Ðầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đê ven biển Nam Bộ

Thứ hai, 06/07/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực trạng tuyến đê hiện có ở các tỉnh ven biển Nam Bộ đã và đang xuống cấp nghiêm trọng trong khi các địa phương thiếu kinh phí đầu tư tu bổ, nâng cấp... Do đó, việc khẩn trương xây dựng tuyến đê kiên cố cấp quốc gia, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống người dân tại các tỉnh ven biển là rất cần thiết.

Công trình xây dựng cống đập và bồi trúc tuyến đê biển tây trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Thực trạng tuyến đê ven biển Nam Bộ

Ba tháng sau khi cơn bão số 5 gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh ven biển Nam Bộ vào cuối năm 1997; đầu năm 1998, Trung ương đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đê tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Ðây là tuyến đê quốc gia, là một trong số những dự án lớn về thủy lợi do Trung ương đầu tư tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm đó; sau chương trình thủy lợi ngọt hóa Quảng Lộ - Phụng Hiệp vùng bán đảo Cà Mau.

Theo đó, điểm xuất phát xây dựng của tuyến đê Biển Tây từ Kênh Năm của huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau chạy dài đến thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tổng chiều dài toàn tuyến đê là 224 km, đi qua tám huyện, một thị xã của các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Trong khi đó, dự án xây dựng tuyến đê Biển Ðông cũng được triển khai xây dựng đồng bộ. Ðiểm khởi đầu của tuyến đê này nối từ đê biển huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến thị trấn Gành Hào thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu giáp Cà Mau; tổng chiều dài toàn tuyến là 53 km.

Năm 2003, các tuyến đê này về cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trừ hệ thống cầu, cống chưa được xây dựng đồng bộ. Theo thiết kế, toàn bộ các tuyến đê này chịu đựng được trong điều kiện sức gió bão cấp 9 và có khả năng ngăn mặn, nước dâng, triều cường cho hàng trăm nghìn ha đất sản xuất lúa, nuôi tôm, bảo vệ các cụm kinh tế kỹ thuật, các khu dân cư bên trong đê... Mặc dù chưa hoàn chỉnh, nhưng tuyến đê đã phát huy tác dụng tích cực trong việc giảm nhẹ thiệt hại thiên tai do bão, sóng biển, triều cường dâng cao trong những năm vừa qua, giúp người dân yên tâm sản xuất, sinh hoạt và ổn định đời sống.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, tình trạng chung trên toàn tuyến đê biển xung yếu này hiện nay đang rệu rã, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nơi bị sóng biển, triều cường gây sạt lở, gần như mất hết dấu vết; trong khi không được quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp kịp thời. Hằng năm, nơi nào bị sạt lở nhẹ, địa phương cũng chỉ thực hiện giậm vá, nơi nào bị nặng thì đành chịu do kinh phí hạn hẹp.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau: Hệ thống đê Biển Tây hiện nay xuống cấp khá nghiêm trọng, nhiều đoạn bị sạt lở tới chân đê, nếu không được đầu tư gia cố, bồi trúc kịp thời có khả năng bị sóng biển đánh sạt lở ngay trong mùa mưa bão năm nay. Ðoạn bị sạt lở nhiều nhất là từ cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời đến Tiểu Dừa, huyện U Minh, với chiều dài hơn 55 km. Trong khi đó, hệ thống đê Biển Ðông, nhiều năm nay tỉnh có kế hoạch đề nghị Trung ương sớm có chủ trương để đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được. Cho nên, hằng năm khi đến mùa mưa bão, nước biển dâng cao đã làm thiệt hại không ít diện tích sản xuất lúa của bà con nông dân ở tuyến ven Biển Ðông và Tây của tỉnh. Cà Mau là tỉnh có ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển 254 km, với 87 cửa sông ăn thông ra biển, quanh các cửa sông này và vùng ven biển Cà Mau dân cư sinh sống khá đông. Vì thế, mỗi năm khi mùa mưa bão đến, ở vùng ven biển Cà Mau, người dân phải đối mặt tiềm ẩn thiên tai đến bất cứ lúc nào.

Tuyến đê biển tại tỉnh Kiên Giang có chiều dài 200 km, hiện đã có gần 35 km bị sạt lở, nhiều chỗ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ðoạn xung yếu nhất của tuyến đê biển này là từ Rạch Giá - Hà Tiên có chiều dài 98 km được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2008. Tuyến đê được chia ra làm hai đoạn: Ðoạn Rạch Giá - Chùa Hang (xã Bình An, huyện Kiên Lương) có chiều dài 63 km, tuyến đê đi sát bìa rừng phòng hộ ven biển có chiều dài 35 km. Từ năm 2006 đến nay, tuyến đê này đã xuất hiện nhiều chỗ sạt lở, nhưng nguy hiểm nhất là khu vực nằm trên huyện Hòn Ðất nhiều đoạn sạt lở mất hết dấu vết gần 1 km.

Theo người dân sống khu vực này cho biết, nguyên nhân sạt lở của tuyến đê là do phần lớn tuyến rừng phòng hộ bị tàn phá, nên nhiều đoạn sóng biển đánh trực tiếp vào đê trong khi đê không được duy tu bảo dưỡng cho nên bị vỡ. Hiện nay, có rất nhiều hộ dân ở quanh khu vực này không thể canh tác trên đồng đất của mình được nữa vì đất đã bị nhiễm mặn do nước biển tràn sâu vào nội đồng. Không ít hộ dân buộc phải di chuyển nhà đi nơi khác bảo đảm an toàn hơn.

Trao đổi ý kiến với các chuyên gia khảo sát đê biển của Dự án bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng chúng tôi được biết: Hiện nay, đoạn đê biển dài 72 km của tỉnh đang trong quá trình xói lở rất nghiêm trọng. Tại địa bàn huyện Vĩnh Châu, nơi chủ yếu tuyến đê đi qua, nhiều đoạn sạt lở kéo dài đến 3 - 4 km.

Theo các kỹ sư ở đây, những vùng bị xói lở một phần do ảnh hưởng của quá trình tự nhiên như các dòng hải lưu, thủy triều, gió chướng, hoạt động của sóng, nhưng chủ yếu do rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển bị chặt phá, không còn khả năng chống chọi, bảo vệ tuyến đê. Năm 1987, khi phong trào nuôi tôm phát triển, nhiều cánh rừng phòng hộ ở đây bị người dân chặt phá trắng. Hậu quả là trận triều cường năm 1992 gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của người dân vùng ven biển tại đây. Tình trạng này khiến hơn 4 nghìn hộ dân với gần 17 nghìn người đang sống trong khu vực ảnh hưởng xói lở, triều cường, bão lũ đe dọa thường xuyên rất cần được di dời đến các cụm, tuyến dân cư an toàn trong thời gian tới. Ðó là chưa kể đến nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ven biển Sóc Trăng đã biến mất, như các loại cây bần, đước, mắm; các loại động, thực vật quý hiếm khác như khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, dơi ngựa lớn, hệ động vật lưỡng cư và bò sát...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của dự án, quá trình xói lở và bồi tụ cũng diễn ra rất mạnh mẽ ngay trên một đoạn bờ biển và tuần tự theo mùa. Sau khi quá trình xói lở được bồi tụ ngay ở sát bờ, hình thành ra phía biển những bãi bồi không ổn định, vào lúc thủy triều xuống để lộ ra bãi bồi rộng khoảng 2 - 3 km với tầng bùn dày, nhất là vào mùa gió chướng bắt đầu từ tháng 9 - 10 hằng năm. Ðiều này cho thấy, hiện tượng vừa bồi vừa lở này làm cho hệ thống đê Biển Ðông ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu... ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân nơi đây.

Xây dựng tuyến đê kiên cố, bền vững

 Ngày 27-5-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 667/QÐ-TTg về việc phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Thời gian thực hiện chương trình từ nay đến năm 2020, chia làm ba giai đoạn: Từ năm 2009 - 2012, chủ yếu trồng cây, đắp đất khép kín tuyến đê; từ năm 2013 - 2016 tiếp tục củng cố tuyến đê và đường giao thông; từ năm 2017 - 2020 xây dựng cầu, cống lớn, hoàn thiện đê và hệ thống đường giao thông. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình này lên đến gần 19,5 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu lớn nhất của chương trình là hoàn thiện hệ thống đê biển khép kín từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để bảo đảm an toàn dân sinh; bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển, thích ứng nguy cơ nước biển dâng và những tác động xấu của biến đổi khí hậu; đồng thời từng bước hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng ven biển. Ðây thật sự là tin vui đối với các địa phương ven biển, trong đó có các tỉnh ven biển Nam Bộ trong việc xây dựng mới và  nâng cấp tuyến đê hiện hữu vững chắc, mang tầm quốc gia.

Theo lãnh đạo các tỉnh, trong những năm gần đây, việc đầu tư kinh phí để tu bổ, nâng cấp, gia cố toàn bộ tuyến đê Biển Ðông - Biển Tây ở các tỉnh ven biển Nam Bộ là rất hạn hẹp. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý sửa chữa, bồi trúc khi tuyến đê đi qua địa phương mình bị sạt lở.

Ðể khắc phục tình trạng xói lở và bảo vệ lâu dài tuyến đê biển, hiện nay được sự hỗ trợ của tổ chức hợp tác kỹ thuật Cộng hòa Liên bang Ðức (GTZ) thông qua "Dự án Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển tỉnh Sóc Trăng", ngành nông nghiệp phát triển nông thôn Sóc Trăng đang tiến hành khảo sát, xây dựng các mô hình thủy lực về dòng chảy ngoài biển để thiết kế rào phá sóng hiệu quả và phòng, chống sạt lở cho toàn bộ hệ thống đê biển của tỉnh. Ðáng chú ý, dự án bảo vệ và phát triển những vùng ngập nước ven biển được thực hiện từ năm 2000 đến nay, Sóc Trăng đã thực hiện được nhiều hợp phần quan trọng. Ðáng chú ý là việc tổ chức tái định cư cho hàng trăm hộ dân sống ngoài đê có nơi ở an toàn, từ đó hạn chế việc phá rừng.

Bên cạnh các giải pháp kinh tế, lo việc làm cho người thất nghiệp; tuyên truyền vận động mọi người cùng tham gia giữ rừng; việc xây dựng các phương án quy hoạch lại toàn bộ rừng ngập mặn với mục đích ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, ổn định xã hội nghề rừng và tạo điều kiện thuận lợi để kinh doanh kết hợp các ngành nghề khác như thủy sản, nông nghiệp. Qua đó vừa bảo vệ được hệ sinh thái, vừa khai thác đúng tiềm năng của rừng ngập mặn ven biển của tỉnh.

Ðồng chí Nguyễn Việt Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, cho biết: Ðặc thù của Cà Mau là dân cư vùng ven biển chủ yếu làm nghề khai thác thủy sản, nên ở các cửa biển cư dân sinh sống khá đông. Hiện tại ở khu vực rừng phòng hộ và đê Biển Tây còn hơn 2.300 hộ dân sinh sống; đối với khu vực ven Biển Ðông, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng thực tế dân bám trụ sinh sống ven biển khá nhiều. Hầu hết người dân sinh sống ven biển đều nằm trong vùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc mỗi khi mùa mưa bão đến. Trong ba năm qua, do nguồn vốn đầu tư hạn chế nên tỉnh Cà Mau chỉ bố trí, sắp xếp được 475 hộ, với 2.128 khẩu ở vùng thiên tai, khu vực rừng phòng hộ và vùng đặc biệt khó khăn ven biển vào các khu tái định cư sinh sống.

Theo quy hoạch bố trí dân cư ở Cà Mau, đến năm 2015, số lượng các hộ dân cần bố trí, sắp xếp là 8.256 hộ, chủ yếu là đối tượng di dân vùng thiên tai, sạt lở đất ven biển, với tổng kinh phí thực hiện gần 500 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, tỉnh Cà Mau rất cần có sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương giúp Cà Mau xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm, tuyến dân cư, hoàn thành mục tiêu di dời dân đến nơi an toàn. Tỉnh Cà Mau hiện có gần 93 km đê Biển Tây nối với Kiên Giang, được đầu tư từ nguồn vốn của Trung ương. Trên tuyến đê này có 12 cửa biển, cửa sông khá lớn phải xây cống đập để ngăn mặn, triều cường, bảo vệ các cụm dân cư và sản xuất. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, năm 2007 - 2008 tỉnh đã triển khai xây dựng và đến nay đã đưa vào sử dụng năm cống, đập; số cống còn lại đang khẩn trương xây dựng và dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ hoàn thành dứt điểm.

Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo động lực để Cà Mau "cứng" hóa tuyến đê Biển Tây; đồng thời đầu tư xây dựng kiên cố tuyến đê Biển Ðông của tỉnh. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư, phân bổ để xây dựng mới và nâng cấp hai tuyến đê trên địa bàn Cà Mau lên đến 3.119 tỷ đồng. Hiện tỉnh Cà Mau xúc tiến việc kết hợp một số bộ, ngành chức năng của Trung ương khẩn trương lập dự án, các giải pháp kỹ thuật... để sớm xây dựng 135 km đê Biển Ðông, với vốn đầu tư dự kiến hơn 700 tỷ đồng.

Theo đồng chí Ðỗ Văn Vân, Giám đốc Ban Quản lý các dự án thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang: Nhiều năm qua việc đầu tư vốn để duy tu bảo dưỡng tuyến đê chưa được quan tâm đúng mức. Ðiều đó cũng đồng nghĩa với việc tuyến đê ngày càng xuống cấp nhiều hơn và nay muốn tu bổ càng tốn kém nhiều hơn. Hiện nay, ở nhiều nơi tình trạng người dân làm nhà trên hành lang bảo vệ đê; các loại xe tải lưu thông làm nát mặt đê, nhất là vào mùa mưa khá phổ biến. Tỉnh chỉ đạo các địa phương có tuyến đê đi qua tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao sự hiểu biết, tầm quan trọng của đê biển đến người dân để góp phần bảo vệ tuyến đê, cũng là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Với nguồn vốn dự kiến được phân bổ 2.083 tỷ đồng nằm trong chương trình củng cố, nâng cấp tuyến đê biển, tỉnh Kiên Giang sẽ triển khai nâng cấp, xây dựng bốn tuyến đê biển xung yếu gồm: Tuyến đê Mũi Nai đến cống Lung Lớn 2; tuyến đê cống Cái Tre đến thành phố Rạch Giá; tuyến đê khu vực thành phố Rạch Giá và tuyến đê từ Phà Tắc Cậu đến Cống Tiểu Dừa thuộc huyện An Biên, An Minh, giáp huyện U Minh (Cà Mau). Tuy nhiên, về trước mắt, để hạn chế thiệt hại do thiên tai, ngay trong mùa mưa bão này, tỉnh Kiên Giang đang tập trung gia cố, sửa chữa nhiều khu vực sạt lở tại đoạn kênh 286 - Vàm Rầy; đoạn Giồng Kè - T5. Ðoạn từ Xẻo Rô đến kênh Chống Mỹ sạt lở gần 8 km đang được thi công bằng biện pháp gia cố mặt đê bê-tông, xây dựng sáu cầu trên tuyến kết hợp làm đường giao thông; tuyến Xẻo Vạt đến Tiểu Dừa có chiều dài sạt lở gần 25 km. Giải pháp và hướng sửa chữa là gia cố mặt đê lại bằng bê-tông, mái đê phía biển lắp cấu kiện bê-tông đúc sẵn, mái phía đồng trồng cỏ ve-ti-ve, trồng cây chắn sóng, gió biển...

Trong điều kiện chưa xây dựng được tuyến đê kiên cố, trước mắt, các địa phương ven biển Nam Bộ chủ động chuẩn bị các phương án phòng, chống lụt, bão một cách bài bản, theo phương châm bốn tại chỗ. Vấn đề còn lại là tổ chức triển khai thực hiện theo từng phương án, lưu ý đến các xã vùng ven biển nơi chịu nhiều thiệt hại của thiên tai, bão lụt; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống lụt, bão trong nhân dân; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cảng cá, bờ kè, khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão. Vấn đề có tính cấp bách lâu dài là phải khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, mặc dù các tuyến đê biển hiện hữu có yếu kém, nhưng rừng phòng hộ dày đặc có thể chống đỡ được thiên tai bão lụt, sạt lở đất, thậm chí khi nước biển dâng cao, hệ thống rừng phòng hộ ven biển sẽ làm giảm bớt thiệt hại đáng kể. Ðây được xem là một kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng, chống lụt, bão vùng ven biển tại các tỉnh này. Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là một thách thức lớn và sự chủ động phòng, chống ngay từ bây giờ bằng tất cả các giải pháp là thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, việc khẩn trương xây dựng tuyến đê kiên cố cấp quốc gia, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống người dân tại các tỉnh ven biển Nam Bộ cũng cần làm ngay.

Theo Nhân Dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)