Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn vừa ký, ban hành Kế hoạch số 691/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Ảnh minh họa.
Thông qua Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số ngành Thư viện; xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, cung cấp đa dạng các dịch vụ thư viện đáp ứng yêu cầu người sử dụng, bảo đảm an ninh, an toàn, công bằng xã hội trong cung cấp thông tin và tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của nhân dân; góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử và chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện tỉnh Bắc Ninh; 80% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do Thư viện tỉnh Bắc Ninh thu thập, quản lý được số hóa; 100% số thư viện trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, phấn đấu tất cả các thư viện công cộng cấp huyện, thư viện chuyên ngành, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác được trang bị phần mềm quản lý thư viện, có Trang thông tin điện tử, có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập…
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch đề ra, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường sự quan tâm trong việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số đáp ứng nhu cầu phục vụ người sử dụng thư viện và khả năng mở rộng liên thông, liên kết thư viện trong nước và quốc tế. Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số ngành Thư viện thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác, lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực về chuyển đổi số để lan tỏa, nhân rộng; từng bước xây dựng và phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện ở mọi lúc, mọi nơi. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giám sát an toàn thông tin; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác thư viện.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngành Thư viện, đặc biệt là cán bộ trẻ có trình độ về tin học, ngoại ngữ nhằm làm chủ các phương tiện, thiết bị công nghệ mới, hiện đại.