Thưa thầy, xin thầy phác thảo những nét cơ bản về Trường Trung học Xây dựng Miền Trung?
- Được thành lập theo Quyết định số 84/BXD-TCCB ngày 14/2/1976 của Bộ Xây dựng, nhiệm vụ chủ yếu của Trường là đào tạo cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ xây dựng cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trải qua hơn 33 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Trung học Xây dựng Miền Trung đã đào tạo được 46 nghìn cán bộ trung cấp chuyên nghiệp ngành Xây dựng và kế toán DN, trên 16 nghìn công nhân kỹ thuật lành nghề. Trường còn là địa điểm tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên do Bộ Xây dựng và TCty Miền Trung tổ chức. Ghi nhận những thành tích đó trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Hiện tại, ngoài chỉ tiêu của Bộ Xây dựng giao tuyển sinh hàng năm, trường còn liên doanh, liên kết với các trường trong khu vực để đào tạo cán bộ kỹ thuật theo yêu cầu của xã hội.
Nhiều thế hệ học sinh được đào tạo từ Trường hiện đang là cán bộ lãnh đạo các sở ngành địa phương, là giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng các Cty, đơn vị thuộc TCty Miền Trung và cũng là lực lượng nòng cốt của các DN tại khu vực.
Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường.
Được biết, Trường đang xây dựng đề án nâng cấp thành trường cao đẳng. Vậy cụ thể việc này như thế nào, thưa thầy?
- Triển khai chiến lược phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2001-2010 và Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020, theo đó Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1819/BXD-TCCB ngày 23/8/2007 về việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường thuộc ngành Xây dựng, trong đó Trường Trung học Xây dựng Miền Trung được quy hoạch thành trường cao đẳng, là trường trọng điểm của miền Trung và Tây Nguyên. Ý thức được vấn đề này, tập thể cấp ủy, Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, CBCNV và học sinh Nhà trường đang khẩn trương triển khai đề án nâng cấp thành Trường Cao đẳng Xây dựng trong thời gian sớm nhất.
Vậy Nhà trường đã chuẩn bị gì cho công tác dạy - học khi được nâng lên thành cao đẳng?
- Trong đề án thành lập Trường Cao đẳng Xây dựng Miền Trung có đề ra các giải pháp thực hiện đề án. Trong đó chủ yếu là củng cố và hoàn thiện tổ chức cơ sở phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Cụ thể từ nay đến năm 2010 tập trung củng cố và kiện toàn các phòng, khoa, tổ bộ môn hiện có để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng; thành lập mới các phòng, khoa theo yêu cầu của nhiệm vụ đào tạo cao đẳng như Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Trung tâm ngoại ngữ - tin học, Trung tâm tư vấn thiết kế và xây dựng, thư viện. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý trong nhà trường, phấn đấu đến năm 2012 có trên 30% giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc giáo viên không đạt chuẩn quy định của bậc đào tạo thì không bố trí giảng dạy. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên theo quy định trong Điều lệ trường cao đẳng của Bộ GD&ĐT ban hành.
Hơn nữa, TP Đà Nẵng chưa có trường cao đẳng chuyên ngành Xây dựng nào có quy mô lớn để đáp ứng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vì vậy, Trường được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Xây dựng Miền Trung đào tạo đa ngành, đa cấp học là thể hiện sự phát triển đúng hướng và rất cần thiết để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nền giáo dục đào tạo của đất nước, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong những năm qua, một số lượng lớn học viên khi tốt nghiệp đã được trường liên hệ với đối tác giải quyết công ăn việc làm ổn định. Vậy, xu hướng này sắp đến sẽ như thế nào?
- Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước trong những năm qua trường đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng dạy và học. Mặt khác, trường cố gắng mở thêm các ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu, nhưng chủ đạo vẫn là ngành nghề phục vụ cho lĩnh vực xây dựng. TCty Miền Trung có chính sách ưu tiên tiếp nhận những học sinh tốt nghiệp loại khá, giỏi bố trí vào các Cty, đơn vị trực thuộc. Qua khảo sát thì phần lớn học sinh tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định và được xã hội chấp nhận về chất lượng đào tạo. Trước mắt và những năm tiếp theo Nhà trường sẽ cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học bằng cách đổi mới phương thức đào tạo, chú trọng kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn, mặt khác chủ động liên hệ các DN, các tổ chức có nhu cầu cán bộ để giới thiệu cho học sinh liên hệ công việc.
Một tiết thực hành.
Là một trường chuyên về lĩnh vực xây dựng của miền Trung - Tây Nguyên, điều này có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa thầy?
- Là một trường công lập trong lĩnh vực xây dựng ở miền Trung cũng có nhiều thuận lợi, đó là được sự quan tâm của Bộ Xây dựng, TCty Miền Trung, của các sở, ban ngành TP Đà Nẵng, tập thể cán bộ, giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy, nhu cầu của xã hội về cán bộ, công nhân lành nghề ngành Xây dựng rất lớn. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa giáo dục là thời cơ lớn nhưng đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ đã đòi hỏi trường phải nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học để “cạnh tranh” với các trường trong khu vực về chất lượng học sinh khi ra trường có được xã hội chấp nhận hay không. Do vậy đòi hỏi rất lớn về chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, phải chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên. Mỗi thầy cô phải thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất và trình độ đào tạo, khẩu hiệu hành động của giáo viên, CBCNV Nhà trường là “Tất cả vì học sinh thân yêu!”.
Xin cảm ơn thầy!
Theo Báo Xây dựng điện tử