Dịch SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung, ngành xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng nên ngành vẫn bảo đảm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, hạn chế những vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
TP. Hà Nội coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Thùy Chi
Thực hiện Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 3406/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, sau gần 2 năm thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội, công tác này đã có nhiều kết quả đáng khích lệ.
Các vi phạm trật tự xây dựng được chỉ đạo xử lý kịp thời theo đúng quy trình, đúng quy định. Qua đó khẳng định được vai trò chủ lực của lực lượng này trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự kỷ cương hành chính trên nhiều lĩnh vực của đô thị như trật tự lòng đường, vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, nếp sống văn minh đô thị...
Đáng chú ý, qua áp dụng các biện pháp phối hợp kiểm tra, nhiều trường hợp xây dựng vi phạm đã được cán bộ phát hiện và đề xuất biện pháp giải quyết. Lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các địa bàn đã làm giảm đáng kể số trường hợp xây dựng vi phạm không phép, sai phép của các công trình xây dựng đang thi công tràn lan như những năm trước đây và xử lý được nhiều trường hợp vi phạm tồn đọng kéo dài, nổi cộm. Số công trình được kiểm tra, rà soát tăng, số vụ việc tồn đọng giảm, tỷ lệ công trình có phép so với số công trình không phép tăng cao.
Trong năm 2019, các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỉ lệ hơn 3%), giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh tra Sở Xây dựng ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 13,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhờ kiên quyết xử lý và xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm với số tiền tăng lên đã có tác động mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý trật tự đô thị. Các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" cũng được đôn đốc thực hiện, xử lý các kiến nghị, kết luận sau thanh tra đạt hiệu quả tốt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xây dựng chung.
Năm 2020, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp ngăn chặn đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ngành chức năng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.
Đồng thời, thành phố yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về tình hình trật tự xây dựng cũng như tiến độ xử lý các vi phạm tồn đọng...
Để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước, TP. Hà Nội kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010 theo hướng tổ chức Thanh tra chuyên ngành xây dựng 3 cấp tại các đô thị đặc biệt; xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về việc cấp giấy phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP theo hướng giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến để việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, bảo đảm tính kịp thời, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở trong xử lý vi phạm.