diện tích rộng lớn, tiềm năng đất đai đa dạng; địa bàn giáp ranh với thành phố Đông Hà, có chợ Ngã tư Sòng, hệ thống giao thông thuận lợi... xã Thanh An, huyện Cam Lộ đang tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của Nhân dân để phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V trong thời gian tới.
Giao thông thuận lợi là một lợi thế góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Thanh An. Ảnh: TQ
Phát huy vị trí gần trung tâm và là cửa ngõ phía Bắc giáp ranh thành phố Đông Hà; có vị trí giao thông đường bộ thuận lợi, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Thanh An đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ Nhân dân, các doanh nghiệp khai thác tốt tiềm năng lợi thế; phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở sản xuất, duy trì các ngành nghề truyền thống... để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Đến xã Thanh An hôm nay, du khách dễ dàng cảm nhận đó là những siêu thị, cửa hàng... sầm uất, không khí buôn bán nhộn nhịp, mang dáng dấp của đô thị mới.
Chợ Ngã Tư Sòng được đầu tư nâng cấp, quy mô kinh doanh ngày càng được mở rộng, chủng loại hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Các loại hình dịch vụ như kinh doanh ô tô, ăn uống, hàng hóa tiêu dùng… phát triển nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn xã bình quân hằng năm đạt 15%; tổng giá trị thu nhập năm 2020 ước đạt 400 tỉ đồng; thu nhập đầu người năm 2020 ước đạt 44 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, trong đó tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21%; tỉ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 52%; tỉ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 27%. Trên địa bàn xã hiện có trên 600 hộ kinh doanh; tổng doanh thu đạt trên 300 tỉ đồng.
Theo Chủ tịch UBND xã Thanh An Trần Văn Nam, để đạt các tiêu chí đô thị loại V, xây dựng xã Thanh An trở thành trung tâm kinh tế phía Đông của huyện, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và chính quyền xã Thanh An đã đề ra những giải pháp cụ thể. Trong đó, cùng với việc thu hút các nguồn lực đầu tư, Thanh An sẽ chú trọng phát huy tiềm năng lợi thế nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao tỉ lệ lao động phi nông nghiệp. Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp; tham mưu xây dựng chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Ông Nam cho biết, địa phương đã thống nhất lựa chọn khu vực Ngã Tư Sòng làm trung tâm để đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng để đầu tư cơ sở hạ tầng, mở mới các khu dân cư tập trung. Đặc biệt là các điểm có tiềm năng, lợi thế như khu vực Bàu Đá, hồ Trúc Kinh, dọc Hói Sòng, Tràng Sim, Cồn Đống, Phổ Lại, khu vực Bàu Ao, Bàu Miệu...; tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi hợp tác, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các điểm vui chơi giải trí, khuôn viên cây xanh tạo quỹ đất để phát triển dịch vụ sinh thái, ăn uống nghỉ dưỡng…
Tiếp tục khai thác lợi thế vùng ven đô và không gian đô thị mở rộng từ TP. Đông Hà, thế mạnh ở các khu vực Ngã Tư Sòng, dọc tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường đầu cầu sông Hiếu, đường Thanh Niên... Khuyến khích, vận động Nhân dân tích cực phát triển các ngành nghề, mở rộng các loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ như: Kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng phục vụ đời sống, kinh doanh ô tô, siêu thị mini, nhà hàng, kho bãi trung chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng...; đồng thời, vận động Nhân dân phát triển dịch vụ vận tải hành khách, hàng hoá, chế biến, thu mua nông sản...; đầu tư phát triển mở rộng quy mô và kinh doanh tổng hợp nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Kêu gọi đầu tư, nâng cấp chợ Ngã Tư Sòng, khuyến khích tiểu thương đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh, đa dạng nhiều mặt hàng, chú trọng chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ để trở thành điểm giao thương, mua sắm hấp dẫn của người dân trong và ngoài địa bàn, đồng thời là nơi tiêu thụ hàng hóa sản phẩm của địa phương.
Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng gắn với tiềm năng về nguyên liệu trên địa bàn như nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; cung cấp trang thiết bị hỗ trợ sản xuất như: Máy móc, công cụ sản xuất, chế biến nông sản, sửa chữa máy móc… giúp tăng hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm. Tập trung khai thác có hiệu quả quy hoạch chi tiết Ngã Tư Sòng đã được UBND huyện phê duyệt. Tranh thủ mọi nguồn lực, kêu gọi khuyến khích đầu tư vào địa bàn tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Mở rộng các loại hình sản xuất, kinh doanh, ngành nghề mới. Đồng thời duy trì các ngành nghề truyền thống có chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường nhằm giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương; đặc biệt là khuyến khích các hộ sản xuất bún tại làng nghề bún Cẩm Thạch vào hoạt động tại cụm làng nghề nhằm phát huy hiệu quả của dự án sau đầu tư, đồng thời giải quyết công tác môi trường tại thôn Cẩm Thạch.
“Phát huy ưu thế về hệ thống giao thông, xã Thanh An phấn đấu đến năm 2025 tỉ trọng giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm trên 82% tổng giá sản xuất của địa phương; giảm tỉ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản xuống còn 18%. Tổng giá trị thu nhập toàn xã đạt từ 730 - 750 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 78 - 80 triệu đồng. Đặc biệt, phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại V trước năm 2025”, Chủ tịch UBND xã Thanh An Trần Văn Nam khẳng định.